Nông dân miền núi lãi hàng trăm triệu nhờ nuôi lợn bán hoang dã

(Baonghean.vn) - Trong điều kiện giá lợn đang xuống thấp, người dân miền núi huyện Nghĩa Đàn chuyển hướng sang chăn nuôi lợn rừng bán hoang dã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Anh Phan Sỹ Đàn ở làng Chảo, xã Nghĩa Lâm là người đầu tiên mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi lợn bán hoang dã - lợn rừng lai với quy mô trên 200 con, bước đầu phát huy hiệu quả.

Anh Đàn chăm sóc đàn lợn rừng lai. Ảnh: Minh Thái
Anh Đàn chăm sóc đàn lợn rừng lai. Ảnh: Minh Thái
Với lợi thế đất đồi rừng rộng lớn, nguồn thức ăn tự nhiên, phù hợp chăn thả, gia đình anh Đàn ở làng Chảo, xã Nghĩa Lâm đã đầu tư nuôi lợn rừng lai. Trước khi mở trang trại nuôi lợn rừng lai, gia đình anh Đàn từng nuôi lợn công nghiệp nhưng hiệu quả không cao.
Năm 2014, tìm hiểu qua sách báo và mạng internet, đồng thời tham quan một số trang trại chăn nuôi ở trong và ngoài tỉnh, thấy nhiều người nuôi lợn rừng hiệu quả, anh quyết định xây trang trại trên khu đất đồi gần 1ha. Anh đã ngăn một số chuồng nhỏ với diện tích 25 - 30 m2/chuồng cho lợn nái giống và lợn con. Diện tích còn lại anh vây lưới thành các vườn nuôi tự nhiên, có nền móng kiên cố. Các ô nuôi ngoài vườn đều có không gian rộng từ 100 - 200 m2 để lợn vận động và có nhà lán để tránh mưa. Ban đầu anh nuôi 7 con nái và 2 con đực giống, đến nay trang trại của anh có 45 con lợn rừng nái và 5 con lợn đực giống.
Đàn lợn rừng hơn 200 con của anh Đàn. Ảnh: Minh Thái
Đàn lợn rừng hơn 200 con của anh Đàn được thả nuôi trong một khu vực rộng rãi, thoáng mát phù hợp với đặc tính của loài vật bán hoang dã này. Ảnh: Bích Hằng

Hiện nay, một con lợn rừng nái trung bình đẻ 2 lứa một năm, mỗi lứa cho ra đời 6 - 9 con lợn con. Một năm gia đình anh Đàn xuất chuồng khoảng 150 con, bán với giá 120.000 đồng/kg, cao điểm nhất là dịp Tết một con lợn rừng nặng 30 kg sẽ được bán với giá 140.000 đồng/kg. Trừ chi phí anh thu lãi ròng hơn 200 triệu đồng/năm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ ở trong tỉnh mà vươn đến các vùng lân cận như các huyện Thọ Xuân, Như Xuân (Thanh Hóa). Anh Đàn cho biết: Nuôi lợn rừng muốn thành công, quan trọng là phải áp dụng khoa học kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm, khu chăn thả phải rộng rãi, thoáng mát.

Xem đàn lợn rừng hơn 200 con của nông dân Phan Sỹ Đàn.

Anh Đàn cho biết thêm: “Muốn nuôi lợn rừng lai cần phải hiểu hết về con giống, kỹ thuật làm chuồng trại, chăn nuôi, quy trình, đặc tính của chúng để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Nhờ nguồn thức ăn tự nhiên nên thịt lợn rừng lai có chất lượng tốt, an toàn.

Ông Lê Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm cho biết: “Mô hình nuôi lợn rừng lai của anh Đàn là mô hình nuôi lợn rừng theo quy mô trang trại đầu tiên trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cho bà con nông dân tham quan học tập học hỏi mô hình chăn nuôi này”.

Tin mới