Nông dân xứ Nghệ biến bèo tây thành phân vi sinh

(Baonghean.vn) - Từ việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ, nông dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã dùng các loại bèo để ủ thành phân vi sinh. Mô hình giúp người nông dân hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân vô cơ như đạm, lân, ka li… góp phần bảo vệ môi trường ở địa phương.

Nông dân đưa bèo tây trộn với phân chuồng để ủ phân vi sinh.
Nông dân đưa bèo tây trộn với phân chuồng để ủ phân vi sinh.

Gia đình anh Trần Ngọc Chung ở khối 9, thị trấn Cầu Giát là hộ thứ 3 của huyện Quỳnh Lưu được Trung tâm khuyến nông khuyến ngư huyện giúp đỡ về kỹ thuật và hỗ trợ về vốn để thực hiện xây dựng mô hình dùng các loại bèo để xử lý ủ thành phân vi sinh.

Quá trình thực hiện, anh Chung cho biết: Nguyên liệu bèo tây dễ tìm kiếm kết hợp với một số phân chuồng và men vi sinh để ủ phân. Đợt này, gia đình chuẩn bị 6 tấn bèo, 4 tấn phân chuồng. Bèo được cắt khúc, trộn theo tỷ lệ 2 phần bèo và 1 phần phân. Sau đó, dùng men vi sinh hòa cùng với nước và phun đều trên bề mặt, khi đã hoàn tất việc ủ loại phân này thì dùng bạt phủ kín khối ủ để tạo nhiệt độ cao cho các nguyên liệu trên nhanh phân hủy. Sau thời gian từ 25 – 30 ngày sẽ cho ra từ 4 – 4,5 tấn phân vi sinh, dùng để bón cho cây trồng. 

 » Làm phân bón và thuốc trừ sâu từ thảo mộc

Trước khi đưa vào ủ, bèo được cắt nhỏ.
Trước khi đưa vào ủ, bèo được cắt nhỏ.

Trước thực trạng người nông dân phần lớn sử dụng các loại phân bón hóa học lâu dần sẽ làm cho đất bạc màu, thì việc làm các loại phân hữu cơ sẽ đảm bảo tái tạo đất tốt hơn. Hơn nữa, nhận thấy bèo tây ở các kênh, mương khá lớn gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của bà con. Chính vì vậy, việc khuyến khích nông dân vợt bèo tây vừa góp phần khơi thông kênh mương vừa tạo nguồn phân hữu cơ, tăng độ mùn và độ phì nhiêu cho đất.

Ông Nguyễn Anh Hùng – Trạm trưởng trạm khuyến nông huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trên cơ sở đó, chúng tôi muốn tạo ra một loại phân bón hữu cơ sạch hơn cho cây trồng. Bằng cách sử dụng một chế phẩm, vi sinh vật hữu ích BIO – F, dòng vi khuẩn này nó có tác dụng phân hủy nhanh các dòng xenlulô, các chất hữu cơ để trở thành phân bón cao cấp, dùng bón các loại cây trồng, đặc biệt bón các loại cây trồng cao cấp như hoa, rau màu, cây ăn quả có giá trị cao”.

Bèo tây có nhiều ở các kênh mương tại nhiều địa phương.
Bèo tây có nhiều ở các kênh mương tại nhiều địa phương. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc làm phân vi sinh.

Mô hình ủ phân vi sinh là một hướng đi có ý nghĩa quan trọng đối với nền nông nghiệp, bởi không những tăng giá trị năng suất các loại cây trồng mà còn góp phần đảm bảo môi trường. Cách làm này đang được chính quyền khuyến khích nhân rộng ở các địa phương.

Hồng Diện

TIN LIÊN QUAN

Tin mới