Nông dân Nghi Lộc trồng nhân trần, mã đề chống hạn, thu nhập cao

(Baonghean.vn) – Để đối phó với khí hậu nắng nóng và khô hạn quanh năm, người dân xã Nghi Văn, Nghi Kiểu, Nghi Lâm... huyện Nghi Lộc đã trồng cây dược liệu thay vì trồng các cây hoa màu, cách làm này đã cho hiệu quả rõ rệt.

Nghi Văn từ lâu đã được xem là “sa mạc” của huyện Nghi Lộc do quanh năm phải đối mặt với khô hạn, nguồn nước sản xuất phụ thuộc nhiều vào sức chứa của các hồ đập. Mặc dù tại địa phương vẫn trồng được nhiều loại cây màu nhưng năng suất và giá trị kinh tế không cao.

Để đối phó với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, 2 năm qua, người dân xóm 1, xóm 2 và xóm 22 xã Nghi Văn đã chuyển đổi các cây màu truyền thống như ngô, lạc, đậu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu; chủ yếu là cây nhân trần và cây mã đề, cho thu nhập ổn định.

Cây dược liệu Nghi Lộc. Ảnh: Quang An
Cây mã đề làm  dược liệu Nghi Lộc. Ảnh: Quang An

Tại xóm 1 (xã Nghi Văn) hiện có 80/104 hộ trồng cây nhân trần và mã đề. Theo ông Hoàng Minh Sơn ở xóm 1, hàng năm, trên diện tích đất màu bà con thường trồng ngô để phục vụ chăn nuôi. Nhưng từ khi chuyển sang trồng cây dược liệu, mỗi sào cho thu nhập khoảng 4 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với các cây trồng trước đây.

Chị Nguyễn Thị Thắm, một hộ dân trồng nhân trần cho biết thêm: “Các loại cây khác phải bỏ tiền ra mua giống, nhưng cây này có thể để lại làm giống cho mùa sau, đỡ cho nông dân một khoản chi phí. Trồng cây này không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào nên được thị trường rất ưa chuộng”.

Cây dược liệu đã “bén duyên” với cùng đất khó Nghi Văn, mang lại hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Nhân trần được trồng vào tháng 7, thu hoạch vào tháng 10 hàng năm; cây mã đề trồng vào tháng 12 và thu hoạch vào tháng 2. Đây là thời điểm bà con đã nhàn rỗi sau khi kết thúc vụ mùa. cây nhân trần cho năng suất 1 tạ/sào, mã đề 3 tạ /sào. Hiện với giá bán nhân trần 30.000 đồng/kg, mã đề 20.000 đồng/kg, bà con có thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/sào.

Ưu điểm của hai loại cây này là không tốn công chăm sóc nhiều; chi phí vật tư nông nghiệp cũng ít, sau khi thu hoạch có khả năng bảo quản lâu, đồng thời đầu ra ổn định.

Ở các xã khác như Nghi Kiều, Nghi Lâm, bà con cũng trồng dược liệu xen trên đất màu.

Cây dược liệu Nghi Lộc. Ảnh: Quang An
Sau khi thu hoạch, cây nhân trần và mã đề khô được giã lấy hạt để làm giống mùa sau. Ảnh: Quang An. 

Trong Y học cổ truyền, cây nhân trần còn có tên gọi là hoắc hương núi. Thân cây nhỏ, màu tím, có lông trắng mịn. Hoa mọc thành chùm dạng bông ở kẽ lá. Nhân trần vị đắng, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, lợi mật, được dùng để chữa các chứng hoàng đản, tiểu tiện bất lợi, viêm loét da do phong thấp…

Mã đề là cây thân thảo, sống lâu năm, tái sinh bằng nhánh và hạt, thân cao khoảng 10 -15 cm, lá có cuống dài. Trong y học cổ truyền, mã đề được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa một số bệnh về tiết niệu, cầm máu, phù thũng, ho lâu ngày, tiêu chảy, chảy máu cam…

Trong khi các nông sản khác đang loay hoay tìm đầu ra, cây dược liệu lại được thương lái tại địa phương thu mua đến từng hộ. Vào mùa thu hoạch, cơ sở thu mua tại xóm 1, xã Nghi Văn luôn tấp nập người đến nhập hàng với số lượng lớn.

Cây dược liệu Nghi Lộc. Ảnh: Quang An
Trồng cây dược liệu đã giúp cho người dân xã Nghi Văn, Nghi Lộc có thu nhập ổn định. Ảnh : Quang An

Hiện nay, nhân trần và mã đề của Nghi Lộc được nhập cho các cơ sở bán thuốc đông y tại TP.Vinh, Hà Tĩnh và các tỉnh phía Bắc. Riêng cây nhân trần còn được nhiều quán nước giải khát ở TP. Vinh nhập về để bán trong những ngày hè do có tác dụng giải nhiệt.

Hiện Nghi Lộc trồng được hơn 30 ha cây dược liệu và mỗi ha cho thu nhập khoảng 60 đến 100 triệu đồng.

Quang An

TIN LIÊN QUAN

Tin mới