Nói sự thật ung thư như thế nào để tránh gây sốc cho người bệnh?

Trong một số trường hợp, việc điều chỉnh ngôn từ đề cập đến căn bệnh ung thư một cách nhẹ nhàng sẽ giúp bệnh nhân không bị sốc.

Ảnh minh họa: Health.
Ảnh minh họa: Health.

 " Tôi có nên nói dối khi bệnh nhân ung thư đặt câu hỏi thẳng thắn không? Tôi có nên né tránh sự thật không? Tôi sẽ nói thế nào với một người rằng anh ta sắp từ giã cõi đời? ", thắc mắc thường gặp của nhiều người khi đứng trước nhiệm vụ quan trọng là thông báo sự thật cho người thân bị ung thư.

Bác sĩ Ang Peng Tiam, Giám đốc Trung tâm Ung thư PCC (Singapore) cho biết qua nhiều năm công tác trong lĩnh vực điều trị ung thư, ông luôn phải cân nhắc việc phải nói gì, nói đến đâu, thời điểm nào với những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo đe dọa tới tính mạng, đặc biệt là ung thư. 

Đa phần mọi người nghĩ ung thư là nỗi kinh hoàng, bản án tử hình, trong khi bác sĩ thường là người đầu tiên phải thông báo tin đó. Theo bác sĩ Ang, trong phần lớn trường hợp, việc nói sự thật cho bệnh nhân bị ung thư không khó khăn nếu họ là người mạnh mẽ và bệnh ở giai đoạn sớm, có tiên lượng khá tốt. Lúc này, thầy thuốc chỉ cần đưa ra thông điệp nhằm xoa dịu nỗi sợ hãi và lo lắng của bệnh nhân rồi cùng nhau bàn luận hướng điều trị sao cho hiệu quả.

Tuy nhiên đối với bệnh nhân là người già, trẻ em hay phụ nữ dễ bị xúc động, ung thư đã ở giai đoạn muộn, tiên lượng bệnh không tốt, có nên nói thẳng ra sự thật? Bác sĩ Ang cho rằng mỗi người đều có quyền được biết mọi thứ về sức khỏe của bản thân. Vấn đề là người báo tin hãy chọn cách đề cập thật khéo léo, phù hợp với từng hoàn cảnh để không gây sốc cho bệnh nhân dễ bị xúc động.

Bác sĩ Ang từng gặp một trường hợp nữ bệnh nhân đã ngoài 80 tuổi ung thư vú giai đoạn 4. Ung thư hình thành từ vú bên trái đã di căn sang hạch, xương và gan. "Xin đừng nói với bà ấy rằng bà bị ung thư", đó là lời cầu xin từ các thành viên trong gia đình khi họ đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ. Con cháu rất yêu quý bà nên sợ rằng khi nghe thông báo sự thật tinh thần bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng và không tiếp tục điều trị.

Người thân cho biết vài tháng trước bà từng tới gặp bác sĩ ngoại khoa và được thông báo bị ung thư vú cần phải phẫu thuật ngay lập tức. Bà cụ sợ từ "ung thư" đến nỗi không đến bệnh viện gặp bác sĩ nữa và không dám kể với ai về tình trạng bệnh của mình cho đến khi khối u quá lớn trồi lên ở ngực, người nhà mới phát hiện. Lúc này ung thư dã di căn, phẫu thuật không còn phù hợp nữa.

Sau khi hỏi thăm bà và trò chuyện riêng với thân nhân, bác sĩ Ang đồng ý với gia đình là không dùng từ "ung thư" để tránh ảnh hưởng đến tinh thần của cụ. Thay vào đó, bác sĩ giải thích cho bà hiểu rằng "có một chất bẩn" hình thành từ bên trong bầu ngực của bà, thứ đó có thể được rửa sạch bằng cách dùng thuốc. Bà cụ đồng ý điều trị. Thực ra "thuốc rửa" mà bác sĩ đề cập chính là hóa trị.

Trong 3 năm qua, bà cụ đến khám bệnh hàng tuần rất đều đặn. Ngồi ở phòng chờ có khá đông bệnh nhân rụng tóc, bác sĩ Ang nghĩ rằng có thể bà cụ đã biết mình bị ung thư nhưng vấn đề là không muốn đối mặt với nó. Mỗi lần đến khám, bà rất vui vẻ kể cho bác sĩ nghe về cuộc sống gia đình, các sinh hoạt thường ngày. Bà luôn kiên trì chịu đựng những tác dụng phụ của thuốc, nhờ đó mà đáp ứng điều trị tốt hơn. Sau một thời gian, "chất bẩn" ở vú của bệnh nhân đã "sạch" hơn rất nhiều. 

Bác sĩ Ang cho biết với đa phần bệnh nhân ung thư, ông luôn cố gắng nói cho họ hiểu sự thật về bệnh của mình và đón nhận nó một cách nhẹ nhàng. Trong một số trường hợp người bệnh dễ xúc động, chưa sẵn sàng đối diện với sự thật, việc điều chỉnh ngôn từ nói về ung thư theo hướng bớt nghiêm trọng hơn có thể giúp họ không bị sốc mà kiên trì điều trị ./.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới