Nông dân Anh Sơn nhân rộng mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học

(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường đang được bà con nông dân huyện Anh Sơn áp dụng rộng rãi. Trong đó, mô hình nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học, sử dụng nền chuồng bằng đệm lót sinh học.

Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình chị Nguyễn Thị Quỳnh thôn 7 xã Cẩm Sơn là một trong những trang trại lớn nhất vùng, mỗi năm cho thu lãi trên 500 triệu đồng.

Chị Quỳnh chia sẻ: Trang trại của gia đình chị có diện tích 8 ha, tập trung chăn nuôi gà, dê, ao cá và trồng chè. Đặc biệt gia đình chị đầu tư chăn nuôi hơn 1.000 con gà đẻ trứng trên nền đệm lót sinh học cho thu nhập rất cao.

Mô hình nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học, sử dụng nền chuồng bằng đệm lót sinh đang được bà con nông dân Anh Sơn nhân rộng
Mô hình nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học, sử dụng nền chuồng bằng đệm lót sinh học đang được bà con nông dân Anh Sơn nhân rộng. Ảnh: Thái Hiền

Theo chị Quỳnh, trước đây do chưa có kinh nghiệm, gia đình chị nuôi gà đẻ trứng theo phương pháp truyền thống nên vài ba ngày phải vệ sinh chuồng, vừa tốn công lại hôi thối, ruồi muỗi rất nhiều gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nuôi theo phương pháp truyền thống gà thường hay bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, chậm phát triến.

Ba năm nay, gia đình chị áp dụng mô hình đệm lót sinh học bằng men vi sinh thì hiệu quả mang lại rất cao. Loại men này sẽ diệt vi khuẩn, khử mùi hôi, giúp hạn chế được các loại bệnh thông thường về hô hấp và tiêu hóa cho gà. Hơn nữa sau khi bán gà, hỗn hợp trấu phân gà có thể dùng để làm phân bón cho cây trồng rất hiệu quả.

Hiện nay, với 4 dãy chuồng gia đình chị Quỳnh nuôi trên 1.000 con gà chuyên đẻ trứng, nhờ được nuôi trên nền đệm lót sinh học nên tỷ lệ nuôi sống (tính từ lúc 1 ngày tuổi) đạt 98,6%. Bình quân mỗi ngày gia đình chị thu được bình quân 300 - 400 quả trứng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm cho gia đình chị thu về gần 400 triệu đồng.

Chú thích
Đệm lót sinh học bằng men vi sinh giúp diệt vi khuẩn, khử mùi hôi, giúp hạn chế được các loại bệnh thông thường về hô hấp và tiêu hóa cho gà. Ảnh: Thái Hiền

Đến thăm trang trại của gia đình anh Trần Duy Lớn ở thôn 8 xã Khai Sơn, mặc dù chăn nuôi với quy mô lớn nhưng rất sạch sẽ, không có mùi hôi thối. Anh Lớn cho biết: Hiện nay gia đình anh chăn nuôi 300 con gà thịt mỗi lứa, mỗi năm nuôi 2-3 lứa. Để gà phát triển khỏe mạnh, gia đình anh đã sử dụng đệm lót sinh học trên diện tích chuồng 200m2 và bố trí cho gà ở trong chuồng hết tháng đầu, từ tháng thứ 2 trở đi cho gà ở vào ban đêm còn ban ngày thả ra vườn, nhờ phương pháp này mà đàn gà thường xuyên vận động nên tăng trọng nhanh.

Theo anh Lớn, quá trình làm đệm lót rất đơn giản, rẻ tiền. Trước khi thả con giống vào chuồng, gia đình anh làm đệm lót bằng cách rải trấu lên toàn bộ diện tích mặt chuồng với độ dày 20cm, tiếp theo tiến hành ủ men sinh học và cám gạo theo tỉ lệ hướng dẫn trong 3 ngày, rồi rải hỗn hợp này lên nền chuồng.

Cứ sau một vài ngày (tùy lượng phân nhiều hay ít) cào nhẹ trên bề mặt đệm lót một lần để giúp vùi phân và làm cho đệm lót được thông thoáng, sạch sẽ. Từ mô hình trang trại tổng hợp này mỗi năm cho anh Lớn thu nhập 100 - 150 triệu đồng.

Bà Thái Thị Tố - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khai Sơn cho biết: Hiện nay toàn xã Khai Sơn có tổng đàn gia cầm trên 37.000 con. Nhiều năm trước, chăn nuôi gà theo quy mô nông hộ vẫn thường xuyên phải đối mặt với một số loại bệnh nguy hiểm dẫn đến hiện tượng chết đàn hàng loạt; lượng phân gà thải ra nhiều gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sống xung quanh.

Những năm gần đây, Hội Nông dân xã Khai Sơn đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân đầu tư và áp dụng quy trình chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học. Để hỗ trợ bà con sản xuất mô hình, trong năm 2020, được sự hỗ trợ của cấp trên Hội nông dân xã Khai Sơn đã hỗ trợ 150 kg men cho bà con làm 3.000m2 đệm lót chuồng gà.

Ngoài ra, các hộ chăn nuôi còn được cán bộ đến tận nhà chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trực tiếp tham gia làm đệm lót, thường xuyên tham gia kiểm tra giám sát hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật và bảo dưỡng đệm lót theo đúng quy định. Với hình thức nuôi áp dụng KHKT mang lại hiệu quả, bà con nông dân trên địa bàn xã Khai Sơn đã yên tâm nhân rộng mô hình, từ đó giúp bà con vươn lên làm kinh tế xóa đói giảm nghèo.

Chú thích
Việc nhân rộng mô hình nuôi gà trên nền đệm lót bằng chế phẩm sinh học là hướng đi phù hợp với việc phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch. Ảnh: Thái Hiền

Việc nhân rộng mô hình nuôi gà trên nền đệm lót bằng chế phẩm sinh học của bà con nông dân Anh Sơn là hướng đi phù hợp với việc phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. Đặc biệt là trong điều kiện hiện nay, khi diện tích đất cho phát triển chăn nuôi gia trại và trang trại đang gặp khó khăn, nhất là đối với các nơi tập trung dân cư đông đúc, sẽ góp phần đáng kể hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong năm 2020, huyện Anh Sơn đã hỗ trợ 750 kg men vi sinh, trên diện tích 15.000 m2, với số tiền hơn 60 triệu đồng cho bà con nông dân ở 6 xã: Hùng Sơn, Khai Sơn, Cao Sơn, Lạng Sơn, Hội Sơn và Tào Sơn thực hiện mô hình chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học, từ đó hướng tới xây dựng một nền chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, từng bước giúp ngành chăn nuôi của huyện phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn 

Tin mới