“Múa cho tôi được khám phá bản thân”

Đức Nghĩa bén duyên múa từ những năm 90 của thế kỷ trước. Dạo đó Nghĩa là người đồng bào dân tộc Thái nên việc mong muốn được hoạt động trên con đường nghệ thuật tưởng như khá xa vời. Nhân một lần Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh tuyển diễn viên ca và múa, Đức Nghĩa mạnh dạn dự thi với tâm thế thi cho vui, thi để thử sức. Thật không ngờ lãnh đạo đoàn đã nhìn thấy tiềm năng trong chàng trai chân chất nhưng có khuôn hình sáng, vóc dáng cân đối này. Nghĩa nhận được giấy báo trúng tuyển mà như lên mây, anh không ngờ mình là người con vùng cao lại có cơ hội được đứng trên sân khấu lớn. Vậy là từ bỏ những dự định của gia đình về tương lai một kỹ sư, kế toán…, Nghĩa tay nải xuôi thành phố học làm diễn viên ca múa.

“Ban đầu tôi không nghĩ mình theo nghiệp múa nhưng khi đầu quân cho đoàn, tôi được thử sức cả 2 ngành chuyên môn thì được đánh giá tôi có năng khiếu hơn ở bộ môn múa. Và sau khi được tham gia một số vở diễn với những vai nhỏ, tôi được gửi đi đào tạo tại Trường Cao đẳng Văn hóa Quân đội”. “Càng học càng say, càng thấy mình thực sự chọn được điều mà mình yêu thích và thể hiện được năng khiếu tiềm tàng trong mình.” Thế nhưng, múa vốn là bộ môn nặng nhọc nếu không nói là hiểm nguy luôn rình rập, bởi nó là một trong những bộ môn thử thách độ dẻo dai của cơ thể. “Việc bị giãn cơ giãn dây chằng thậm chí gãy chân, tay, lật sơ-mi cổ chân là chuyện thường trong tập luyện múa, đặc biệt là đối với múa nam, bởi trong các vở múa lớn thường có bê đỡ nhưng lại phải chuyển động cách điệu theo nhạc. Thế nhưng, chúng tôi không nản, có lẽ vì đam mê.” Đam mê là bởi lẽ ngay từ đầu Nghĩa không hình dung được anh lại được đứng trên sân khấu với những lung linh đèn màu, với những tiếng vỗ tay tán thưởng, và được thể hiện những hiểu biết của mình bằng ngôn ngữ cơ thể.

“Đi học múa lúc 15 tuổi, cũng là cái tuổi một thiếu niên đang lớn, nhưng dù phải chịu nhiều vất vả khi bước vào nghề, tôi vẫn một lòng, một dạ nói với mình phải bám trụ bằng được. Dù mỗi bữa cơm chỉ được ăn suất 2.000 đồng, chưa hết buổi đã đói cồn cào, vì cường độ tập luyện rất nặng so với lứa tuổi chúng tôi, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định rẽ hướng”, NSƯT Đức Nghĩa nói.

Và sau này Đức Nghĩa thường nói rằng không có chữ duyên thì anh không bao giờ biết múa và càng không bao giờ nghĩ mình theo nghiệp này.

Tốt nghiệp xuất sắc ngành múa, Đức Nghĩa đầu quân lại Đoàn Ca múa dân tộc và liên tục được giao những vai múa chính. Đó là những vai diễn trong các tác phẩm đặc tả tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương qua những thông điệp và ý tưởng của các biên đạo tầm cỡ. “Hễ cứ có vai nào phải bê đỡ nhiều, phải thực hiện các động tác khó nguy hiểm là tôi lại được giao vai”, Nghĩa nói.

Theo anh, múa cần hội tụ nhiều yếu tố gồm ngôn ngữ cơ thể, động tác và ngôn ngữ biểu diễn. Trong đó, yếu tố kỹ thuật chiếm phần cơ bản nhưng nếu không khổ luyện thì các kỹ thuật mình nắm được cũng “trôi tuột” và không thể làm lại nhiều lần. Hơn nữa ngoài yếu tố kỹ thuật còn cần sự sáng tạo của người nghệ sỹ. Sự sáng tạo không phải có được ngày một, ngày hai, cũng không phải muốn là sở hữu được nó, mà cần sự học hỏi không ngừng từ các biên đạo, từ các bạn diễn và từ sự thẩm thấu nghiên cứu mỗi tác phẩm múa từ góc độ văn học và từ hiểu biết trong đời sống.

Đức Nghĩa kể, trong hơn 30 năm làm nghề anh đã trải qua nhiều dạng vai, có cả vai chính trữ tình, có cả vai phụ chỉ là một lão nông, là một già làng, cũng có khi chỉ là một quần chúng trộn lẫn vào đám đông. Ấy nhưng, không dạng vai nào anh cho phép mình được thể hiện qua quýt, chỉ theo ý tưởng tác giả, mà anh thường dày công nghiên cứu để cho ra đời một nhân vật múa có bản sắc, và gây được hiệu ứng lớn trên sân khấu. “Thường sau khi về nhà tôi lại tự luyện trong gương, từ nhịp điệu động tác đến sắc thái khuôn mặt, biểu cảm ánh mắt. Luyện đến lúc nào cảm thấy hài lòng mới thôi”, Đức Nghĩa nói.

Múa không như kịch, càng lại không như hát, nó là một dạng nghệ thuật biểu diễn mà nhiều khi nhân vật chính thường trộn lẫn vào một tập thể. Thế nhưng, nếu để chạm đến người xem, nếu điểm tiệm cận gần nhất giữa giá trị giải trí và giá trị nghệ thuật hưởng thụ thì múa đã thực sự hoàn thành sứ mệnh của mình. Bởi người xem có thể cảm nhận được giá trị văn học thông qua một tác phẩm múa nhưng cũng rất dễ bị mê hoặc bởi những ngôn ngữ hình thể của diễn viên thể hiện. Múa không dễ dãi với bất kỳ ai, vì thế với Đức Nghĩa thực sự là một nghề mà đòi hỏi niềm đam mê, sự dấn thân và cả những hy sinh thầm lặng.

Chặng đường hơn 30 năm làm nghề của Đức Nghĩa không có nhiều huy chương rực rỡ như những nghệ sỹ ở bộ môn khác, khi giành được 2 HCV, 1 HCB trong các hội thi, hội diễn. Trong đó “Dệt lụa” (biên đạo Kiều Lê), “Truyện ông kể” là những tác phẩm mà anh tâm đắc nhất. “Truyện ông kể” nói về một vị anh hùng đứng lên che chở bảo vệ dân làng trước những đói nghèo và cơ cực bao trùm. Điều đáng nói ngoài việc lột tả được chân dung vị anh hùng này, người nghệ sỹ múa phải thực hiện rất nhiều kỹ thuật khó và nguy hiểm. “Phải diễn trên 6 cái thang như một diễn viên xiếc thật sự, đòi hỏi sự khổ luyện trong lúc tập và sự tập trung cao độ khi biểu diễn mới lột ta được chân dung nhân vật thông qua ngôn ngữ hình thể”, Đức Nghĩa chia sẻ.

Khi đã có tuổi, NSƯT Đức Nghĩa đã chọn cho mình con đường đi chậm rãi chắc chắn nhưng không xa rời niềm đam mê. Anh vẫn múa nhưng cũng đồng thời nhận dàn dựng nhiều tác phẩm do đoàn giao phó. “Vì đã có nhiều năm kinh nghiệm và được học hành bài bản nên tôi cũng khá tự tin ở vai trò dàn dựng. Chỉ mong sao nghệ thuật chuyên nghiệp ở tỉnh nhà sớm có được cơ chế xã hội hóa để anh chị em nghệ sỹ có thêm nhiều đất diễn, đồng thời có được những nguồn kinh phí giúp cho nghệ thuật múa sống khỏe hơn”, NSƯT Đức Nghĩa cho biết.