Nữ VĐV Hồ Thị Hào với niềm đam mê môn đấu vật

(Baonghean.vn) - Chưa là một vận động viên nổi tiếng, chưa gặt hái được nhiều thành tích cao, nhưng đức tính khiêm nhường, ham học hỏi, kỷ luật và khao khát cống hiến của vận động viên Hồ Thị Hào khiến người khác tin vào thành công của những người trẻ có đam mê, dù xuất phát điểm của họ ở đâu.

Những cái nôi thể thao

Cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng tinh thần thể dục thể thao cho Hồ Thị Hào (sinh năm 2004) chính là gia đình và quê hương của mình.

Bố mẹ làm nông nghiệp, ngày từ nhỏ, anh em Hào đã sớm làm quen với những công việc đồng áng như dậy sớm, cày cấy, chăn trâu, bổ củi, gánh lúa… Từ những công việc lao động, những nền nếp trong sinh hoạt hàng ngày, anh em Hào rèn luyện được một thể lực tốt với sức khỏe dẻo dai. Ngay cả những ngày về quê ăn Tết này, Hào vẫn duy trì lịch tập luyện như ở trung tâm và tranh thủ ra ruộng giúp mẹ dắm lúa.

Ở nhiều xã của huyện Đô Lương, người dân rất hào hứng tham gia thi đấu thể thao vào các ngày hội dịp đầu năm. Ảnh tư liệu: Huy Thư
Ở nhiều xã của huyện Đô Lương, người dân rất hào hứng tham gia thi đấu thể thao vào các ngày hội dịp đầu năm. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Bên cạnh đó, người dân xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương - quê Hào rất coi trọng văn hóa, thể dục thể thao. Mỗi độ Tết đến, Xuân về, người dân trong xóm, trong xã lại nô nức hòa mình vào những trận bóng, trận cầu, đấu vật, đầy gậy… sôi nổi. Tinh thần với thể thao này là nền tảng để trong xã đã có đến 7 vận động viên chuyên nghiệp, trong đó, riêng tại xóm 4 của Hào đã có 3 người.

Hào kể: “Bố mẹ và anh trai em chơi thể thao rất giỏi. Năm nào các thành viên trong gia đình cũng tham gia những cuộc giao lưu thể thao đầu Xuân. Nó không chỉ mang ý nghĩa rèn luyện sức khỏe mà còn là nét văn hóa truyền thống của người dân nơi đây”. Chính văn hóa thượng võ và tinh thần thể thao đó đã trở động lực để đưa Hào đến với quyết định trở thành một vận động viên đấu vật chuyên nghiệp.

Ảnh:
Là con gái nhưng Hồ Thị Hào sớm xác định cho mình mục tiêu trên con đường trở thành vận động viên đấu vật chuyên nghiệp. Ảnh: NVCC

Năm 2018, trong một lần về Đô Lương tuyển sinh, các Huấn luyện viên của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh đã nhìn thấy tiềm năng thể thao của cô học sinh cao ráo, sáng sủa là Hào. Sau 2 bài kiểm tra, Hào được thông báo đủ điều kiện để theo học bộ môn đấu vật tại trung tâm. Đón nhận kết quả này, gia đình Hào vỡ òa trong niềm vui bất ngờ. Hào háo hức khăn gói theo bố mẹ xuống Vinh nhập học tại trường mới - đây chính là cái nôi tiếp theo nuôi dưỡng đam mê thể thao của em.

Nỗ lực trên chặng đường chuyên nghiệp

Khi ở nhà, đảm đang, chững chạc là thế, nhưng xuống Vinh, ngay khi chuyến xe chở bố mẹ về quê vừa lăn bánh, nước mắt Hào cứ thế rơi không ngừng. Cảm giác tủi thân, cô đơn lúc đó, đến bây giờ Hào vẫn nhớ rất rõ. 14 tuổi, Hào bước vào căn phòng của mình tại ký túc xá của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh trong tâm thế của một người em út.

Hồ Thị Hào luôn ý thức được tầm quan trọng của rèn luyện và kỷ luật trong đời sống. Ảnh: NVCC
Hồ Thị Hào luôn ý thức được tầm quan trọng của rèn luyện và kỷ luật trong đời sống. Ảnh: NVCC

Đã quen với nếp sinh hoạt kỷ luật khi còn ở nhà, Hào dễ dàng thích nghi với thời gian biểu của trung tâm. Vốn là một cô bé gọn gàng, ngăn nắp, chăm chỉ, lễ phép, cô em út nhanh chóng hòa nhập với các chị trong phòng và được mọi người ở lớp học yêu quý. “Thời gian đầu làm quen, chế độ tập luyện cũng như yêu cầu của các thầy chưa cao nên em không cảm thấy quá khó. Tuy nhiên, khi bước vào chương trình chính thức, em mới thấm hết được sự khổ luyện, vất vả mà các vận động viên chuyên nghiệp phải trải qua và vô cùng ngưỡng mộ những đàn anh, đàn chị của mình” – Hào thổ lộ.

Một trong những kỷ niệm khó quên nhất của Hào trong thời gian đầu tập luyện chính là bài tập xà đơn, xà kép để nâng cao thể lực. Như một thử thách, Hào buộc phải hoàn thành bài tập này với cường độ cao hơn trước đó rất nhiều. Liên tục tập xà trong thời gian lâu, da tay của Hào trầy xước đến chảy máu, từng cử động trên thanh xà đều khiến cả bàn tay tê rần, bỏng rát. Tất cả mọi người đều biết điều này, Hào chờ đợi một ai đó sẽ nói mình dừng lại và đi băng bó vết thương nhưng không có ai cả. Gồng mình hoàn thành bài tập, Hào vội vã trở về phòng, bật khóc với suy nghĩ từ bỏ con đường này. Hào nhớ lại: “Lúc đó em đã gọi cho gia đình và muốn bố mẹ đón mình về. Nhưng rồi em nhận ra, đây chính là thử thách của thầy cô để xem mình có thể vượt qua được hay không. Nếu không thể chiến thắng cảm giác uất ức, đau đớn, mình vĩnh viễn không bao giờ có được thành công. Nghĩ vậy, em quyết định ở lại và sẵn sàng cho những thử thách tiếp theo”.

Hào và các chị em cùng phòng ký túc xá. Ảnh: NVCC
Hào và các chị em cùng phòng ký túc xá. Ảnh: NVCC

Vậy là, Hào tiếp tục ở lại trung tâm với một sự kiên trì, bền bỉ đáng nể, cần mẫn với lịch tập luyện, lần lượt chinh phục những kỹ thuật khó như gồng, quấn, sườn, giắt bốc, gảy chân, ném…, bình thản vượt qua những tai nạn trong tập luyện. “Thật may mắn vì em đã ở lại vì nhờ thế mà em có thêm một mái nhà với các anh chị vô cùng tốt bụng, sẵn sàng hỗ trợ, luôn bảo ban, chỉ dạy cho mình” – Hào xúc động.

Sau 4 năm rèn luyện tại trung tâm, cô em út của phòng ký túc xá ngày xưa nay đã trở thành một chị cả mẫu mực của các em khóa sau, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ các em vượt qua những thử thách. Nhắc đến chặng đường sắp tới, Hào trải lòng: “Giấc mơ trở thành một vận động viên chuyên nghiệp và gắn bó lâu dài với trung tâm là giấc mơ chung của tất cả những vận động viên ở đây. Tuy nhiên, cơ hội không nhiều và cơm áo gạo tiền khiến nhiều anh chị phải từ bỏ giấc mơ này, đó là điều vô cùng đáng tiếc. Bản thân em luôn mong rằng mình sẽ đủ năng lực và bản lĩnh để biến giấc mơ đó thành hiện thực”.

Vận động viên trẻ Hồ Thị Hào. Ảnh: NVCC
Vận động viên trẻ Hồ Thị Hào. Ảnh: NVCC

Bước sang năm mới, cô gái trẻ của đội tuyển vật Nghệ An đặt mục tiêu nỗ lực hơn nữa, chăm chỉ hơn nữa để mang thêm thành tích về cho quê hương. Với sự khiêm tốn, ham học hỏi và quyết tâm lớn, tôi tin Hào sẽ không dừng lại ở thành tích Huy chương Đồng môn Vật tự do lứa tuổi 16, 17, hạng cân 61 kg tại giải vô địch trẻ Vật cổ điển, Vật tự do toàn quốc.

Tin mới