'Nóng' vấn đề rác thải ở Quỳnh Lưu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Kể từ sau khi bãi rác tại xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu) buộc phải đóng cửa, 33 xã, thị trấn tại địa phương này đã phải loay hoay tìm nơi xử lý rác thải sinh hoạt trong khu dân cư. Tình hình càng bế tắc hơn kể từ khi Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An, đơn vị quản lý Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên ra thông báo dừng tiếp nhận rác do các đơn vị ở địa phương này chuyển đến.

Nan giải

Ngày 30/5/2022, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An đã có Thông báo số 70/MTĐT nêu rõ việc một số đơn vị chở rác sinh hoạt từ các huyện ngoài khu vực cho phép về tập kết tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (Nghi Lộc) là vi phạm nghiêm trọng hợp đồng đã ký kết.

Bởi theo như quy định, rác đưa về tập kết và xử lý tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên chỉ được phép đưa từ các địa phương: TP. Vinh, TX. Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, thị trấn Diễn Châu.

Rác thải vứt tràn lan ra đường tại xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải

Rác thải vứt tràn lan ra đường tại xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải

Trong thông báo này, phía Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An cũng nêu rõ, kể từ ngày 10/6/2022, Công ty sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng với những đơn vị đã ký hợp đồng nhưng không thực hiện đúng các điều khoản cam kết, không chứng minh được nguồn gốc rác thải thu gom và vận chuyển từ các địa phương được phép tập kết tại Khu Liên hợp.

Theo tìm hiểu, kể từ sau ngày 10/6, trên địa bàn các xã như Quỳnh Hậu, Quỳnh Đôi, Sơn Hải, Quỳnh Long, Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu), rác thải sinh hoạt ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân.

Hiện tại, rác thải tạm thời được giải phóng sau khi các đơn vị thu gom thỏa thuận được với Nhà máy rác tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) để cho "đổ tạm" một số xe. Tuy nhiên, về lâu dài địa phương này cần tính đến việc xây dựng khu xử lý rác thải mới, thay cho bãi rác Ngọc Sơn đã bị đóng cửa.

Lối vào bãi rác Ngọc Sơn bị chắn và dừng hoạt động 3 năm nay. Ảnh: Tiến Đông

Lối vào bãi rác Ngọc Sơn bị chắn và dừng hoạt động 3 năm nay. Ảnh: Tiến Đông

Ông Hồ Ngọc Thái - Giám đốc Công ty TNHH Thái Bình Nguyên, 1 trong 3 đơn vị đang hợp đồng với các xã, thị trấn thu gom rác thải sinh hoạt tại huyện Quỳnh Lưu cho biết: Kể từ khi bãi rác tại xã Ngọc Sơn đóng cửa, đơn vị đã phải liên hệ với nhiều địa điểm để đổ rác.

Gần nhất là ở Nghĩa Đàn và TX. Hoàng Mai có nhà máy xử lý nhưng do công suất nhỏ, trong khi khối lượng rác mỗi ngày ở 33 xã, thị trấn tại huyện Quỳnh Lưu đã khoảng 100 tấn, không thể xử lý hết được, vì thế, những năm qua, rác tạm thời đưa vào Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Tuy nhiên, sau khi Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An ra thông báo dừng tiếp nhận rác ở các khu vực nằm ngoài quy định đã khiến cho việc xử lý rác thải sinh hoạt ở đây thực sự gặp bế tắc.

Thời gian vừa qua do không được đưa rác vào đổ ở Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (Nghi Lộc) nên rác tại khu vực Quỳnh Lưu đã bị ùn ứ, gây bức xúc trong nhân dân. Ảnh: Nguyễn Hải

Thời gian vừa qua do không được đưa rác vào đổ ở Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (Nghi Lộc) nên rác tại khu vực Quỳnh Lưu đã bị ùn ứ, gây bức xúc trong nhân dân. Ảnh: Nguyễn Hải

Hiện Công ty TNHH Thái Bình Nguyên hợp đồng thu gom rác của 13 xã và thị trấn Cầu Giát. Những năm gần đây, khối lượng rác thải sinh hoạt tăng lên nhanh chóng, chưa kể đến việc một bộ phận người dân thiếu ý thức còn bỏ lẫn rác thải xây dựng khiến việc phân loại, xử lý rất khó khăn.

Ông Hồ Mạnh Tuấn - công chức địa chính, môi trường xã Quỳnh Hậu chia sẻ: Là vùng nông thôn nhưng giờ không gian dành cho phân loại, xử lý rác rất ít. Thức ăn thừa sở dĩ có thể dùng cho gia súc, gia cầm thì lâu nay chăn nuôi quy mô hộ không còn phát triển, rác thải là cây, lá cũng thiếu chỗ để phơi đốt và gây khói bụi, ô nhiễm cho các khu dân cư. Theo quy hoạch nông thôn mới, mỗi huyện có từ 1-2 bãi tập kết rác thải rắn và mỗi xã hoặc cụm xã có 1 bãi tập kết rác thác rắn nhỏ hơn nhưng rất ít địa phương dành quỹ đất, vì nếu có thì lại sợ người dân vứt rác bừa bãi nên không địa phương nào muốn làm.

Theo đại diện của các đơn vị đang hợp đồng thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, hiện nay người dân đang mặc nhiên cho rằng, việc xử lý rác thải là nhiệm vụ của các công ty môi trường nên hầu như gia đình nào cũng chỉ gom chung tất cả các loại rác vào 1 túi, bất kể rác sinh hoạt hay xà bần, cành, lá cây, chính điều này khiến lượng rác tăng lên rất nhanh.

Hiện nay, ngoại trừ địa bàn thị trấn Cầu Giát 2 ngày thu gom 1 lần thì các địa bàn xã khác mỗi tuần thu gom 2 lần, thậm chí 1 lần. Khi rác sinh hoạt động không được thu gom, vận chuyển theo kế hoạch thì ùn ứ rất nhanh và do bỏ quá lâu trong nhà nên khi vận chuyển ra ngoài đường đã bốc mùi hôi thối, rất mất vệ sinh.

Bãi rác Ngọc Sơn sau khi đầy tràn và gây ô nhiễm môi trường đã bị người dân phản đối không tiếp tục cho xe vào đổ. Ảnh: Tiến Đông

Bãi rác Ngọc Sơn sau khi đầy tràn và gây ô nhiễm môi trường đã bị người dân phản đối không tiếp tục cho xe vào đổ. Ảnh: Tiến Đông

Cần giải pháp lâu dài

Trước việc Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên dừng tiếp nhận rác từ các địa phương nằm ngoài khu vực quy định, ngày 10/6/2022, UBND thị trấn Cầu Giát đã có văn bản giao cho các cơ quan, tổ chức và hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thông báo tình hình và yêu cầu các hộ dân tự phân loại rác thải tại nguồn, thành 2 loại là rác thải vô cơ khó phân hủy và rác thải hữu cơ dễ phân hủy thành bao gói riêng để Công ty TNHH Thái Bình Nguyên thu gom.

Tương tự, tại 2 xã Quỳnh Thuận và Quỳnh Long, ngay sau khi nắm được thông tin Công ty TNHH Thái Bình Nguyên tạm thời sẽ dừng thu gom rác thải, UBND 2 xã đã có văn bản thông báo, tuyên truyền, vận động các hộ dân tự phân loại xử lý, giảm thiểu rác thải, chỉ loại thực sự cần thiết mới đưa về bãi rác tập trung để mỗi tuần 1 lần xe công ty về thu gom.

Người dân tập kết rác tại đầu ngõ để chờ công ty môi trường đến thu gom. Ảnh: Nguyễn Hải

Người dân tập kết rác tại đầu ngõ để chờ công ty môi trường đến thu gom. Ảnh: Nguyễn Hải

Hiện nay, mặc dù rác thải tập kết tại các khu dân cư và tuyến đường chính trên địa bàn Quỳnh Lưu đã tạm thời được giải phóng nhưng trên thực tế lượng rác ùn ứ nằm trong các khu dân cư vẫn còn nhiều. Nhiều nơi như Quỳnh Ngọc hay Sơn Hải, rác vẫn còn chất đống tại các đầu ngõ.

Theo đại diện Phòng TN&MT huyện Quỳnh Lưu, trước đây huyện cũng đã kêu gọi Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam vào xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn đặt tại xã Ngọc Sơn, không xa khu vực bãi rác cũ, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư từ ngày 20/7/2018. Tuy nhiên, do người dân địa phương phản đối, đến nay, nhà máy xử lý chất thải rắn vẫn chưa thực hiện được. Hiện dù đã kêu gọi nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư nào tiếp cận.

Rác từ các xã trong huyện Quỳnh Lưu đang được đưa về tập kết tại bãi bên cạnh Công ty TNHH Thái Bình Nguyên. Ảnh: Tiến Đông

Rác từ các xã trong huyện Quỳnh Lưu đang được đưa về tập kết tại bãi bên cạnh Công ty TNHH Thái Bình Nguyên. Ảnh: Tiến Đông

Về việc dừng tiếp nhận rác tại huyện Quỳnh Lưu cũng như các địa phương nằm ngoài khu vực quy định, ông Phạm Hữu Thắng – Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An cho biết: Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên chỉ được phép tiếp nhận rác của TP. Vinh, TX. Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, thị trấn Diễn Châu và vùng phụ cận trong vòng 30 km. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, công ty đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp, đơn vị tư nhân có chức năng thu gom, vận chuyển rác từ các địa phương nói trên để tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, đã có trường hợp lợi dụng hợp đồng được đổ rác vào Khu Liên hợp để thu gom, vận chuyển rác từ các địa phương khác về.

Công nhân đang phải phân loại rác một cách thủ công tại bãi tập kết. Ảnh: Nguyễn Hải

Công nhân đang phải phân loại rác một cách thủ công tại bãi tập kết. Ảnh: Nguyễn Hải

Hiện tại mỗi ngày Khu Liên hợp tiếp nhận khoảng 600 tấn rác/ngày, đêm. Theo tính toán, nếu đạt cao độ 45m so với mực nước biển và với khối lượng rác ổn định như hiện nay, 8 hố chôn lấp có thể tiếp nhận, xử lý rác đến năm 2045. Nếu các địa phương khác muốn đổ rác vào đây thì phải được sự đồng ý của UBND tỉnh và UBND TP.Vinh – ông Thắng nhấn mạnh.

Có thể thấy rằng, về lâu dài Quỳnh Lưu cần phải xây dựng cho mình một nhà máy xử lý rác thải, đây là điểm mấu chốt để giải quyết tình trạng ứ đọng rác thải sinh hoạt ở địa phương này. Bởi việc đưa rác đi đổ tại nơi khác cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chưa kể đến việc chi phí vận tải cùng với chi phí xử lý tăng cao, khiến cho các doanh nghiệp không chịu nổi. Nếu các doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng xử lý rác với các xã, thị trấn mà “bỏ chạy” thì vấn đề rác thải trên địa bàn Quỳnh Lưu càng trở nên nghiêm trọng.

Tin mới