Nông thôn mới kiểu mẫu phải có công dân kiểu mẫu

(Baonghean) - Kim Liên (Nam Đàn) là 1 trong 3 xã của Nghệ An được chọn để xây dựng đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020. Đảng ủy xã xác định một trong những tồn tại, khó khăn ảnh hưởng đến sự tăng tốc phát triển hiện nay chính là sức ỳ về tư tưởng.

Về vấn đề này, Báo Nghệ An có cuộc đối thoại với ông Hoàng Đình Tiến - Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên.

Toàn cảnh xã Kim Liên (Nam Đàn). 	Ảnh: S.M
Toàn cảnh xã Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: S.M

P.V: Sau khi đạt chuẩn quốc gia NTM vào năm 2014, Kim Liên được UBND tỉnh chọn xây dựng xã đạt NTM kiểu mẫu vào năm 2020. Vậy nhưng, có những thời điểm có vẻ như tốc độ xây dựng nông thôn mới đang “chững” lại. Ông có cho rằng ở Kim Liên vẫn chưa thoát khỏi sức ỳ về tư tưởng, và đây là một lực cản gây khó khăn cho sự bứt tốc, đột phá tạo tăng trưởng mạnh?

Ông Hoàng Đình Tiến: Đúng là cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân Kim Liên vẫn còn một bộ phận có biểu hiện có sức ỳ về tư tưởng. Cụ thể, đó là các biểu hiện của tư tưởng ngại thay đổi với cách làm ăn mới, chưa thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, chưa phát huy hết tiềm năng, nguồn lực...

Có ý kiến cho rằng ở Kim Liên vẫn còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại, tôi cho rằng đó cũng là ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm. Thật không hề dễ chịu khi nghe ý kiến nhận xét như vậy, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn vào sự thật, phải thấy được chính sức ỳ trong tư tưởng là lực cản rất lớn cần được đẩy lùi, loại bỏ.  

P.V: Ông có thể nêu một vài ví dụ cụ thể minh chứng cho lực cản này?

Ông Hoàng Đình Tiến: Đây là vấn đề khá tế nhị, nhưng cũng không khó để chỉ ra. Ví như ở xã Kim Liên, dẫu ai cũng biết trồng “1 sào hoa bằng 3 sào lúa”, xã cũng đã khảo sát và quy hoạch chuyển đổi 3,7 ha diện tích trồng lúa không hiệu quả để trồng hoa. Thế nhưng quá trình vận động, tuyên truyền, đến nay mới chỉ chuyển đổi được 1 ha trồng hoa. Như vậy là có biểu hiện người dân thì ngại khó, ngại thay đổi. Còn công tác chỉ đạo cũng chưa quyết liệt.

Một ví dụ nữa là ở Kim Liên hệ thống giao thông chính cơ bản đã bê tông hóa, cứng hóa, chỉ còn một số tuyến nhỏ, phụ… Tuy nhiên, dù chỉ còn một ít tuyến nữa là hoàn chỉnh, nhưng toàn xã mới chỉ có 4 xóm (Sen 3, Mậu 6, Hội 2, Hội 3) hoàn chỉnh nâng cấp và hoàn thiện 100% các tuyến đường. Gần 20 xóm còn lại vẫn có biểu hiện trông chờ vào sự hỗ trợ xi măng từ cấp trên, bên ngoài. Tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện mới đạt 74,9 %.

Trong bức tranh nông thôn mới khang trang, hiện đại, vẫn còn có những hình ảnh chưa đẹp, chưa đồng bộ. Vẫn còn một số nhà hàng kinh doanh ăn uống và khu dân cư chưa đảm bảo việc xử lý chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Vệ sinh đường làng, ngõ xóm một số tuyến chưa thực hiện thường xuyên. Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,7%. Tỷ lệ nhà văn hóa cấp thôn đạt chuẩn mới chỉ 5/25 (20%)… 

P.V: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thì chắc hẳn phải có công dân kiểu mẫu, ông có thể cho biết Đảng ủy xã Kim Liên quan tâm đến vấn đề này như thế nào?

Ông Hoàng Đình Tiến: Xã đang tập trung thực hiện đề án về xây dựng con người Kim Liên thành những công dân kiểu mẫu. Hướng đến sự thay đổi con người Kim Liên “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”, xứng đáng là công dân sinh sống tại nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tập trung xây dựng khu dân cư kiểu mẫu tạo các xóm Sen 3, Hồng 1, Hồng 2, Mậu 1, Mậu 2, Mậu 3, Mậu 4, Mậu 5, Mậu 6, và Hoàng Trù 1.

Xác định muốn làm nông thôn mới kiểu mẫu thì con người cũng phải mẫu mực, kiểu mẫu. Mẫu mực từ bước đi, lời nói, ứng xử văn hóa, tạo môi trường thân thiện, an ninh trật tự đảm bảo, các yếu tố về cảnh quan, môi trường. 

Kim Liên có niềm tự hào đặc biệt, là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, cái tên Kim Liên cũng như địa danh này đã trở nên thân thuộc, được cả nước và quốc tế biết đến. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo thì dễ rơi vào tình trạng “ngủ quên trên tự hào”. Vì vậy, cán bộ, đảng viên và người dân Kim Liên cần phải chủ động, năng động, dựa vào sức mình là chính, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần quyết liệt thi đua làm giàu chính đáng.

P.V: Điều quan trọng trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Có cơ sở hạ tầng hiện đại mà thu nhập bình quân không ổn định, thì vẫn không bền vững. Vậy Đảng ủy và chính quyền xã Kim Liên thực hiện những giải pháp nào để đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững?

Ông Hoàng Đình Tiến: Dù luôn nỗ lực cố gắng, đến nay Kim Liên vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, du khách muôn phương, vẫn còn 5/19 tiêu chí chưa hoàn thành. Trong đó, năm 2016 thu nhập bình quân đạt 35,1 triệu đồng/người/năm, trong khi mục tiêu năm 2020 là 60 - 70 triệu đồng/người/năm. 

Vì vậy, để đạt mục tiêu đề ra, Kim Liên xác định 3 giải pháp lớn để tạo đột phá: Một là đẩy mạnh phát triển du lịch; hai là thu hút nguồn lực đầu tư để phát huy tiềm năng; ba là thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất. 

Là xã có lợi thế vượt trội về du lịch, để khai thác tiềm năng, xã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vùng cao cưỡng trồng lúa màu kém hiệu quả thì chuyển đổi trồng cây ăn quả phục vụ khách du lịch; quy hoạch một số vùng đất để kêu gọi doanh nghiệp về chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Quy hoạch lại một số vùng để nhân dân có điều kiện kinh doanh buôn bán các sản phẩm đặc thù của Kim Liên. Hiện nay đã xây dựng sản phẩm rượu nếp Làng Sen, phát triển hàng ăn chay. 

Thông qua xây dựng NTM, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng (tuyến đường mở rộng ở xã Kim Liên). 	Ảnh: P.V
Thông qua xây dựng NTM, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng (tuyến đường mở rộng ở xã Kim Liên). Ảnh: P.V

Về thu hút nguồn lực, xã tiếp tục kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Trong đó, kỳ vọng lớn nhất là được đầu tư xây dựng bến xe gắn với trung tâm thương mại, mua sắm. Hình thành các tuyến đường cho xe du lịch chuyên dụng nội vùng (như xe điện) chở khách tham quan quê Bác, thăm làng quê Kim Liên, các mô hình kinh tế, các vườn đặc sản…

Hiện tại, toàn xã có 397 hộ tiểu thương và tiểu thủ công nghiệp, chiếm tỷ lệ khoảng 12%, xã sẽ kêu gọi tạo mô hình liên doanh liên kết để tạo nên các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản xuất và kinh doanh. 

Xã hiện đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi vùng cao cưỡng, trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại. Đến nay, Nam Đàn có 27 trang trại vừa và nhỏ, nhiều trang trại tổng hợp có doanh thu bình quân trên 1 tỷ đồng/năm. Thực hiện chuyển đổi cây trồng 2 vùng Dăm Sim, Liên Sơn 1 bằng cách liên kết với Viện Cây trồng Trung ương để khảo sát chất đất và tìm giống cây trồng giá trị cao. Cải tạo vườn tạp tại 6 xóm, chỉ để lại những cây trồng truyền thống như cây sơn trà, cây trám, cam, táo, ổi… 

Lâu nay hệ thống kênh thấp vào Kim Liên không có nước tưới về vụ hè thu, gây ra hạn hán, thiếu nước sản xuất. Lại nằm ở vùng trũng nên chỉ mưa 200 mm là có diện tích lớn bị ngập. Trong số diện tích này chỉ có 66 ha là có thể chuyển đổi để trồng màu. Do đó, xã sẽ tập trung thu hút đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu ổn định. 

Các giải pháp trên đây không chỉ được đẩy mạnh để nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần tạo đột phá về nhận thức, tư tưởng, xóa bỏ sức ỳ cả trong nhận thức và hành động.

P.V: Cảm ơn ông!

Ngô Kiên

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới