Nước Anh tổng tuyển cử sớm - ngã rẽ mới cho Brexit

(Baonghean) - Quốc hội Anh lại vừa trải qua một phiên họp đầy kịch tính kéo dài tới tận tối muộn với quyết định quan trọng là bỏ phiếu thông qua kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử sớm ngày vào ngày 12/12 tới.

Quyết định này được cho là sẽ giúp phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình Brexit, mang lại câu trả lời rõ ràng cho cả Anh và EU sau một thời gian dài mệt mỏi. Nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, chính Brexit đã làm thay đổi cục diện chính trị nước Anh, phá vỡ mối quan hệ truyền thống giữa các đảng, khiến cho cuộc bầu cử tới đây trở thành một trong những cuộc bầu cử khó dự đoán nhất trong lịch sử nước Anh.

Ván cược cuối của ông Boris Johnson

Kế hoạch bầu tổng tuyển cử sớm vào ngày 12/12 đã nhận được 438 phiếu thuận và 20 phiếu chống, vượt qua yêu cầu cần thiết là phải có 2/3 số nghị sĩ ủng hộ, tương đương với 434 phiếu. Kế hoạch tổng tuyển cử sớm còn phải đệ trình lên Thượng viện Anh xem xét. Nhưng với số phiếu ủng hộ cao như vậy, gần như chắc chắn kế hoạch này sẽ được Thượng viện thông qua. Theo quy trình, Quốc hội hiện tại sẽ bị giải tán vào ngày 6/11 để mở đường cho cuộc tổng tuyển cử.

Đây sẽ là lần đầu tiên một cuộc tổng tuyển cử tại nước Anh được tổ chức vào tháng 12 sau gần 100 năm, và cũng sẽ là cuộc tổng tuyển cử thứ 3 trong vòng 4 năm, cho thấy tình thế bất thường mà nước Anh đang phải đối diện gây ra bởi Brexit.

Quốc hội Anh bỏ phiếu thông qua kế hoạch tổng tuyển cử sớm vào ngày 12/12. Ảnh: P.A
Quốc hội Anh bỏ phiếu thông qua kế hoạch tổng tuyển cử sớm vào ngày 12/12. Ảnh: P.A

Kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử sớm của Thủ tướng Boris Johnson phải mất tới 4 lần bỏ phiếu mới vượt qua được cửa ải Quốc hội, và đây cũng là chiến thắng hiếm hoi của ông sau khi mọi kế hoạch, mọi đề xuất của ông liên tục bị Quốc hội bác bỏ. Khi Liên minh châu Âu quyết định gia hạn Brexit tới ngày 31/1/2020, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk một lần nữa nhắc nhở nước Anh về việc phải tranh thủ khoảng thời gian 3 tháng để giải quyết các vấn đề nội bộ, và Brexit không nên bị trì hoãn một lần nữa sau thời điểm này. Trong khi mọi phương án đều bị chặn đứng tại Quốc hội, tổ chức tổng tuyển cử sớm là ván cược cuối cùng của ông Boris Johnson - ván cược với “giải thưởng” là thế đa số tại Quốc hội, từ đó giúp ông có thể thúc đẩy các kế hoạch Brexit, trong đó có thỏa thuận đạt được với EU hồi tháng 10 vừa qua.

Ông Boris Johnson từng gọi việc bị ép buộc viết thư cho EU xin gia hạn Brexit là một sự hổ thẹn, đi ngược lại tuyên bố trước đó về việc “hoặc ra khỏi EU hoặc là chết”. Vì thế, nếu giành lại được thế đa số trong Quốc hội, hoàn thành Brexit đúng thời hạn vào 31/1/2020, ông Johnson sẽ thực hiện được tất cả những việc mà người tiền nhiệm Theresa May không thể, và đó là cách để ông giữ lại thể diện.

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Trong việc Quốc hội Anh thông qua kế hoạch tổng tuyển cử, không thể không nhắc đến sự thay đổi lập trường của Công đảng đối lập của ông Jeremy Corbyn. Trước đó, ông Jeremy Corbyn luôn bác bỏ đề xuất tổng tuyển cử sớm bởi bản thân ông không tự tin vào chiến thắng của Công đảng. Tuy nhiên, khi cả hai đảng đối lập là Dân chủ tự do (Lib-Dem) và Dân tộc Scotland (SNP) cùng ủng hộ tổng tuyển cử sớm, dù hai đảng này có mục đích khác là ngăn chặn Brexit, ông Jeremy Corbyn chắc chắn không muốn trở thành người “một mình một dòng nước” để hứng chịu chỉ trích của người dân Anh khi họ đã quá mệt mỏi và cần có một câu trả lời rõ ràng.

Sẵn sàng cho trận chiến lớn

Các cuộc thăm dò mới đây cho thấy, đảng Bảo thủ vẫn đang dẫn đầu về tỷ lệ tín nhiệm của cử tri với 36% ủng hộ, tiếp theo là Công đảng với 23%, Lib Dems xếp thứ 3 với 18% và đảng Brexit được thành lập chưa lâu được 12% cử tri ủng hộ. Tuy nhiên, những con số này chưa thể đảm bảo chiến thắng chắc chắn cho bất kỳ đảng nào, kể cả đảng Bảo thủ. Còn nhớ, năm 2017, bà Theresa May từng rất tự tin tổ chức tổng tuyển cử khi các cuộc thăm dò đều cho thấy đảng Bảo thủ dẫn trước Công đảng tới hơn 20%, nhưng kết cục cuối cùng lại là việc đảng Bảo thủ mất luôn thế đa số mong manh tại Quốc hội.

Dù ông Boris Johnson đang đặt cược vào một chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, nhưng tất cả những đảng khác cũng đều nhìn nhận sự hỗn loạn trong đường hướng Brexit hiện nay là một cơ hội để họ cải thiện số ghế của mình trong Quốc hội kể từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2017. Vì vậy, các đảng đều đang dồn sức cho trận chiến lớn này.

Thủ tướng Boris Johnson đặt cược vào việc giành lại thế đa số tại Quốc hội. 	Ảnh: AFP
Thủ tướng Boris Johnson đặt cược vào việc giành lại thế đa số tại Quốc hội. Ảnh: AFP

Với đảng Bảo thủ, ông Boris Johnson đã kết nạp trở lại 10 nghị sĩ trong số 21 nghị sĩ mà ông từng khai trừ hồi đầu tháng 9. Đảng Bảo thủ cũng đã triệu tập một đội ngũ cố vấn hùng hậu, trong đó có nhiều người từng tham gia các chiến dịch vận động “Ra đi” trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit hồi năm 2016. Đảng Bảo thủ tính toán rằng điều mà cử tri Anh mong muốn nhất hiện nay là Brexit được giải quyết một cách dứt điểm, không dây dưa. Trong khi đó, Công đảng và các đảng đối lập khác như Lib-Dem, SNP cũng muốn nhân cơ hội này để lôi kéo thêm các cử tri từng bỏ phiếu rời đi nhưng giờ lại hối hận, hoặc những cử tri đang lo sợ đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson có thể thúc đẩy kịch bản Brexit không thỏa thuận dẫn tới một sự chia tay đột ngột với EU.

Đảng Bảo thủ cũng có thể phải phân tán phiếu cho Đảng Brexit của ông Nigel Farage - người kịch liệt phản đối bản thỏa thuận mà ông Boris Johnson đạt được với EU, cho rằng đây là một kết cục Brexit nửa vời. Giới phân tích cho rằng, chính câu chuyện Brexit nhùng nhằng suốt hơn 3 năm qua đã làm thay đổi sâu sắc cục diện chính trị nước Anh, khiến cho cuộc bầu cử sắp tới cực kỳ khó đoán định, và không loại trừ khả năng không có một đảng nào giành được thế đa số tại Quốc hội.

Việc không thể dự đoán trước kết quả cuộc bầu cử đồng nghĩa với việc không thể dự đoán được các kịch bản cho Brexit. 

Hiện nay, vẫn còn 4 khả năng có thể xảy ra với Brexit, phụ thuộc vào các kết quả bầu cử khác nhau. Thứ nhất, nếu đảng Bảo thủ giành được đa số tại Quốc hội, ông Boris Johnson có thể đưa thỏa thuận đã đạt được với EU ra bỏ phiếu, từ đó xúc tiến kế hoạch đưa Anh ra khỏi EU trước thời hạn mới là 31/1/2019.

Những lá phiếu của cử tri sẽ quyết định tương lai Brexit. Ảnh: Daily Express
Những lá phiếu của cử tri sẽ quyết định tương lai Brexit. Ảnh: Daily Express

Khả năng thứ hai là đảng Bảo thủ vẫn giành chiến thắng nhưng không có đủ đa số tại Quốc hội, vì thế không thể bỏ phiếu thông qua bản thỏa thuận. Trong trường hợp này, kịch bản mặc định sẽ là Anh rời khỏi EU vào ngày 31/1/2019 mà không có thỏa thuận.

Thứ ba, nếu Công đảng giành chiến thắng, hoặc liên kết được với những đảng phản đối Brexit, cuộc trưng cầu ý dân có thể diễn ra. Người dân có thể một lần nữa được lựa chọn giữa ủng hộ thỏa thuận của chính phủ hoặc ở lại, hoặc lựa chọn giữa ra đi không thỏa thuận và ở lại.

Khả năng cuối cùng Brexit bị hủy bỏ, dù là đảng Bảo thủ hay Công đảng giành chiến thắng, bởi vì chính phủ mới đã quá mệt mỏi với những gì diễn ra suốt 3 năm qua. Như vậy, quyết định tổng tuyển cử sớm được coi là đã đưa tiến trình Brexit của nước Anh sang một ngã rẽ mới. Thế nhưng câu hỏi quan trọng là “rẽ đi đâu?” chỉ có thể được hé lộ sau ngày 12/12.

Tin mới