Nông dân Nghệ An tập trung tái đàn cung ứng thị trường Tết

(Baonghean.vn) - Mặc dù liên tục gặp khó khăn khi giá cả xuống thấp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tái diễn, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng, song người dân vẫn duy trì sản xuất, tập trung tái đàn chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.
Để chuẩn bị cung ứng thị trường Tết, chị Hồng đã thả 40 con lợn thịt. Ảnh: Thanh Phúc
Để chuẩn bị cung ứng thị trường Tết, chị Hồng đã thả 40 con lợn thịt. Ảnh: Thanh Phúc

Liên tiếp từ đầu tháng 5 đến nay, giá lợn hơi giảm mạnh, có lúc chạm đáy. Cùng với đó là dịch Covid -19 diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ lợn cũng như các loại gia súc, gia cầm bị chững lại. Chị Nguyễn Thị Hồng ở xóm 3, xã Thanh Hà (Thanh Chương) quyết định để trống chuồng chờ thị trường hồi phục.

Đến nay, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, lại là thời điểm cuối năm nên chị Hồng mạnh dạn thả 40 con lợn thịt. Chị cho biết: “Hiện tại giá lợn đang xuống thấp, nhưng do chủ động được con giống và cũng không thể để trống chuồng mãi được nên tôi quyết định tái đàn. Bây giờ xuống giống thì sẽ có lợn thịt bán vào dịp Tết. Hy vọng lúc đó giá lợn hơi sẽ tăng”.

Các trang trại, gia trại ở Tân Kỳ cũng đã mạnh dạn tái đàn để kịp cung ứng lợn hơi cho thị trường Tết nguyên đán. Ảnh: Thanh Phúc
Các trang trại, gia trại ở huyện Tân Kỳ cũng đã mạnh dạn tái đàn để kịp cung ứng lợn hơi. Ảnh: Thanh Phúc

Chăn nuôi tập trung với quy mô lớn và hình thành tổ hợp tác chăn nuôi lợn, sau quãng thời gian giảm đàn, giãn lứa, nay 20 hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ở xóm 1, xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ) tập trung tái đàn, tăng đàn. Dự kiến, các hộ sẽ vào đàn khoảng 1.000 con lợn.

Ông Hoàng Công Đình - một hộ chăn nuôi lợn thịt ở xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ) cho biết: “Nay là thời điểm vào đàn lợn thịt để cung ứng vào dịp Tết. Xã Nghĩa Bình là nguồn cung lợn hơi chủ yếu cho thị trấn Lạt và các xã phụ cận. 50 con lợn lứa này hầu hết đã được thương lái “đặt hàng”, giá lợn thì tùy vào thị trường tại thời điểm đó”.

Để hạn chế chi phí đầu vào, nhiều trang trại, gia trại chủ động con giống và tăng cường thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Thanh Phúc
Để hạn chế chi phí đầu vào, nhiều trang trại, gia trại chủ động con giống và tăng cường thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Thanh Phúc

Không chỉ các hộ chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại mà các các hộ nuôi nhỏ lẻ cũng bắt đầu tái đàn lợn. Tuy nhiên, chỉ hạn chế số lượng, chủ yếu nuôi 2-3 con để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, phục vụ gia đình và bán ra thị trường để “có tiền tiêu Tết” chứ không nuôi nhiều như trước.

Đây cũng là thời điểm, các hộ chăn nuôi gia cầm cũng tích cực vào đàn để cung cấp gà, vịt, ngan thịt cho thị trường. Do đó, nhu cầu gà giống tăng mạnh. Chị Dương Thị Liễu - chủ một đại lý gà giống ở xã Tràng Sơn (Đô Lương) cho biết: “Hiện nay, mỗi đợt tôi xuất bán ra thị trường 5.000 - 7.000 con giống các loại. Chủ yếu là các hộ chăn nuôi gia trại, hộ gia đình. Giá con giống cơ bản ổn định”.

Đây cũng là thời điểm các hộ chăn nuôi gia cầm vào đàn phục vụ Tết. Ảnh: Thanh Phúc
Đây cũng là thời điểm các hộ chăn nuôi gia cầm vào đàn phục vụ Tết. Ảnh: Thanh Phúc

Theo nhận định chung, so với mọi năm, năm nay, người dân khá dè dặt trong tái đàn, tăng đàn. Bởi, hiện giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, giá gia súc, gia cầm lại thấp, ngoài ra, do tác động của dịch Covid-19 nên dự báo sức tiêu thụ dịp Tết sẽ hạn chế hơn các năm trước. Cùng với đó, dịch tả lợn châu Phi hiện đang tái diễn tại nhiều địa phương nên các hộ chăn nuôi cũng khá thận trọng.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: “Để việc tái đàn, tăng đàn thuận lợi, cung cấp số lượng lớn thực phẩm phục vụ nhu cầu thị trường, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; hỗ trợ người dân trong việc áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tạo ra các sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Người chăn nuôi cần cập nhật tình hình thị trường và căn cứ vào diễn biến dịch Covid-19 cũng như dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, từ đó cân nhắc, tính toán việc tái đàn hợp lý”. 

Tính đến thời điểm tháng 9/2021, tổng đàn bò toàn tỉnh ước đạt 495.356 con: Tổng đàn lợn ước đạt 916.522 con; Tổng đàn gia cầm ước đạt 29.502 nghìn con. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 350 ổ dịch viêm da nổi cục, 9.757 con gia súc mắc bệnh, 2.411 con chết, trọng lượng tiêu hủy: 326.062 kg;  Dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy: 19.239 con lợn; tổng trọng lượng 1.183.387 kg. Hiện đang là những tháng cuối năm, các hộ chăn nuôi, các địa phương đang tập trung tái đàn, tăng đàn để cung ứng thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán.

Tin mới