Nông dân vùng trồng chanh leo lớn nhất Nghệ An gặp khó

(Baonghean.vn) - Đang vào chính vụ thu hoạch nhưng nhiều vùng trồng chanh leo ở Quế Phong chỉ còn trơ gốc. Nhiều diện tích “cây đổi đời” bị đốn chặt sau thời gian nhiễm bệnh.

Chanh leo ồ ạt nhiễm bệnh

Từng có diện tích vườn trồng hơn 400 gốc chanh leo, ông Vi Văn Quang - Trưởng bản Yên Sơn (Tri Lễ, Quế Phong) xem đây là cây thoát nghèo hiệu quả khi mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với những cây trồng bản địa. Vậy nhưng, vì dịch bệnh nên năm nay gia đình buộc phải chặt bỏ toàn bộ vườn chanh leo.

Cây chanh leo góp phần thay đổi đời sống của người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh Đào Tuấn
Cây chanh leo góp phần thay đổi đời sống của người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh Đào Tuấn

Đáng buồn hơn, đây là thực trạng chung của bà con toàn bản. Nếu như trước đây, 70 hộ dân của bản canh tác cây chanh leo thì nay chỉ còn khoảng 20 hộ. Diện tích canh tác của 20 hộ này cũng giảm khoảng một nửa.

Thậm chí, những vùng bản từng là thủ phủ của chanh leo như như Na Niếng, D1 hay bản Xan, bản Bò cũng đều chung thực trạng. Điều này khiến cho diện tích trồng chanh leo của Tri Lễ giảm mạnh từ 212 ha năm 2017 xuống còn 153 ha trong tháng 8 năm nay.
fhdh
Ông Vi Văn Quang cho biết giá thuốc BVTV và VTNN vẫn còn cao so với mức thu nhập của bà con trong bản. Ảnh: Thanh Quỳnh
Trước đây, khi cây chanh leo mới bén rễ trên đất Quế Phong, nhiều người đã tin tưởng địa phương sẽ hình thành được một vùng trồng tập trung, quy mô lớn. Theo quy hoạch vùng trồng được xác định lên tới 1.500 ha.
Tuy nhiên, 5 năm sau phê duyệt quy hoạch, hiện diện tích chanh leo toàn huyện mới chỉ đạt 201 ha (giảm 82 ha so với năm 2017).
Lý giải về sự suy giảm này, ông Nguyễn Bá Hiền - Trưởng Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong cho biết trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì có 2 lý do chính được nhắc đến.
Thứ nhất, chanh leo là loài cây khó tính, dễ bị nhiễm các loại virus gây bệnh nhưng thuốc đặc trị chưa phát huy tốt hiệu quả để triệt tiêu mầm bệnh. Kiểm nghiệm hiệu quả sau phun cho thấy thuốc chỉ dừng lại ở mức độ giảm thiểu bệnh cho cây mà thôi. Vậy nên nhiều diện tích dù đã tiến hành phun thuốc nhưng cây vẫn không khỏi bệnh khiến người trồng phải chặt bỏ.
Trong khi đó, thời gian gần đây diễn biến khí hậu có nhiều bất ổn, nhiều đợt mưa lớn kéo dài khiến thuốc sau khi phun bị rửa trôi gây bùng phát thêm dịch bệnh.
Chanh leo
Chanh leo nhiễm bệnh khiến người trồng phải chặt bỏ. Ảnh: Thanh Quỳnh
Thứ hai, giá thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp cho cây còn cao so với mức sống của bà con miền núi. Cụ thể, để trồng và thu hạch 1 ha chanh leo trong suốt vòng đời 2 năm, người dân phải đầu tư từ 90 - 100 triệu đồng tiền phân bón, thuốc BVTV. Trong khi bà con lại mang tâm lý “ngại” đầu tư một khoản tiền lớn như thế nên chỉ đầu tư "cầm chừng" hoặc "nửa vời" khiến cho cây trồng ngày càng xuống dốc. 
Hiện tại, dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật và vật tư cho cây chanh leo còn hạn chế khi trên thị trường mới chỉ có duy nhất Công ty cổ phần chanh leo Nafoods là đơn vị cung ứng chính. Điều này khiến cho bà con còn thiếu sự chọn lựa khi phát triển vùng trồng.
Người dân lúng túng
Trước thắc mắc về giá thuốc và vật tư nông nghiệp còn cao, đại diện Công ty cổ phần chanh leo Nafoods cho biết: “Sở dĩ mức giá hiện tại của các mặt hàng phân bón, vật tư và thuốc bảo vệ thực vật cho cây chanh leo còn cao bởi các mặt hàng này phải nhập khẩu hoặc mua bán từ các nước và địa phương khác. Sau đó mới vận chuyển về vùng trồng khá xa nên ngoài chi phí thực tế của sản phẩm còn phát sinh thêm chi phí vận chuyển.

Đối với vấn đề về các loại thuốc đặc trị sâu bệnh cho cây vẫn chưa phát huy hiệu quả triệt để trong công tác phòng, chống bệnh thì nguyên nhân chính là do thời tiết diễn biến phức tạp. Cùng với đó, việc phun thuốc và sử dụng các chế phẩm phòng trị bệnh cho cây chanh leo của bà con chưa thường xuyên, liên tục và đúng thời điểm”.

hjl
Dù rằng nguồn lao động địa phương khá dồi dào, lại sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhưng bởi nhiều nguyên nhân mà hiện tại cây chanh leo ở huyện Quế Phong chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Ảnh: Thanh Quỳnh
Để tạm thời giải quyết tình trạng trên, huyện Quế Phong đã vận động bà con chặt bỏ hoàn toàn những diện tích cây bị nhiễm bệnh để triệt tiêu mầm dịch và cho đất nghỉ một thời gian để làm công tác cải tạo. Sau đó trồng loại cây khác để thay thế trong vòng 2 đến 3 năm sau mới trồng lại chanh leo. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, nên trồng cây gì để thay thế thì huyện vẫn chưa có chủ trương cụ thể, còn bà con thì vẫn còn lúng túng và bị động.  

Tin mới