Nông dân Nghệ An 'căng mình' chống nóng cho tôm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hiện Nghệ An đang bước vào giai đoạn nắng nóng gay gắt, nền nhiệt cao, có thời điểm lên đến 40-41 độ C. Nông dân đang gồng mình tìm mọi cách chống nắng nóng cho tôm…
Anh Nguyễn Văn Hào đầu tư bể tròn lót bạt và nhà màng để nuôi tôm trên cát ở xã Nghi Tiến (Nghi Lộc). Ảnh: Thanh Phúc

Anh Nguyễn Văn Hào đầu tư bể tròn lót bạt và nhà màng để nuôi tôm trên cát ở xã Nghi Tiến (Nghi Lộc). Ảnh: Thanh Phúc

Những ngày này, khi nền nhiệt lên đến 40 độ C, anh Nguyễn Văn Hào – hộ nuôi tôm ở bãi cát Hải Đồn, xóm Bắc Thắng, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) huy động nhân công bám ở trại tôm để theo dõi và triển khai các biện pháp chống nóng cho tôm. Trên diện tích 5.000 m2 gồm 4 ao nuôi, xuống giống cách đây 2 tháng, hiện tôm đã đạt trọng lượng 80-90 con/kg, chuẩn bị xuất bán ra thị trường.

Đầu vụ thả, thời tiết diễn biến thất thường, mưa trái mùa khiến anh Hào khá vất vả khi chăm sóc và phòng bệnh cho tôm. Nay tôm sắp đến kỳ thu hoạch lại gặp nắng nóng kéo dài, nền nhiệt tăng nên anh Hào phải triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm bảo vệ tôm.

Bổ sung chế độ dinh dưỡng cho tôm nuôi trong những ngày nắng nóng. Ảnh: Thanh Phúc
Bổ sung chế độ dinh dưỡng cho tôm nuôi trong những ngày nắng nóng. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Nguyễn Văn Hào cho biết: “4 anh em trong trại phân công nhau túc trực theo dõi sức khỏe của tôm. Bơm cấp nước cho tôm khi trời mát, vận hành hệ thống sục khí và sử dụng chế phẩm sinh học để đảm bảo môi trường ao cho tôm. Đồng thời bổ sung các loại vitamin, khoáng chất… nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm. Những bể nuôi với mật độ dày thì sẽ đánh bắt “tỉa” bán trước, nhằm giảm mật độ ao nuôi, giúp tôm sinh trưởng, phát triển tốt”.

Những năm gần đây, để cải thiện môi trường ao nuôi, các hộ nuôi tôm trên cát ở xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) ngoài đầu tư xây bể xi măng, lắp mái che, dàn làm mát thì nhiều hộ đã chuyển sang ao tròn lót bạt đáy nổi trong nhà lưới. Với mô hình nuôi này, vách ao được thiết kế thẳng đứng, diện tích tiếp xúc ánh nắng mặt trời thấp nhất và đặc biệt là nguồn nước luôn lưu thông, kiểm soát được hàm lượng ô-xy trong ao nuôi nên được coi là biện pháp chống nóng cho tôm rất hiệu quả.

Nhân viên kỹ thuật của cơ sở nuôi tôm Hòa Phát, xã Diễn Kim (Diễn Châu) theo dõi sự sinh trưởng của tôm trong những ngày nắng nóng gay gắt. Ảnh: Thanh Phúc

Nhân viên kỹ thuật của cơ sở nuôi tôm Hòa Phát, xã Diễn Kim (Diễn Châu) theo dõi sự sinh trưởng của tôm trong những ngày nắng nóng gay gắt. Ảnh: Thanh Phúc

Với 7 bể nuôi trên diện tích 1,1 ha, những ngày qua, khi nền nhiệt liên tục tăng nên anh Nguyễn Văn Hòa - chủ cơ sở nuôi tôm Hòa Phát ở xóm Xuân Châu, xã Diễn Kim (Diễn Châu) cắt cử công nhân túc trực ở trại, phân công từng người phụ trách các bể nuôi, thường xuyên theo dõi biến động của tôm.

Anh Hòa cho biết: “Tôm là động vật bậc thấp, biến nhiệt, do đó, nắng nóng tác động rất lớn đến quá trình sinh trưởng của tôm, con tôm dễ bị bệnh. Mùa nắng nóng nhiệt độ nước tăng trên 32 độ C, tôm ít hoạt động, ngừng ăn và vùi mình xuống bùn, do đó, tôm rất dễ hít phải các loại khí độc hại và bị bệnh đóng rong, đen mang.

Do đó, chăm sóc tôm mùa nắng nóng phải hết sức lưu ý: Cấp nước đầy đủ và duy trì mực nước trong ao nuôi luôn trên 1,4m; liên tục dùng sục khí, quạt nước để giúp xáo trộn nước, tránh hiện tượng phân tầng nhiệt trong ao nuôi; khử trùng ao nuôi bằng viên sủi để tăng sức đề kháng cho tôm”.

Đối với nhiều diện tích nuôi mật độ dày, các chủ đầm tôm sẽ thu hoạch trước một lứa nhằm giảm mật độ, tạo môi trường thông thoáng cho ao nuôi trong những ngày nắng nóng khắc nghiệt. Ảnh: Thanh Phúc
Đối với nhiều diện tích nuôi mật độ dày, các chủ đầm tôm sẽ thu hoạch trước một lứa nhằm giảm mật độ, tạo môi trường thông thoáng cho ao nuôi trong những ngày nắng nóng khắc nghiệt. Ảnh: Thanh Phúc

Vừa qua, do thời tiết thất thường nên nhiều diện tích tôm của người dân các vùng nuôi Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai bị chết, thiệt hại không nhỏ cho người nuôi. Sau khi cải tạo ao, đầm, hiện nhiều hộ đã bắt đầu xuống giống đợt nuôi mới. Thời tiết đang trong những ngày cao điểm nắng nóng nên các hộ nuôi cũng đang rất cân nhắc.

Ông Nguyễn Văn Tú - một hộ nuôi tôm ở Quỳnh Lộc (TX. Hoàng Mai) cho biết: “Chúng tôi vừa xuống giống đợt 3 cho vụ tôm này sau khi 2 ao nuôi bị thiệt hại do tôm nhiễm bệnh đốm trắng, gan tụy. Đợt xuống giống lần này trùng với thời điểm nắng nóng gay gắt, do đó, mật độ nuôi giảm xuống; đồng thời tăng cường các biện pháp chống nắng nóng, tăng đề kháng cho tôm”.

Theo dự báo, đợt nắng nóng đỉnh điểm tại Nghệ An còn kéo dài, do đó, nông dân cần chủ động các biện pháp chống nắng, nóng, phòng bệnh cho tôm. Trong đó, chú trọng vào việc đảm bảo nhiệt độ môi trường nuôi trong mức cho phép; thay đổi và bổ sung khẩu phần ăn cho vật nuôi phù hợp thời tiết; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng trừ dịch bệnh.

Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai đã đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Do đó, mùa nắng nóng không còn là trở ngại khi ao nuôi được vận hành bằng máy móc, thiết bị hiện đại, đảm bảo môi trường, nhiệt độ lý tưởng cho con tôm phát triển. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai đã đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Do đó, mùa nắng nóng không còn là trở ngại khi ao nuôi được vận hành bằng máy móc, thiết bị hiện đại, đảm bảo môi trường, nhiệt độ lý tưởng cho con tôm phát triển. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Hiện đang bước vào thời kỳ cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức cao rất dễ khiến môi trường bị xáo trộn, vật nuôi giảm sức đề kháng, nhiễm bệnh. Do đó, người nuôi cần cấp nước vào ao đủ lưu lượng để làm mát cho tôm, tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung các chất khoáng, vi sinh đường ruột, beta glucan, vitamin...; đầu tư hệ thống màng che để giảm tác động trực tiếp từ nhiệt độ cao ngoài trời; áp dụng các biện pháp như sục khí quạt nước để hạn chế việc phân tầng nhiệt độ trong hồ nuôi, giảm sự sinh sôi và phát triển của các loại tảo; thường xuyên quan sát ao nuôi để theo dõi sự phát triển của tôm và xử lý kịp thời khi có hiện tượng bất thường xảy ra. Đặc biệt, khi phát hiện tôm nhiễm bệnh, chết bất thường thì phải báo cáo ngay với thú y xã và ngành chức năng để có hướng xử lý triệt để”.

Tin mới