Nông dân ở 'vựa' dứa Nghệ An đối diện thua lỗ vì cung vượt cầu, rớt giá

(Baonghean.vn) - Do ảnh hưởng từ thị trường cùng với giá vật tư phân bón tăng cao trong khi dứa đến vụ thu hoạch được thu mua với giá thấp khiến các hộ trồng dứa ở huyện Quỳnh Lưu buồn vì thất thu.

Gia đình chị Nguyễn Thị Đào ở thôn 26/3, xã Tân Thắng trồng 3 ha dứa Queen; trước tết Nguyên đán Nhâm Dần, gia đình đã thu hoạch bán gần 2 ha dứa và hiện giờ đang còn 1 ha sắp sửa thu hoạch.

Chị Đào cho biết, trước Tết, dứa được bán với 5.000 đồng/kg nhưng vào thời điểm này thương lái chỉ thu mua với giá từ 3.200 – 3.500 đồng/kg thì tính ra chỉ đủ chi phí chăm sóc, thậm chí còn thua lỗ nếu như dứa gặp sâu bệnh, năng suất kém.

Nông dân xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) thu hoạch dứa. Ảnh Việt Hùng
Nông dân xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) thu hoạch dứa. Ảnh: Việt Hùng

“Sau Tết đến nay, giá phân bón tăng cao, chi phí thuê lao động chăm sóc, làm cỏ, thu hoạch dứa cũng tăng lên. Vào thời điểm này năm ngoái, dứa được bán với giá 6.500 – 7.000đồng/kg thì nay thương lái chỉ thu mua ở mức 3.200 – 3.500 đồng/kg (giảm một nửa giá so với trước). Nếu mức giá này kéo dài đến hết vụ thì xem như vụ dứa này,người dân trồng ròng rã suốt hơn 1 năm không có công”, chị Đào nói.

Xã Tân Thắng có diện tích trồng dứa lớn nhất huyện Quỳnh Lưu với 840 ha với năng suất trung bình 33 tấn/ha. Cây dứa xác định là cây trồng chủ lực, chiếm tỷ trọng trên 60 % thu nhập ngành nông nghiệp của toàn xã. Theo các hộ trồng dứa, từ đầu năm 2022 đến nay, giá dứa rơi vào mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Ảnh Việt Hùng

Dứa từ khi trồng đến lúc thu hoạch từ 16 – 18 tháng. Thời điểm này, thị trường tiêu thụ chậm nên nhiều diện tích dứa để chín trên đồng. Ảnh: Việt Hùng

Theo tính toán của người dân, trồng 1 ha dứa đến khi thu hoạch sẽ mất khoảng gần 76 triệu đồng tiền chi phí. Nếu 1 ha dứa cho năng suất 33 – 34 tấn/ha được bán với giá 4.500 đồng/kg sẽ đem lại doanh thu 153 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận 77 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán đến nay, dứa chỉ bán được với giá 3.200 -  3.500 đồng; sau khi trừ chi phí, 1 ha dứa sẽ còn lại lợi nhận từ 10 – 13 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc trong hơn 1 năm.

Theo đánh giá của UBND xã Tân Thắng, nguyên nhân ảnh hưởng đến giá dứa là do năm 2020, giá dứa tăng cao đem lại lợi nhuận lớn cho người dân nên sau đó các hộ đồng loạt trồng dứa dẫn đến diện tích dứa thu hoạch tăng lên. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ dứa không ổn định; Nhà máy dứa trên địa bàn hoạt động không hiệu quả nên chủ yếu bà con tiêu thụ sản phẩm chủ yếu trong huyện, tỉnh (32%) và các nhà máy phía Bắc (54%). Từ cuối năm 2021 đến nay, thị trường phía Bắc gặp khó khăn do ảnh hưởng từ Covid – 19, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nông sản làm ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nên đổ dồn về các nhà máy ở phía Bắc... Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến giá dứa xuống thấp.

Thương lái thu mua dứa cho bà con rồi vận chuyển đi tiêu thụ cho các Nhà máy dứa các tỉnh phía Bắc. Ảnh Việt Hùng
Thương lái thu mua dứa cho bà con rồi vận chuyển đi tiêu thụ cho các Nhà máy dứa các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Việt Hùng

Do ảnh hưởng từ thị trường tiêu thụ, nguồn cung vượt cầu cũng khiến nhiều thương lái trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu không dám thu mua nhiều, tránh tình trạng dứa tồn đọng lâu ngày gây hư hỏng. Ông Lê Thanh Nghị - Thương lái thu mua dứa tại xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) cho biết: So với năm ngoái, thị trường đầu ra chỉ bằng một nửa. Trong năm, bà con thu hoạch dứa bán được giá nên có lãi ít chứ hiện tại giá dứa thấp nên sẽ thua lỗ. Tại các đồi, dứa đến kỳ thu hoạch mà không tiêu thụ được, nhiều hộ để dứa chín trên đồng, bán không kịp. Như các năm, khoảng từ mùng 8 Tết đến nay, gia đình thu mua đạt khoảng trên 500 tấn, tuy nhiên hiện giờ chỉ bằng ½ sản lượng thu mua của năm ngoái, nguyên nhân là do cung vượt cầu, thị trường tiêu thụ giảm mạnh”.

Toàn huyện Quỳnh Lưu có trên 1.000 ha dứa được trồng chủ yếu ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu. Dự kiến từ nay đến hết tháng 12/2022, diện tích dứa cho thu hoạch khoảng hơn 600 ha; trong đó chủ yếu tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 3 – 6 dương lịch với 250 ha, sản lượng đạt hơn 7.200 tấn. Để nhằm ổn định sản phẩm dứa cho bà con nông dân, các địa phương đang tập trung các giải pháp để sớm bình ổn giá, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Giá dứa thu mua 3.200 đồng – 3.500 đồng/kg khiến các hộ thất thu hàng trăm triệu đồng. Ảnh Việt Hùng
Giá dứa thu mua 3.200 đồng – 3.500 đồng/kg khiến các hộ thất thu hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Việt Hùng

Ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch UBND xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) cho biết: Để giúp bà con ổn định sản xuất, nhất là trong thời điểm giá dứa xuống thấp, UBND xã tuyên truyền bà con tăng cường các biện pháp kỹ thuật nhằm làm chủ được quy trình sản xuất dứa từ khâu trồng, chăm sóc ra hoa và xử lý dứa chín đúng thời điểm; Xã xây dựng kế hoạch làm việc với Nhà máy dứa Đồng Giao để tìm hiểu, khâu nối bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Ngoài ra, xã cũng làm việc với 7 hộ thu mua dứa nhiều nhất để thúc đẩy khả năng tiêu thụ dứa cho các hộ; đồng thời xác nhận nguồn gốc dứa Tân Thắng để các hộ mang đi tiêu thụ ở thị trường phía Nam được thuận lợi hơn; Khuyến khích các hộ tận dụng lợi thế tuyến đường 48D để mở các điểm kinh doanh, quảng bá sản phẩm dứa Tân Thắng, qua đó vừa tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho nguồn lao động dôi dư.

Tin mới