NSND Thái Bảo: 'Thăm Bến Nhà Rồng' chính là mốc son chói lọi trong cuộc đời ca sỹ của tôi

(Baonghean.vn) - Là nghệ sỹ được mệnh danh là người hát hay nhất, nhiều nhất ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, NSND Thái Bảo cũng là người đầu tiên hát bài hát "Thăm Bến Nhà Rồng" của nhạc sỹ Trần Hoàn, ca khúc sống mãi cùng năm tháng trong nhiều thế hệ khán giả.

PV Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với chị để hiểu thêm về xúc cảm và cơ duyên khi chị được nhạc sỹ Trần Hoàn tin tưởng giao phó là người đầu tiên thể hiện ca khúc này, một ca khúc mà ông dành nhiều tâm huyết, tình cảm.


PV: Xin chào NSND Thái Bảo, không biết bao nhiêu lần tôi được nghe ca khúc "Thăm Bến Nhà Rồng", sáng tác của nhạc sỹ Trần Hoàn do chị thể hiện và không hiểu sao lòng vẫn rưng rưng xúc động như lần đầu tiên được thưởng thức trên sóng truyền hình. Xin hỏi chị đã thể hiện bài hát này lần đầu tiên vào năm nào, và cơ duyên nào nhạc sỹ Trần Hoàn chọn chị là người “mở màn” cho ca khúc vô cùng tình cảm về Bác Hồ kính yêu?

NSND Thái BảoĐó là vào năm 1990, ngày đó tôi hãy còn mới vừa đôi mươi, mới đầu quân vào Đoàn ca múa Trung ương với bao bỡ ngỡ. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày đầu chú Trần Hoàn đưa cho tôi bản nhạc bài hát này và tỏ ý không tin tưởng, chú bĩu môi trêu đùa “mày hát bài này có mà như Tây hát chèo ý”, thế nhưng không hiểu sao chú vẫn giao cho tôi. Tôi cầm bản nhạc và nghe chú nói cặn kẽ về ý tưởng, tư tưởng chủ đạo của ca khúc cũng như cách hát,  yêu cầu xúc cảm của ca sỹ thể hiện. Và lúc đó tôi xin chú 1 tuần để thẩm thấu ca khúc và hứa sẽ mang nó đi thi và giành giải cao.

Sự hứa hẹn của tôi cũng chính là sự quyết tâm khi mới ngân nga mấy câu đầu tôi đã cảm thấy bài hát này chính là ca khúc mà tôi ao ước được thể hiện. Bởi nó là sự xúc cảm sâu sắc của người hát bắt gặp tình cảm của mình qua những câu từ, giai điệu. Và những luyến láy những nốt khó của ca khúc tôi đã xử lý tròn trịa khi nó không còn là ca khúc mà nó là tiếng lòng là tình cảm của một người con quê Bác được hát về Bác, được kể câu chuyện về Người.

Ca khúc này có âm hưởng dân ca Nam bộ, tôi là người miền Trung nên việc xử lý nó ban đầu cũng không phải là sở trường của mình. Thế nhưng tôi đã nói, khi đã yêu thích, đã say mê và đã quyết tâm thì không gì là không thể. Bạn có thể hát bằng năng khiếu nhưng nếu không có tiếng lòng của mình trong những câu hát đó thì ca khúc không thể là của bạn.

 

Nói vậy thì bạn hiểu được, khi hát ca khúc này tôi đã khóc, không chỉ lần đầu mà rất nhiều lần trên các sân khấu, trong các không gian và đối với các thế hệ khán giả khác nhau. Mỗi lần được kể câu chuyện về Bác bằng âm nhạc này trong tôi là cả niềm yêu kính vô bờ bến, từ đó nó như là tiếng lòng trong trái tim tôi.

Đó có lẽ là sự thành công ngoài mong đợi của mình khi ca khúc sau đó đã giành giải Nhất Hội diễn ca múa chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 với điểm số thuyết phục.

MV "Thăm Bến Nhà Rồng" với giọng hát của NSND Thái Bảo. MV: NVCC

PV: Vậy nhạc sỹ Trần Hoàn có hài lòng khi nghe chị hát bài này không? Ông có muốn rút lại lời mà ông từng nói với chị trong ngày đầu tiên giao bài cho chị không?

NSND Thái Bảo: Nhạc sỹ Trần Hoàn là người kỹ tính, ông cũng không hay dành tặng lời khen cho ai. Sau khi tôi được giải bài hát này ông cũng chỉ tỏ ý hài lòng, qua ánh mắt, cử chỉ và đặc biệt lúc nào có cuộc giao lưu nào cần người thể hiện bài hát "Thăm Bến Nhà Rồng" ông đều bảo tôi đi hát. Với tôi đó là sự ghi nhận của ông, là cách ông thể hiện rằng ông đã tin tưởng, đã thấy tự hào khi bài hát của ông được chắp cánh.

Phải nói thêm rằng, một tác phẩm âm nhạc ra đời trên khuông nhạc cũng giống như một tấm vải đẹp. Nhạc sỹ cần phải chọn được ca sỹ thể hiện để tấm vải đó có được những chiếc váy, chiếc áo đẹp mắt, độc đáo, giàu tính sáng tạo và ưng ý nhất. Ca sỹ nếu chỉ tuân thủ những truyền đạt và ý tưởng của nhạc sỹ mà không tìm tòi thêm, không đặt cái tôi tâm huyết của mình vào đó thì tác phẩm cũng không có bản sắc riêng, cũng chưa chắc đã đi vào lòng khán giả, chưa chắc đã có sức sống theo thời gian.

Lại nói về "Thăm Bến Nhà Rồng", khi nhuyễn tác phẩm này, tôi lại muốn mình phải chuyển tải bài hát một cách khác, có tính sáng tạo hơn. Khi tôi trình bày ý tưởng mình sẽ hát với đàn bầu với NSND Chu Thúy Quỳnh, chị đã đồng ý và dàn dựng thêm “8 cô thập lục” nên tạo ra màn biểu diễn hết sức ấn tượng ở thời điểm đó. Và sau này mỗi khi nhắc đến Thái Bảo người ta lại gắn tôi với "Thăm Bến Nhà Rồng" và chiếc đàn bầu.

 

PV: Vậy chị hát "Thăm Bến Nhà Rồng" bao nhiêu năm rồi và mỗi lần lên sân khấu với nhạc phẩm này cảm xúc của chị vẫn như lần đầu hay có những trưởng thành hơn trong cảm xúc?

NSND Thái BảoBây giờ nếu nói hát về Bác mà ca sỹ có thể khóc được, khóc trên sân khấu, khóc khi thu thanh thì nghe có vẻ khó tin, nghe chừng như là sáo rỗng, nhưng với chúng tôi, những người con sinh ra trên mảnh đất nắng gió miền Trung thì khi hát về Bác chính là hát về người thân, là quê hương là cha mẹ, là cả tuổi thơ của mình. Vậy nên hình ảnh trong ca từ trong nhạc điệu nó gợi cho mình sự thân yêu gần gũi, vĩ đại mà dung dị, hình ảnh của vị cha già vì con dân mà nguyện hy sinh cả cuộc đời mình.

Thế nên, mỗi lần lên sân khấu là mỗi lần mình hát với một cảm xúc khác nhau, bởi không gian khác, công chúng khác và tâm trạng mình cũng có thể khác. Nhưng cái khác nhau đó nó lại có điểm chung là mình đang kể một câu chuyện về Bác kính yêu, câu chuyện xúc động với: Tôi đến Bến Nhà Rồng một chiều xuân nắng tỏa/ Qua hàng dừa tóc xõa nhìn sông nước xôn xao/ Tiếng còi tầm ôi da diết làm sao/ Tưởng con tàu rời xa bến năm nào. Câu chuyện đó được kể với những xúc cảm da diết nhớ thương: Bùi ngùi xót xa về những ngày qua, lúc cập thuyền ai đã tiễn Người đi/ hay chỉ một mình Bác khăn gói biệt ly. Những câu từ này hỏi sao không rơi nước mắt, sao không bùi ngùi xót xa cho được!

 

Hơn 30 năm qua, không tính những ngày sân khấu buông rèm vì dịch dã, hầu như đêm nào tôi cũng được khán giả yêu cầu hát bài này, thế mà tôi không thấy nhàm, không thấy cạn bớt cảm xúc, có lẽ đó là bài ca đi cùng năm tháng suốt cuộc đời mình.

PV: Vâng thưa chị, nhiều khán giả nói rằng, chị là người thể hiện hay nhất các ca khúc về Bác, chị nghĩ sao về điều này?

NSND Thái Bảo: Tôi cũng không dám nhận danh hiệu này vì còn nhiều người tiền bối hát hay các ca khúc về Bác, nhưng tôi dám chắc rằng tôi là người truyền tải tốt về tình cảm của một người con khi nghĩ về vị Cha già của dân tộc, và điều này đã chạm đến tâm can khán giả, những người luôn muốn được thấy hình ảnh Bác qua các tác phẩm âm nhạc.

PV: Xin cảm ơn về cuộc trò chuyện này!

Sinh ra trong một gia đình trí thức ở thành phố Vinh - Nghệ An, Thái Bảo xa nhà từ năm 10 tuổi.  Năm 1975, Thái Bảo vừa theo học đàn bầu, vừa học văn hóa tại Trường Âm nhạc Việt Nam.

Sau đó, chị được phát hiện có chất giọng trầm khàn đặc biệt và 17 tuổi, Thái Bảo trở thành nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Trung ương, đứng chung sân khấu cùng với những tên tuổi như: NSND Thu Hiền, NSND Thanh Huyền, Kiều Hưng, Ái Vân, Lệ Quyên, Quang Thọ... Chị được phong tặng danh hiệu NSND năm 2016.

 

Thái Bảo là một ca sĩ luôn tìm tòi, sáng tạo và làm mới mình. Bên cạnh giọng hát đặc biệt chị luôn tạo dựng cho mình một lối hát riêng, một hình ảnh riêng để không bị lẫn với ai khác.

Rất nhiều bài hit của chị đã đi vào lòng công chúng như: Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Vết chân tròn trên cát, Thăm Bến Nhà Rồng, Mùa Xuân bên cửa sổ, Thời hoa đỏ… Năm 2018, NSND Thái Bảo cho ra mắt CD “Giấc mơ vô thường” gồm 10 ca khúc như: Sang ngang, Bài không tên số 2, Thu sầu, Ướt mi, Bài không tên số 4, Mùa Đông của anh, Cho người tình lỡ, Nửa hồn thương đau, Bài không tên cuối cùng, Niệm khúc cuối (song ca cùng Tùng Dương) được khán giả đón nhận với tình cảm trân trọng.

Tin mới