Núi lửa lớn nhất châu Âu đang 'trôi' dần xuống biển

Núi Etna ở Italy, núi lửa lớn nhất và hoạt động mạnh nhất ở châu Âu, đang chậm rãi dịch chuyển về phía biển Địa Trung Hải.
Núi lửa lớn nhất châu Âu đang 'trôi' dần xuống biển ảnh 1

Các đợt phun trào của núi lửa Etna thường kéo dài nhiều tháng. Ảnh: Corbis.

Núi lửa Etna nằm trên đảo Sicily của Italy tiến dần ra biển Địa Trung Hải với tốc độ khoảng 14 mm mỗi năm, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh đăng trên tạp chí Bulletin of Volcanology hôm 23/3, BBC đưa tin. Nhóm nghiên cứu cho biết họ cần tiếp tục theo dõi chuyển động từ từ của ngọn núi lửa bởi hiện tượng có thể dẫn tới những vụ sạt lở đất và ảnh hưởng đến dự báo phun trào trong tương lai.

"Tôi cho rằng hiện nay không có lý do nào để cảnh giác, nhưng đây là hiện tượng chúng ta cần để mắt tới, đặc biệt để xem chuyển động này có gia tăng về tốc độ hay không", tiến sĩ John Murray, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Nhà địa chất học ở Đại học Mở tại Milton Keynes, Anh, dành gần nửa thế kỷ nghiên cứu ngọn núi lửa mạnh nhất châu Âu. Trong thời gian đó, ông đã đặt một mạng lưới trạm định vị vệ tinh (GPS) có độ chính xác cao quanh ngọn núi để theo dõi chuyển động của nó. Mạng thiết bị này rất nhạy đối với những thay đổi tính bằng milimet ở hình dáng của chóp núi lửa. Theo Murray, dữ liệu 11 năm chỉ rõ ngọn núi đang di chuyển theo hướng đông nam - đông, trên đường hướng đến thị trấn ven biển Giarre ở cách đó khoảng 15 km.

Núi Etna đang trượt xuôi theo một dốc thoải 1 - 3 độ. Điều này có thể xảy ra bởi ngọn núi nằm trên một nền trầm tích yếu dễ biến dạng. Nhóm của tiến sĩ Murray tiến hành những thí nghiệm để minh họa quá trình hiện tượng xảy ra. Họ tin rằng đây là lần đầu tiên hiện tượng trượt nền móng của toàn bộ ngọn núi lửa đang hoạt động được quan sát trực tiếp.

Chuyển dịch 14 mm/năm hay 1,4 mét trong vòng một trăm năm dường như rất nhỏ. Nhưng các nghiên cứu địa chất học ở nhiều nơi khác trên thế giới chỉ ra những ngọn núi lửa đã ngừng phun trào trôi theo kiểu này có thể gây ra thảm họa sạt lở đất do áp lực tích tụ trong quá trình trượt.

Tiến sĩ Murray và cộng sự nhấn mạnh hiện tượng trượt như trên rất hiếm gặp và có thể mất nhiều thế kỷ, thậm chí hàng nghìn năm để phát triển đến giai đoạn chủ chốt. Hiện nay, hoàn toàn không có bằng chứng núi Etna sẽ trải qua thảm họa sạt lở và người dân địa phương không cần lo lắng.

"Tốc độ 14 mm/năm là mức trung bình và có thể khác biệt từ năm này qua năm khác", tiến sĩ Murray giải thích. "Tôi đoán điều cần để ý là liệu trong vòng 10 năm, tốc độ dịch chuyển có tăng gấp đôi hay không. Đó sẽ là một dấu hiệu cảnh báo. Nếu tốc độ giảm đi, tôi chắc chắn thực sự không có gì đáng phải lo lắng".

Tin mới