Nông dân Nghệ An 'căng mình' chống nóng cho tôm

(Baonghean.vn) - Trong điều kiện nắng nóng gay gắt, hiện nay các hộ nuôi tôm ở Nghệ An đang tích cực dùng mọi biện pháp chống nóng, giúp tôm sinh trưởng tốt.
Nông dân phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai) nuôi tôm vụ 2. Ảnh Việt Hùng
Nông dân phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai) nuôi tôm vụ 2. Ảnh: Việt Hùng

Tại vùng nuôi tôm xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu), những ngày nắng nóng vừa qua, các hộ nuôi tôm ở đây đang tích cực kiểm tra sức khỏe của tôm để có biện pháp chống nóng kịp thời.

Anh Lê Văn Tình ở xóm 12, xã Quỳnh Thanh có gần 1 ha diện tích nuôi tôm cho biết: Nuôi tôm vào mùa nắng nóng, chúng tôi phải chống nóng và cấp nước đầy đủ vào trong ao để tôm sinh trưởng, duy trì mực nước trong ao nuôi ≥ 1,4m. Trong những ngày nắng gắt cũng phải quạt nước liên tục giúp xáo trộn nước, tránh hiện tượng phân tầng trong ao nuôi.

Ngoài ra, anh Tình còn khử trùng ao nuôi bằng viên sủi để tăng sức đề kháng cho tôm. Nhờ áp dụng kỹ thuật vào quá trình nuôi nên hiện nay tôm nuôi trong ao của gia đình anh đang sinh trưởng tốt. Tôm nuôi được 40 ngày đạt trọng lượng 90 con/kg; dự kiến gần 1 tháng nữa thì gia đình anh sẽ thu hoạch.

Ông Vũ Văn Đức, chủ hộ nuôi tôm ở phường Quỳnh Xuân đầu tư nhà màng nuôi tôm tránh nắng, đồng thời kiểm tra tôm sinh trưởng hàng ngày.
Ông Vũ Văn Đức, chủ hộ nuôi tôm ở phường Quỳnh Xuân đầu tư nhà màng nuôi tôm tránh nắng, đồng thời kiểm tra tôm sinh trưởng hàng ngày. Ảnh: Việt Hùng

Tại vùng nuôi tôm thị xã Hoàng Mai, nhờ thắng lợi trong vụ 1 vừa qua nên bước vào vụ 2, người dân có động lực để tiếp tục đầu tư, thả nuôi tôm. Trên các ao đầm, người dân đang “căng mình” dưới nắng kiểm tra, chăm sóc, theo dõi tôm sinh trưởng.

Ông Vũ Văn Đức, chủ hộ nuôi tôm ở phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai) cho biết: Gia đình có 13 ha diện tích ao tôm, trong đó có khoảng gần một nửa diện tích nuôi ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Bước vào thả nuôi vụ 2, gia đình ông quyết tâm nuôi phủ kín diện tích mặc dù vụ 2 thường khó nuôi hơn vụ 1 do thời tiết nắng nóng.

Để bảo vệ tôm trong nắng nóng, ông đầu tư cho 1 ao nuôi gần 200 triệu đồng để làm nhà lưới chống nóng cho tôm. Hiện nay gia đình ông có 6 ao nuôi trong nhà lưới và 8 ao nuôi có lưới che nắng, nhờ đó, trong điều kiện nhiệt độ môi trường nắng nóng, tôm trong các ao nuôi có độ tuổi trên 45 ngày đang phát triển tốt chờ ngày thu hoạch.

Đầu tư nhà màng nuôi tôm. Ảnh Việt Hùng
Đầu tư nhà màng nuôi tôm. Ảnh: Việt Hùng

Nuôi tôm trong nhà màng có lưới che luôn giúp nguồn nước trong ao luôn ổn định ở mức 30 - 31 độ C, đủ điều kiện để tôm phát triển. Ngoài ra, cần sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng và các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong danh mục được phép lưu hành trong nuôi trồng thủy sản để xử lý môi trường, phòng, chữa bệnh, quản lý sức khỏe tôm nuôi.

Ông Vũ Văn Đức - chủ hộ nuôi tôm ở phường Quỳnh Xuân

Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai có gần 1.000 ha diện tích ao nuôi tôm, bước vào thả nuôi tôm vụ 2, tổng diện tích tôm được thả khoảng hơn 400 ha, trong đó tập trung ở vùng Quỳnh Liên, Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai) và Quỳnh Thanh, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu). 

Nhằm hạn chế tôm nuôi rủi ro, thiệt hại trong mùa nắng nóng, ngay từ đầu vụ, các địa phương đã tuyên truyền người dân tập trung phòng trừ và bảo vệ tôm mùa nắng nóng. Nếu không đảm bảo được điều kiện chống nóng thì hạn chế diện tích thả nuôi.

Ngoài chống nóng bằng lưới che, nông dân ở huyện Quỳnh dùng các chất khoáng cho tôm ăn để tăng sức đề kháng; Cấp nước vào ao đủ lưu lượng để làm mát cho tôm là việc làm cần thiết trong mùa nắng nóng. Nhờ vậy, tôm nuôi ở thị xã Hoàng Mai đang sinh trưởng tốt. Ảnh Việt Hùng
Ngoài chống nóng bằng lưới che, nông dân ở huyện Quỳnh Lưu dùng các chất khoáng cho tôm ăn để tăng sức đề kháng; Cấp nước vào ao đủ lưu lượng để làm mát cho tôm là việc làm cần thiết trong mùa nắng nóng. Nhờ vậy, tôm nuôi ở thị xã Hoàng Mai đang sinh trưởng tốt. Ảnh: Việt Hùng

Ông Hoàng Ngọc Thủy - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, thị xã Hoàng Mai cho biết: Các hộ nuôi tôm trên địa bàn đang tập trung chăm sóc tôm vụ 2. Nhằm chống nóng tốt cho tôm sinh trưởng, phòng khuyến cáo các hộ cần cấp nước vào ao đủ lưu lượng để làm mát, tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung các chất khoáng, vi sinh đường ruột, beta glucan, vitamin...,

Ngoài ra, cần đầu tư hệ thống màng che để giảm tác động trực tiếp từ nhiệt độ cao ngoài trời, điều hòa nhiệt độ nước phù hợp, hạn chế việc phân tầng nhiệt độ trong hồ nuôi, hạn chế sự sinh sôi và phát triển của các loại tảo; đồng thời tăng cường sục khí trong ao để hàm lượng ôxy được cung cấp đủ ở mọi tầng nước. 

Tin mới