Nữ VĐV Taekwondo và ước mơ cô giáo mầm non

Duyên dáng, mảnh mai và ẩn chứa nét dịu dàng, Phạm Thị Quỳnh Trang và Vi Thị Quỳnh - nữ sinh ngành Giáo dục Mầm non luôn được các bạn nam ngưỡng mộ. Nhưng ít ai ngờ, cặp đôi này là những vận động viên Taekwondo với thành tích đáng nể, khiến các “đấng mày râu” không thể xem thường.

Trang sinh ra và lớn lên ở xã Nghi Trung (Nghi Lộc), còn Quỳnh là cô gái Thái vùng Mường Choọng, xã Châu Lý (Qùy Hợp). Sinh ra ở hai vùng quê khác nhau nhưng hai cô gái này có nhiều nét tương đồng: Sinh cùng năm (1997); chiều cao tương đương (1,72m); cùng đam mê thể thao, võ thuật và hiện tại cả hai đang là sinh viên năm thứ 2, chuyên ngành Giáo dục Mầm non (Trang học tại CĐSP Nghệ An, Quỳnh học Đại học Vinh). Vì lẽ đó, gần 5 năm nay họ trở thành đôi bạn thân thiết.

Khi gặp Trang và Quỳnh trong tà áo dài thướt tha rảo bước trên giảng đường hay chứng kiến vẻ dịu dàng, tận tụy chăm sóc trẻ trên lớp thực tập, ai cũng bảo rằng hai cô gái ấy được sinh ra để thực hiện phận sự của người “mẹ hiền”. Đặc biệt, với nét duyên mặn mà trên ánh mắt, nụ cười của Trang và vẻ phúc hậu cùng cặp kính cận của Quỳnh, nhiều người khẳng định họ đã chọn đúng nghề để đi đến tương lai.
Nhưng khi chứng kiến Trang, Quỳnh trong phòng tập Taekwondo với những đường quyền sắc nét và cú tung cước mạnh mẽ, dứt khoát, người xem phải trầm trồ thán phục sức mạnh của hai cô gái tưởng chừng như “chân yếu tay mềm”. Nhất là khi được xem bộ sưu tập huy chương, thể hiện thành tích thi đấu trong mấy năm qua, không ít người khẳng định họ theo đuổi con đường võ thuật là thật sự sáng suốt.

 

“Em đam mê võ thuật từ khi còn bé, xem ti vi thấy các vận động viên nữ thi đấu mà mê tít, từ đó nuôi mơ ước trở thành VĐV. Một thời gian sau, Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện mở lớp Karatedo, em năn nỉ đi học và được bố mẹ đồng ý với lý do để rèn luyện sức khỏe trong thời gian 4 năm. Đó cũng là cơ duyên đến với võ thuật của em” – Phạm Thị Quỳnh Trang tâm sự.
Năm 2012, Quỳnh Trang có mặt trong đội hình VĐV của huyện Nghi Lộc tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh, thi đấu bộ môn điền kinh. Phong thái, tinh thần và kỹ thuật thi đấu của nữ sinh THCS này đã lọt vào “mắt xanh” của các huấn luyện viên (HLV) bộ môn Taekwondo thuộc Trung tâm Huấn luyện Thể thao tỉnh.
Trang cho biết thêm: “Khi được tuyển vào Trung tâm Huấn luyện Thể thao, ban đầu phải giấu bố, chỉ cho mẹ biết, đến khi hoàn tất thủ tục mới báo với bố. Vậy mà bố vẫn nhất mực phản đối, vì cho rằng con gái không nên theo con đường võ thuật, tốt nhất là trở thành cô giáo dịu hiền, nết na. Phải nhờ đến thầy cô giáo và họ hàng đến thuyết phục, cuối cùng bố mới đồng ý”.
Quãng đường 7 năm kể từ khi gia nhập làng Taekwondo, Phạm Thị Quỳnh Trang đã kịp gom cho mình bộ sưu tập huy chương đủ các màu. Có thể kể đến chiếc HCV giải Taekwondo trẻ toàn quốc và giải Achievement tại Nhật Bản; HCB giải Vô địch Taekwondo toàn quốc và nhiều HCĐ tại các giải đấu khác.

Còn Vi Thị Quỳnh lại đến với võ thuật một cách khá tình cờ. Quỳnh chia sẻ: “Năm 2014, em là VĐV của đoàn Qùy Hợp tham dự Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh thi đấu bộ môn Bóng đá nữ, ở vị trí thủ môn. Giải đấu kết thúc, em nhận được giấy gọi của Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh”.
Nghĩa là, giống như Quỳnh Trang, cô gái Mường Choọng được các HLV Taekwondo lựa chọn vào Trung tâm để tập luyện và thi đấu lâu dài. Sau 5 năm gia nhập làng Taekwondo, Quỳnh đã tham gia nhiều giải đấu quan trọng. Thành tích chưa thật nổi bật như người bạn đồng niên nhưng cô gái Thái này cũng đã sở hữu chiếc HCĐ Đại hội TDTT Toàn quốc, giải Taekwondo trẻ toàn quốc và Cúp các CLB mạnh.

Trở thành học viên của Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh, Quỳnh và Trang vừa tập luyện võ thuật, vừa theo học chương trình văn hóa. Tốt nghiệp THPT, trong khi nhiều bạn bè đăng ký học tiếp chuyên ngành TDTT, riêng đôi bạn trẻ này quyết định lựa chọn ngành Giáo dục Mầm non. Và nay, Trang đã đi gần được 2/3 chặng đường, chặng đường của Quỳnh cũng đã gần được ½.
Khi được hỏi có hay không sự khác biệt, thậm chí trái ngược giữa một VĐV võ thuật và cô giáo mầm non tương lai, Quỳnh Trang đáp lời: “Nhiều người đã hỏi em câu này, ai cũng nghĩ rằng VĐV võ thuật cần mạnh mẽ, rắn rỏi để tập luyện và thi đấu. Còn cô giáo mầm non phải luôn mềm mại, dịu dàng để cưng nựng trẻ nhỏ.
Điều này là có thật, nhưng ở một chiều hướng khác, VĐV cũng cần sự mềm mại, uyển chuyển và tinh tế mới có cơ hội ghi điểm trước đối thủ. Cũng như cô giáo cũng cần phải có đủ sức khỏe mới hoàn thành tốt công việc. Hơn nữa, dù là VĐV nhưng em vẫn là phụ nữ, mà dịu dàng là bản tính của phụ nữ”.

Cũng với câu hỏi ấy, Vi Thị Quỳnh chia sẻ: “VĐV thể thao thường chỉ có một thời, qua thời sung sức phong độ sẽ dần giảm sút. Em lựa chọn chuyên ngành mầm non trước tiên là vì tình yêu dành cho trẻ nhỏ, bởi lẽ, đã là phụ nữ hầu như ai cũng thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. Cùng với đó, em cũng muốn có được tấm bằng chuyên môn, để khi chia tay võ thuật sẽ tìm được một công việc hợp lý, cuộc sống đỡ phần hụt hẫng, chông chênh”.
Ở tuổi 22, với Phạm Thị Quỳnh Trang và Vi Thị Quỳnh, sự thành công và những điều thú vị đang đợi chờ ở phía trước. Giờ đây, hai cô gái đang nỗ lực để thực hiện tốt cả hai vai – VĐV Taekwondo và sinh viên Giáo dục Mầm non. Không có vai nào thật sự nhẹ nhàng, một bên cần gắng sức tập luyện các đường quyền để theo kịp bạn bè; một bên cần “dùi mài kinh sử” và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Một buổi lên giảng đường hay đi thực tập sư phạm, buổi còn lại ra sức luyện tập võ thuật. Nếu công việc ở trường bận cả ngày, đêm về Trung tâm huấn luyện, Quỳnh và Trang phải tập bù, có khi một mình đứng trong sân tập khi đêm đã về khuya. Những ngày như thế toàn thân rã rời, không có chút thời gian dành cho bạn bè hay về thăm gia đình chứ chưa nói tới việc dạo phố hay mua sắm.

Chúng tôi rời lớp Taekwondo, Quỳnh và Trang tiếp tục với việc luyện tập, với những đường quyền mạnh mẽ và uyển chuyển, mồ hôi chảy ướt đẫm trên khuôn mặt thanh tú. Hai cô gái đang ở độ tuổi dạt dào sức sống và đang nỗ lực dấn thân đi trên con đường dẫn đến thành công…