Nóng: Xuất hiện ổ dịch bệnh dại, 40 người bị chó cắn, 1 người tử vong

(Baonghean.vn) - Trên địa bàn xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) xuất hiện ổ  dịch bệnh dại, 40 người bị chó cắn đang hoang mang sau khi 1 người tử vong.

Ổ dịch lâu ngày

Ổ dịch bùng phát từ trung tuần tháng 7/2016, khi có 1 con chó mắc bệnh dại của một hộ dân ở xóm 2 đã cắn 2 người và nhiều con chó khác trên địa bàn. Tại thời điểm này đã có 1 người tử vong do mắc bệnh dại....

Nạn nhân tử vong là chị Hoàng Thị Hảo sinh năm 1978, ở xóm 2, xã Hưng Trung. Trong ngày trung tuần tháng 7, chỉ Hảo đi mua phế liệu ở đầu xóm thì bị con chó mắc bệnh dại cắn vào gót chân. Khi bị chó cắn, chị Hảo đã về nhờ nhân viên y tế xóm 2 là ông Nguyễn Thanh Tịnh (cũng là anh em họ hàng với chị Hảo) sơ cứu. Sau sơ cứu, được lời khuyên của ông Tịnh, chỉ Hảo có đến Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc để khám. Tuy nhiên tại đây, chị Hảo chỉ tiêm phòng uốn ván chứ không phải vắc xin phòng bệnh dại.

Được biết lý do chị Hảo không tiêm vắc xin phòng dại là lo sợ đang nuôi con nhỏ (con út trong 6 người con của chị mới 6 tháng tuổi), sợ khi tiêm vắc xin sẽ ảnh hưởng đến việc cho con bú. Nghe lời 1 số người thân quen, chị Hảo đã nhờ người đi bốc thuốc nam về điều trị. Trong quá trình uống thuốc nam, chị Hảo đã vài lần phát bệnh, mệt mỏi với nhiều triệu chứng của bệnh dại.

Đến ngày 27/9/2017, chị Hảo được đưa lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An, tuy nhiên lúc này đã quá muộn. 

Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên và UBND xã Hưng Trung họp bàn điều tra nguyên nhân và bàn các biện pháp dập dịch.
Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên và UBND xã Hưng Trung họp bàn điều tra nguyên nhân và bàn các biện pháp dập dịch.

Ngay sau khi cắn chị Hảo, con chó này đã chết. Trước đó, nó cũng đã cắn 1 cháu bé ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc sang xã Hưng Trung chơi. Trước khi cắn người, con chó này đã cắn nhiều con chó khác trên địa bàn. 

Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Hưng Trung: Trên địa bàn xóm 2, đã có khoảng 10 người bị chó cắn từ trung tuần tháng 7 đến nay.

Điều tra sau khi có nạn nhân tử vong, Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên cho biết: Có khoảng 40 người bị chó cắn trong thời gian này. Tất cả số người này đều tin và điều trị bằng thuốc nam của ông thầy lang nói trên. Sau khi chị Hảo tử vong, đã có 2 người dân ở xóm 2, xã Hưng Trung lên Trung tâm y tế huyện tiêm vắc xin phòng dại.

Cũng theo cán bộ Trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên: Dẫu thời gian ủ bệnh đã lâu với nhiều triệu chứng rất rõ nhưng trung tâm không được Trạm y tế xã báo cáo có hiện tượng này xảy ra.

Nghệ An đang một trong những tỉnh luôn có số người mắc dại cao trên cả nước và có số ca tử vong đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ; Tỷ lệ phòng bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn tỉnh trong 2 năm qua đạt thấp, chỉ khoảng 40,8% kế hoạch.Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn Nghệ An có 39 người tử vong do bệnh dại. Tất cả các nạn nhân tử vong đều không tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại mà sử dụng thuốc lá – thuốc nam – đông y. Cũng trong thời gian nay, đã có 25.000 người bị chó cắn đã được tiêm vắc xin phòng dại, điều trị khỏi bệnh..

Trách nhiệm của ngành y tế và địa phương?

Việc để bùng phát ổ dịch bệnh dại tại xã Hưng Trung, trách nhiệm chính thuộc về trạm y tế, y tế thôn bản và chính quyền địa phương sở tại. Ông Nguyễn Thanh Tịnh, nhân viên y tế xóm 2 cho biết: Sau khi băng bó cho chị Hảo và 1 cháu nhỏ ở xã Nghi Diên, ông có khuyên nên đi tiêm phòng ở trung tâm y tế. Tuy nhiên bản thân ông khi biết nạn nhân không tiêm vắc xin mà lại điều trị bằng thuốc nam, đã không quyết liệt ngăn chặn.

Qua trao đổi, phóng viên nhận thấy: Chính bản thân ông Tịnh cũng chưa nhận thức đầy đủ về bệnh dại cũng như quy trình điều trị. Thậm chí, ông Tịnh còn có những nhận thức sai khi cho rằng “số tiền tiêm vắc xin phải lên đến vài triệu đồng”, trong khi điều trị bằng thuốc nam thì rẻ hơn nhiều (Thực tế cho thấy với 5 liều vắc xin phòng dại chỉ khoảng 1 triệu đồng); Hay có những quan niệm mê tín để lý giải cho nguyên nhân tử vong rất thương tâm của chị Hảo...

Ngay sau khi được cán bộ Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên cho biết giá cụ thể của dịch vụ tiêm vắc xin phòng dại, ông Tịnh hứa sẽ tuyên truyền người dân đi tiêm phòng ngay vì “quá rẻ” và từ trước tới nay không biết.

Bệnh dại chỉ có thể phòng bằng việc đưa vật nuôi tiêm phòng và người bị chó cắn ngay lập tức tiêm vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại
Bệnh dại chỉ có thể phòng bằng việc đưa vật nuôi tiêm phòng và người bị chó cắn ngay lập tức tiêm vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại.

Trong thời gian ủ bệnh, chị Hảo cũng đã nhiều lần lên Trạm y tế xã Hưng Trung để lấy thuốc cho bản thân và chồng con. Bác sĩ Nguyễn Văn Đào – Trạm trưởng Trạm Y tế cũng đã nắm bắt tình hình lên cơn dại của chị nhưng bản thân ông Đào cũng chưa quyết liệt trong vệc vận động, yêu cầu chị Hảo đi tiêm phòng; Trạm y tế đã biết sự việc song không báo cáo lên cấp trên cũng như có các khuyến cáo cho người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hữu Vịnh – Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Trung thừa nhận: Trách nhiệm chính để xảy ra ổ dịch bệnh dại thuộc về chính quyền địa phương. Khi có chủ trương tiêm phòng cho đàn vật nuôi, xã đã có nhiều hình thức tuyên truyền cho người dân. Tuy nhiên số lượng vật nuôi tiêm phòng tỷ lệ đạt thấp (chỉ có 400 con chó trên tổng đàn 2.246 được tiêm phòng; cá biệt nhiều xóm như xóm 2 chỉ có 10 con được tiêm); bị chó dại cắn, dẫu đã được tuyên truyền nhưng vẫn để người dân đi uống thuốc lá.

Ông Vịnh còn cho rằng hệ thống y tế xã và cán bộ xóm còn kém nhận thức. Cụ thể, trạm trưởng trạm y tế biết chị Hảo bị chó cắn đã lâu mà chưa phát bệnh nên chủ quan. Riêng bản thân ông Nguyễn Thanh Bình – xóm trưởng xóm 2 cũng bị chó nghi dại cắn song không đi tiêm mà cũng sử dụng thuốc nam.

Hiện nay, người dân xóm 2 và các xóm lân cận của xã Hưng Trung rất hoang mang, lo lắng về tình hình bệnh dịch. Ngay sau khi được báo về bệnh, cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế huyện đã về họp cùng xã Hưng Trung. Biện pháp khẩn cấp được đề ra: Xã Hưng Trung phải bằng mọi cách phải đưa số người bị chó cắn đi tiêm phòng, cũng như những người liên quan đến nạn nhân đã tử vong; Nâng cao công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực tiêm phòng cho toàn bộ đàn chó trên địa bàn; Tập trung theo dõi giám sát đàn chó và bệnh dại...

Bác sĩ Hoàng Ngọc Đàn - Phó Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh khuyến cáo: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, bệnh lây từ động vật sang người. Nguyên nhân chủ yếu là do đàn chó, mèo nuôi không được tiêm vắc xin phòng bệnh dại triệt để. Khi đã lên cơn 100% bệnh nhân tử vong. Người dân sau khi bị chó nghi dại cắn cần phải rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh, xà phòng đậm đặc và rửa trong 15 phút. Sau đó đến cơ sơ y tế gần nhất để được hướng dẫn, đưa đi tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại. Tuyệt đối không sử dụng bằng thuốc nam thuốc lá, thuốc đắp. Đến nay, y học hiện đại và y học cổ truyền đều khẳng định: Chỉ có tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại mới có thể điều trị được bệnh.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới