Nông thôn “khát” nước sạch! – Bài 1: Những công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang

Nhiều nhà máy, trạm xử lý nước đã được đầu tư tại các huyện đồng bằng như: Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương… thế nhưng nhiều người dân vẫn sống trong cảnh thiếu nguồn nước sạch đảm bảo để sử dụng.

Chúng tôi có mặt tại xã Bài Sơn (Đô Lương) trong một ngày tháng 6 nắng như đổ lửa. Tại đây, từng được đầu tư xây dựng một nhà máy nước, thế nhưng đến nay đã bị bỏ hoang.

Ông Đào Danh Hà – Chủ tịch UBND xã Bài Sơn là người đích thân dẫn chúng tôi đi. Phải mất một thời gian, chúng tôi mới tìm được đến nhà máy nước này, nó nằm lẩn khuất trên một ngọn đồi, giữa bạt ngàn rừng tràm. Tới nơi, đập vào mắt là một công trình xử lý nước sạch bị cây cối phủ um tùm. Trước cổng, một bên còn gắn biển đơn vị thi công và ngày tháng năm thực hiện, bên cạnh còn lại ghi công trình mục tiêu quốc gia đã bị vỡ mất một nửa. Bên trong thì còn một tháp nước cao khoảng 5m đặt trên đỉnh núi, và một bể chứa nước tầm 80m3 cùng nhà bảo vệ.

Lần ngược về thời gian cách đây không lâu, vào năm 2004 xã Bài Sơn được xây dựng một công trình nước sạch cung cấp cho hơn 300 hộ dân ở xóm Hương Sơn và Mỹ Sơn (nay đã nhập thành xóm 2), với số vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng. Đến năm 2007 công trình này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Là công trình mục tiêu quốc gia, thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, công trình này đã bị bỏ hoang và để hư hỏng, xuống cấp theo nắng mưa.

Là công trình mục tiêu quốc gia, thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, công trình nước sạch ở xã Bài Sơn (Đô Lương) đã bị bỏ hoang và để hư hỏng, xuống cấp theo nắng mưa.
Là công trình mục tiêu quốc gia, thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, công trình nước sạch ở xã Bài Sơn (Đô Lương) đã bị bỏ hoang và để hư hỏng, xuống cấp theo nắng mưa.

Ông Nguyễn Viết Xuân, nguyên Xóm trưởng xóm Hương Sơn, xã Bài Sơn cho biết: Công trình thi công từ năm 2004 và mãi đến năm 2007 mới hoàn thành. Sau khi hoạt động được một thời gian ngắn, do không đủ chi phí vận hành nên đã phải dừng hoạt động. Ngay cả số tiền đối ứng từ phía người dân, mỗi hộ 310.000 đồng cũng không thu được.

Hiện nay, tại xã Bài Sơn người dân đang phải sử dụng nguồn nước khoan để sinh hoạt, ăn uống. Bà Thái Thị Tuý, trú tại xóm 2, xã Bài Sơn cho biết: Trước đây đã có một thời gian ngắn người dân được sử dụng nước máy, thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn là bị cắt. Đến nay đồng hồ hay đường ống nước dẫn vào nhà đều không còn, do một số gia đình làm nhà thì đào phá đi, một số đoạn thì làm đường đè lên. Hiện nay gia đình bà Tuý cũng như các hộ dân trong xóm đang phải dùng nước khoan sau đó lọc bằng hệ thống thủ công trước đây để dùng.

Ông Đào Danh Hà – Chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho hay, kể từ khi nhà máy nước này được xây dựng nhưng không hoạt động hiệu quả, xã không còn được đầu tư công trình cấp nước nào. Bản thân địa phương cũng nhiều lần kiến nghị được đấu nối để dẫn nước sạch từ Nhà máy nước Hoà Sơn nằm cách đó khoảng 4km nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Nhà máy nước ở Bài Sơn sau khi hoạt động được một thời gian ngắn, do không đủ chi phí vận hành nên đã phải dừng hoạt động.
Nhà máy nước ở Bài Sơn sau khi hoạt động được một thời gian ngắn, do không đủ chi phí vận hành nên đã phải dừng hoạt động.

Rời huyện Đô Lương, chúng tôi có mặt tại Nhà máy nước sạch Hưng Thông (Hưng Nguyên). Dự án này được phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư 25,8 tỷ đồng do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, nhà máy nước này có công suất 1.000m3/ngày đêm, đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của khoảng hơn 1.300 hộ dân.

Dù đã hoàn thành vào năm 2018 thế nhưng cho đến nay, nhà máy nước này đang phải bỏ hoang và không thể vận hành vì nguồn nước thô cấp cho nhà máy lấy ở kênh thủy lợi Hoàng Cần không đảm bảo chất lượng, thường xuyên bị nhiễm bẩn và khô cạn. Chưa kể, đến thời điểm này, sau khi nhà máy làm xong cũng không biết giao cho ai vận hành.

Theo ông Nguyễn Hữu Phúc – Chủ tịch UBND xã Hưng Thông thì xã cũng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị lên huyện tiếp tục hoàn thiện để nhà máy có thể hoạt động, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân địa phương. Thế nhưng, sau nhiều năm vẫn chưa có câu trả lời dứt điểm cho vấn đề này. Trong khi đó, do để không nên một số hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp.

Dù đã hoàn thành nhưng Nhà máy nước Hưng Thông vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu nguồn nước đầu vào và không có ai đủ năng lực vận hành.
Dù đã hoàn thành nhưng Nhà máy nước Hưng Thông vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu nguồn nước đầu vào và không có ai đủ năng lực vận hành.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù huyện Hưng Nguyên từng có tờ trình gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, đề xuất phương án giao cho một doanh nghiệp vận hành nhà máy trong thời hạn 50 năm. Phía đối tác sẽ đầu tư các hạng mục: mạng đường ống cấp 4 đấu nối tới hộ tiêu thụ; đường ống cấp nguồn nước thô từ sông Lam về nhà máy, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp công suất nhà máy đảm bảo cung cấp nước sạch đủ khối lượng, chất lượng cho người dân địa phương và các xã vùng lân cận, phát huy hiệu quả tối đa công trình. Dù vậy, cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch, phương án nào được thông qua, còn công trình thì đang ngày đêm “đắp chiếu”.

Không riêng gì xã Hưng Thông, tại xã Hưng Thắng cũ (nay là Hưng Nghĩa), cũng có một công trình nước sạch bị bỏ hoang từ lâu. Nhà máy này được đầu tư với giá trị khoảng 3 tỷ đồng vào thời điểm năm 2008, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, cùng tiền đóng góp của người dân khu vực hưởng lợi. Ban đầu, công trình này được thiết kế với quy mô cấp nước cho khoảng 700 hộ dân, mỗi hộ đóng 1 triệu đồng và đã có 70% hộ tham gia. Thế nhưng, khi duyệt thiết kế 1 hạng mục bể chứa đã bị cắt (chỉ còn 1 bể 80m3), đến năm 2010, khi có chủ trương mở rộng diện tích sử dụng sang cho xã Hưng Tiến, vì 1 bể chứa đã bị cắt nên không có nước, vì thế đường ống dẫn sang Hưng Tiến sau đó cũng bị bỏ hoang. Đến thời điểm này, khi đã sáp nhập 2 xã thành Hưng Nghĩa, nhà máy nước này đang chờ được thanh lý.

Ông Phan Quang Mão – Chủ tịch UBND xã Hưng Nghĩa  cho biết: Theo thiết kế ban đầu, nhà máy nước sẽ lấy nước của giếng Bụt – là giếng nước tự nhiên được người dân sử dụng lâu nay, tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau, giếng Bụt hết nước, người ta lại khoan giếng khơi để lấy nước, thì nguồn nước này lại bị nhiễm sắt nặng không thể xử lý được.

Nhà máy nước xã Hưng Thắng (nay là xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên) đã bỏ hoang nhiều năm đang chờ thanh lý; Các thiết bị xử lý nước bên ngoài, máy móc bên trong nhà máy nước đã bị hoen rỉ.
Nhà máy nước xã Hưng Thắng (nay là xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên) đã bỏ hoang nhiều năm đang chờ thanh lý; Các thiết bị xử lý nước bên ngoài, máy móc bên trong nhà máy nước đã bị hoen rỉ.

Về miền biển Diễn Châu, rất nhiều địa phương ở đây vẫn chưa có nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung để sử dụng. Cũng đã từng có một số dự án xây dựng đường ống để dẫn nước sạch xuống cho người dân vùng biển sử dụng nhưng được ít hôm lại bỏ hoang. Trong khi đó, nguồn nước ngầm và nước mặt tại những xã ven biển thì thường xuyên bị nhiễm mặn.

Ông Nguyễn Văn Năm – Xóm trưởng xóm Hải Nam (Diễn Bích) thở dài cho biết: Vào năm 2007 người dân ở đây đã được đầu tư hệ thống đường ống để đấu nối với Nhà máy nước Diễn Ngọc, thế nhưng chỉ được mấy tháng là bị cắt nước hẳn. Hiện nay, đường ống cũ đã bị hư hỏng hết, còn người dân thì đành phải khoan nước ngầm hoặc sử dụng nước mưa.

Dẫn chúng tôi lên tầng áp mái, nơi đặt bể nước dùng cho gia đình kèm theo trụ lọc nước thô, ông Năm cho biết, hiện tại xóm Hải Nam có hơn 400 hộ dân, nếu gia đình nào có điều kiện thì mua hệ thống lọc nước trị giá hơn 10 triệu đồng về sử dụng, còn nhà nào không có điều kiện thì đành dùng nước mưa, nước khoan. Có khi vào mùa nắng, mực nước ngầm xuống thấp, nước giếng bơm lên còn bị nhiễm mặn, không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà máy móc, đồ dùng trong nhà cũng nhanh hỏng.

Ông Nguyễn Văn Năm - Xóm trưởng xóm Hải Nam, xã Diễn Bích (Diễn Châu) bên hệ thống lọc nước của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Năm - Xóm trưởng xóm Hải Nam, xã Diễn Bích (Diễn Châu) bên hệ thống lọc nước của gia đình.

Ông Nguyễn Viết Mãn – Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết: Địa phương có 8 xóm với trên 2.600 hộ dân, hiện nay chỉ có một số ít xóm lân cận với xã Diễn Ngọc là có nước máy để dùng, còn lại phải sử dụng nước giếng khoan. Bản thân chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị Nhà máy nước Diễn Ngọc nâng công suất, đồng thời đầu tư hệ thống đường ống để cấp nước sạch cho người dân địa phương nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Hay như tại xã Diễn Quảng (Diễn Châu), năm 2012 một nhà máy nước đã được đầu tư với kinh phí gần 20 tỷ đồng. Công trình do UBND xã Diễn Quảng làm chủ đầu tư, mục tiêu cung cấp nước sạch cho gần 1.000 hộ dân. Tuy nhiên đã 10 năm trôi qua, dự án này vẫn còn ngổn ngang, chưa thể đi vào hoạt động vì thiếu vốn. Trong khi đó, nhiều hạng mục làm từ lâu nay đã bị hư hỏng, xuống cấp.

Ông Tăng Ngọc Quý – Chủ tịch UBND xã Diễn Quảng cho biết, công trình này được ngân sách Trung ương tài trợ 60%, địa phương 40%. Hiện tiền vốn từ Trung ương đã được cấp đủ, song 40% còn lại huy động từ người dân lại gặp khó khăn.

Tại xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu), từ năm 2013, dự án Nhà máy nước sạch Quỳnh Thọ với tổng mức đầu tư hơn 17,9 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước là 90%, còn lại 10% là vốn đối ứng của địa phương đã chính thức được khởi công xây dựng. Đây là niềm vui cho người dân địa phương này, nhất là gần 1.000 hộ dân của 3 thôn Thọ Nhân, Thọ Thành, Thọ Phú, nằm trong vùng nhiễm mặn, thường xuyên thiếu nước ngọt sử dụng.

Dù được kỳ vọng lớn, thế nhưng công trình này đến nay vẫn chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng, trong khi đó nguồn vốn đã bị đội lên gần 10 tỷ đồng đến nay là gần 27,5 tỷ đồng. Chưa kể đến việc đã được gia hạn nhiều lần nhưng đến nay dự án này vẫn chưa thể hoàn thành để đi vào hoạt động. Hiện tại, nhiều hạng mục trong dự án này do bỏ hoang nhiều năm nên đã bị hư hỏng.

Công trình cấp nước ngọt thi công dang dở tại xã Quỳnh Thọ. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải
Công trình cấp nước ngọt thi công dang dở tại xã Quỳnh Thọ. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải

Ông Nguyễn Văn Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Dự án này dang dở là do nguồn vốn không đảm bảo, năm 2022 này UBND tỉnh đã có chủ trương bố trí vốn để tiếp tục dự án. Hiện nay để tiếp tục thực hiện rất cần phải có một đơn vị tư vấn đánh giá cụ thể, nếu không làm xong mà không vận hành được thì rất dở.

Ngoài những công trình kể trên, không khó để kể tên nhiều công trình nước sạch hoạt động không hiệu quả khác. Ví như tại Quỳnh Lưu còn có công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thuận; tại TX. Hoàng Mai có công trình cấp nước tại xã Quỳnh Lộc bị bỏ hoang; Nghi Lộc là công trình cấp nước sinh hoạt cho các xóm 6, 8, 9, 10 của xã Nghi Lâm, nhà máy nước tại xã Nghi Diên; tại Yên Thành có công trình cấp nước sinh hoạt xã Minh Thành đang xây dựng dở dang; công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Phúc Thành đang bị bỏ dở…

(Còn nữa)