Nông dân Nghệ An săn 'tôm bay' bằng vợt khổng lồ thu tiền triệu mỗi ngày

(Baonghean.vn) - Nhiều nông dân ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) dùng xe máy gắn đằng sau 2 chiếc vợt khổng lồ chạy khắp trên các trục đường nội đồng để săn cào cào, hay còn gọi là đặc sản "tôm bay". Với giá bán 100.000 đồng/kg, mỗi người thu về tiền triệu đồng/ngày.
Clip: Xuân Hoàng
Lúa hè thu đang vào giai đoạn chắc hạt, lượng châu chấu xuất hiện trên các cánh đồng khá nhiều. Đây cũng là thời điểm thích hợp để nhiều nông dân Nghệ An săn bắt. Do vậy, trên các cánh đồng từ Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương... thỉnh thoảng bắt gặp những người đi săn "tôm bay" bằng 2 chiếc vợt khổng lồ gắn sau xe máy.
Những người làm nghề săn "tôm bay" phải đi xe máy cả ngày trên các cánh đồng. Ảnh: Xuân Hoàng
Những người làm nghề săn "tôm bay" phải đi xe máy cả ngày trên các cánh đồng. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong sáng 7/8, đang săn cào cào trên cánh đồng lúa của xã Xuân Thành (Yên Thành), anh Nguyễn Đình Bình, trú ở xã Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai) cho biết: Do cào cào bán với giá 100.000 đồng/kg, nên từ đầu tháng 8 lại nay, ngày nào anh cũng xuất phát từ 5 giờ đến 17 giờ trong ngày mới về. Địa bàn hoạt động là trên cánh đồng ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương...

Quan sát cho thấy, dụng cụ để đánh bắt cào cào rất đơn giản, chỉ cần 2 chiếc vợt khổng lồ, miệng rộng 60 x 70 cm, túi vợt dài 1,5m, cùng chiếc xe máy cũ. Khi đến trục đường nội đồng nào đó, điều khiển xe máy với tốc độ vừa phải, đều tay ga, những con cào cào đậu hai bên vệ đường dễ dàng lọt vào miệng vợt. Sau khi chạy được 1 - 2 trục đường thì dừng lại nhặt sạch rác trong đáy vợt để dồn cào cào tập trung vào một bao tải bằng lưới.
Dụng cụ dùng để bắt "tôm bay" là chiếc xe máy gắn với 2 chiếc vợt khổng lồ phía sau. Ảnh: Xuân Hoàng
Dụng cụ dùng để bắt "tôm bay" là chiếc xe máy gắn với 2 chiếc vợt khổng lồ phía sau. Ảnh: Xuân Hoàng

"Thời điểm này lúa hè thu đang chắc hạt, "tôm bay" khá nhiều, nên mỗi ngày có thể bắt được trên dưới 10 kg, mang về bán nhập cho thương lái với giá 100.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí xăng xe, ăn uống... mỗi ngày còn lãi được 700 nghìn đồng. Trước đây chưa có dịch Covid-19, đặc sản "tôm bay" có giá 200.000 đồng/kg, nên lãi cao. "Tôm bay" được thương lái thu mua, sau đó vận chuyển đến các thành phố tiêu thụ, chế biến thành món ăn đặc sản" - anh Nguyễn Đình Bình chia sẻ.

Chưa có số liệu thống kê hiện có bao nhiêu nông dân Nghệ An làm nghề săn bắt "tôm bay" như thế này. Nhưng theo anh Bình cho biết, trên địa bàn thị xã Hoàng Mai có khá nhiều người làm nghề bắt con đặc sản này. Từ mờ sáng, mọi người bắt đầu đi, mỗi người tản ra mỗi xứ đồng khác nhau trên địa bàn các huyện đồng bằng: Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương... và số lượng cào cào bắt được lên đến hàng tạ. 

Tôm bay hiện có giá 100.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Hoàng
Tôm bay hiện có giá 100.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Hoàng
"Tôm bay" được các đầu bếp chế biến thành món ăn đặc sản. Ảnh: Internet
"Tôm bay" được các đầu bếp chế biến thành món ăn đặc sản. Ảnh: Internet

Anh Vũ Văn Truyền ở xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) cho biết thêm, cào cào trên các cánh đồng lúa có nhiều từ thời điểm gần thu hoạch lúa xuân kéo dài đến thu hoạch xong lúa hè thu. Do vậy, nghề săn "tôm bay" này bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Tính ra mỗi năm anh thu về trên 100 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 80 triệu đồng. Tuy nhiên, nghề này cũng khá vất vả, nhất là những ngày nắng nóng, bởi thường xuyên đi xe máy trên các trục đường nội đồng gồ ghề, khó đi và tiếp xúc với cỏ, rác rất xót. 

Nghề săn bắt đặc sản "tôm bay" như thế này không ảnh hưởng gì đến cây lúa, mà còn góp phần bảo vệ mùa màng nên đi đến đâu cũng được người dân địa phương ủng hộ./. 

Tin mới