Noọng Ó - khát vọng hồi sinh

(Baonghean) - Noọng Ó từng một thời là bản có đời sống no ấm và khấm khá nhất, nhì xã Hữu Lập (Kỳ Sơn) vì người dân chăm chỉ, nương rẫy tốt tươi. Nhưng rồi, “cơn bão” ma túy ập đến khiến bản làng tan hoang. Giờ đây, sau bao năm “giông bão”, cộng đồng người Thái nơi đây đang khao khát và hướng tới một cuộc sống bình yên.
Bản Noọng Ó, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn) nằm giữa thung lũng, xung quanh là núi non hiểm trở. Ảnh: Công Kiên
Bản Noọng Ó, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn) nằm giữa thung lũng, xung quanh là núi non hiểm trở. Ảnh: Công Kiên

Ký ức đáng quên

Đây là lần thứ hai chúng tôi “đột nhập” thung lũng Noọng Ó. Lần đầu cách đây đã 5 năm, khi ấy con đường còn hết sức cheo leo, trơn trượt, luôn thấp thỏm nỗi lo “ngựa sắt” trượt ngã hay bất chợt có ai đó từ bụi cây lao ra chặn đường. Bây giờ đường đã dễ đi hơn, đoạn từ bản Xốp Thặp đến Chà Lắn gần 10 km phần nhiều đã được đổ bê tông. Nghĩa là đoạn có độ dốc và khúc khuỷu, khó khăn nhất đã được xử lý, đoạn còn lại từ Chà Lắn vào Noọng Ó cũng tầm gần 10 km vẫn là đường đất nhưng tương đối bằng phẳng và dễ đi. Cũng không còn mối lo bị chặn đường, vì lần này có Phó Chủ tịch UBND xã Kha Văn Moọc dẫn đường, anh nắm chắc từng đoạn đường, con dốc và khe, suối. 

Sau hơn một giờ “phi nước đại”, “ngựa sắt” đã tụt dốc Noọng Ó, Trưởng bản Lương Văn Mắn đã chờ sẵn dưới cây cổ thụ đầu bản. Gần 90 nóc nhà cao, thấp lọt thỏm giữa thung lũng, xung quanh là những dãy núi sừng sững và hiểm trở. 

So với 5 năm trước, nhịp sống đã có những dấu hiệu đổi thay, rõ nhất là con đường chính của bản vừa được đổ bê tông, điểm trường mầm non và tiểu học cũng vừa được xây mới, có thêm những ngôi nhà mới kiên cố và khá khang trang, có tiếng thoi đưa lách cách... Dẫu vậy, vẫn còn những ngôi nhà bỏ hoang, cửa đóng im ỉm, cây dại lút vườn vì chủ nhân đang đi làm ăn xa hoặc đang thụ án do buôn bán, vận chuyển ma túy.
Bản Noọng Ó đã được đàu tư làm đường giao thông nội bản. Ảnh: Công Kiên
Bản Noọng Ó đã được đàu tư làm đường giao thông nội bản. Ảnh: Công Kiên

Trưởng bản Lương Văn Mắn kể lại: “Khoảng năm 2000 trở về trước,Noọng Ó thuộc diện khấm khá nhất xã, không lúc nào thiếu cái ăn, trâu, bò, lợn, gà không đếm xuể. Vậy mà, chỉ vài năm sau khi dính vào ma túy đã trở nên xơ xác, tiêu điều và bây giờ đã thua các bản khác…”.

Trong ký ức của dân bản, xưa kia nương rẫy bạt ngàn, cây lúa, cây ngô năm nào cũng nặng hạt, bội thu, mỗi nhà có đến hàng chục con trâu, bò. Một phần vì đất ở đây rất tốt, phần khác do con người chăm chỉ, cần cù nên có đời sống khá sung túc. Vào mỗi kỳ giáp hạt, nhiều người dân ở các bản khác đã vượt dốc Chà Lắn vào Noọng Ó mua hoặc vay tạm lương thực. Cũng vì thế, nơi đây luôn có những kẻ chuyên buôn bán, vận chuyển ma túy “nhòm ngó” để có nguồn lợi bất chính. 

Hơn nữa, Noọng Ó lại nằm ở vị trí “đắc địa”, tiếp giáp với 4 xã, bao gồm Bảo Nam, Phà Đánh, Huồi Tụ và Mường Lống nên những kẻ buôn “hàng trắng” thường tìm đến lập “cơ sở” hoạt động. Ban đầu chúng kết thân rồi lôi kéo những thanh niên ăn chơi vào con đường hút chích, nghiện ngập. Mối họa từ đó cứ lớn dần, nhiều người của bản đã không cưỡng nổi sự dụ dỗ của “con ma trắng”.

Cho dù, lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn, nhưng do nằm xa trung tâm, địa hình hiểm trở, lại tiếp giáp với nhiều xã nên những kẻ buôn bán “cái chết trắng” vẫn liều lĩnh hoạt động. Thậm chí, chúng còn dựng lán trại trên núi, bố trí canh phòng để trao đổi ma túy. Hậu quả để lại là bản làng tan hoang, xơ xác, nhiều gia đình ly tán, hàng chục người vào trại cai nghiện và thụ án tù, Noọng Ó được mệnh danh là “bản trắng”. 

Khát vọng hồi sinh

Đã gần 20 năm kể từ khi “cơn lốc trắng” tràn về, quãng thời gian đủ để nó tàn phá đến mấy thế hệ ở Noọng Ó. Và cũng đủ dài để bà con người Thái ở đây nhận ra tác hại của “chất trắng” đối với sự bình yên của bản làng, hạnh phúc của mỗi gia đình và nỗi đau của từng số phận bị đọa đày. Nghĩa là thời gian và hậu họa của ma túy đã giúp họ thức tỉnh, cho dù đã muộn màng và bắt đầu thai nghén khát vọng hồi sinh. 

Sau những đổ vỡ, ly tán và thân tàn ma dại vì liên quan đến ma túy, cũng đến lúc mọi người phải tỉnh giấc và mong làm lại cuộc đời, nhất là những người trẻ tuổi. Các gia đình đã bắt đầu tập trung làm nương rẫy, đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm và dệt vải với niềm mong ước cuộc sống sẽ trở lại cảnh no ấm và yên bình như thuở xưa”.

Trưởng bản Lương Văn Mắn

Bản Noọng Ó, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn) chưa có điện lưới, phải dùng nguồn điện từ thủy điện mi ni. Ảnh: Công Kiên
Bản Noọng Ó, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn) chưa có điện lưới, phải dùng nguồn điện từ thủy điện mi ni. Ảnh: Công Kiên

Đặc biệt, chứng kiến những mất mát và hậu họa của thế hệ cha chú và đàn anh, những người trẻ đã không khỏi lo sợ. Không muốn cuộc đời mình bị “con ma trắng” trói buộc nên học hành xong họ đều tìm đường đi làm ăn xa với quyết tâm tránh xa sự dụ dỗ chết người. Phần lớn là tìm đến các khu công nghiệp trong Nam, ngoài Bắc để làm công nhân, chi tiêu tiết kiệm, tích cóp tiền để mấy năm sau trở về có vốn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. 

Như để chứng minh, anh Mắn dẫn qua nhà ông Lữ Thảo Thăm (SN 1952) -một người từng sử dụng ma túy nhiều năm, đã nhiều lần đi cai nghiện. Ông Kèo đang ngồi đan bế, vợ ông cũng vừa lên rừng lấy củi về, sự khắc khổ hiện rõ trên nét mặt. 
Ông nói: “Ngày trước trót dại nên dính vào ma túy, bị nó làm khổ cả một đời. Bây giờ các con, các cháu đều đi làm ăn xa để vừa tránh xa được “con ma trắng”, vừa gom góp tiền để ít năm nữa về có vốn làm ăn”. 
 

Phó Chủ tịch UBND xã Kha Văn Moọc cho hay, thời gian gần đây xã Hữu Lập tăng cường phối hợp với công an huyện và các xã giáp ranh để triệt phá các tụ điểm trao đổi ma túy, giám sát các đối tượng nghi vấn nên tình hình đã lắng xuống. Tuyến đường từ trung tâm xã vào Noọng Ó đang được nâng cấp, việc đi lại và tổ chức tuần tra thuận lợi hơn nên tội phạm ma túy không còn dám hoạt động liều lĩnh. 

Chúng tôi ghé thăm điểm trường mầm non và tiểu học bản Noọng Ó vừa được Nhà nước hỗ trợ, đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng theo Chương trình 135. Tiếng học bài rộn rã, tiếng hát ngân xa và tiếng cười vang lên giòn giã, tưởng chừng như nơi đây chưa từng là “thủ phủ” ma túy ở miền rẻo cao Kỳ Sơn.
Điểm trường mầm non và tiểu học bản Noọng Ó vừa được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Công Kiên
Điểm trường mầm non và tiểu học bản Noọng Ó vừa được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Công Kiên

Cô giáo Phạm Thị Khanh - phụ trách điểm trường cho hay: “Còn nhỏ tuổi nhưng các cháu đã biết được phần nào tác hại của ma túy đối với cuộc sống khi thấy có người thân, họ hàng hay hàng xóm đang chịu án tù hoặc đang cai nghiện tập trung. Tôi luôn căn dặn các cháu ma túy là chất độc, những người buôn bán, sử dụng ma túy là người xấu, phải tránh xa…”. 

Nhìn những gương mặt hồn nhiên, nghe những thanh âm trong trẻo ấy, ai cũng mong sau này lớn lên, những đứa trẻ ở Noọng Ó sẽ có đủ bản lĩnh để sống một cuộc sống lành mạnh, đủ chất “đề kháng” để không bị ma túy dụ dỗ, để tìm lại cuộc sống sung túc, yên bình mà người lớn đã đánh mất. 

"Cùng với sự thức tỉnh và khát vọng của bà con dân bản, hy vọng Noọng Ó sẽ sớm hồi sinh".

Phó Chủ tịch UBND xã Kha Văn Moọc

Một ngày với những vui buồn ở Noọng Ó, trước lúc cưỡi “ngựa sắt” rời thung lũng, Phó Chủ tịch UBND xã Kha Văn Moọc chia sẻ: “Xã đã có kế hoạch tiếp tục nâng cấp đường giao thông, sắp tới Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới và có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh truy quét, trấn áp tội phạm ma túy. Cùng với sự thức tỉnh và khát vọng của bà con dân bản, hy vọng Noọng Ó sẽ sớm hồi sinh”.

Tin mới