'Nước cờ' sai lầm có thể đẩy 'ván cờ' giữa Mỹ và Iran vào kết cục nguy hiểm

(Baonghean) - Tròn 1 năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran đang ngày càng trở nên căng thẳng với những động thái “điều binh” của cả 2 phía trong những ngày gần đây.

Dẫu biết rằng đây là những động thái gây sức ép của cả 2 phía với mục đích khác nhau: Mỹ là đàm phán lại, còn Iran là duy trì thỏa thuận, song dư luận vẫn không loại trừ khả năng xảy ra đối đầu quân sự nếu 1 trong 2 bên có tính toán sai lầm. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hashan Rouhani đều tuyên bố cứng rắn về khả năng đối đầu quân sự. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hashan Rouhani đều tuyên bố cứng rắn về khả năng đối đầu quân sự. Ảnh: Getty Images

Rầm rộ điều binh

Sau khi lời đề nghị đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump bị Iran thẳng thừng từ chối, Mỹ lập tức có hành động nhằm chứng tỏ tuyên bố của ông Trump về việc “không loại trừ một cuộc đối đầu quân sự do căng thẳng tăng cao”.

Hải quân Mỹ thông báo tàu sân bay hạt nhân USS Abraham Lincoln đã được điều động tới vùng Vịnh Ba Tư cùng hàng loạt tàu chiến uy lực khác như USS Arlington, USS Bainbridge, USS Mason, USS Nitze.

Mỹ cũng tuyên bố tái triển khai các đơn vị phòng thủ tên lửa Patriot tại khu vực Trung Đông, thậm chí điều động cả máy bay ném bom B-52 đến một căn cứ tại Qatar.

Đợt điều binh này sẽ bổ sung sức mạnh quân sự đáng kể cho các lực lượng Mỹ đang đồn trú tại khu vực, đồng thời được nhìn nhận là bước ngoặt mới nhất trong chiến dịch “gây áp lực tối đa” của Tổng thống Donald Trump với Iran, sau khi tìm cách cắt đứt toàn bộ đường dây xuất khẩu dầu của quốc gia Trung Đông này. 

Tàu sân bay hạt nhân USS Abraham Lincoln vượt qua eo biển Suez tới Vịnh Ba Tư Ảnh: Al Jazeera

Tàu sân bay hạt nhân USS Abraham Lincoln vượt qua eo biển Suez tới Vịnh Ba Tư Ảnh: Al Jazeera

Ở phía bên kia, Iran tỏ ra không hề chùn bước trước áp lực. Trong một bài phát biểu cuối tuần qua, Tổng thống Iran Hashan Rouhani đã kêu gọi người dân và tất cả các lực lượng Iran đoàn kết trước áp lực chưa từng có của Mỹ, vượt qua giai đoạn khó khăn không khác gì thời kỳ chiến tranh Iraq - Iran 1980-1988.

Trong khi đó, Giáo sĩ Ayatollah Tabatabai Nejad - “cánh tay phải” của lãnh đạo tối cao Ayatollah Ai Khamenei cũng tuyên bố cứng rắn tên lửa của Iran hoàn toàn có khả năng phá hủy “hạm đội tỷ đô” của Mỹ, và nếu phía Mỹ có bất kỳ động thái nguy hiểm nào, quyền quyết định sẽ không thuộc về Tổng thống theo đường lối ôn hòa Hashan Rouhani mà là thuộc lãnh đạo tối cao Ayatollah Ai Khamenei - chính trị gia thiên về đường lối cứng rắn với Mỹ.

Đây hoàn toàn không phải lời đe dọa suông khi những thông tin tình báo mà Mỹ có được cho thấy Iran cũng đang có động thái di chuyển tên lửa trên các tàu chiến đóng tại Vịnh Ba Tư. 

Không còn “Iran của ngày xưa”

Việc cả Mỹ và Iran đều chuẩn bị lực lượng sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào, thậm chí là chiến tranh diễn ra trong bối cảnh Iran đang thể hiện sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận với vấn đề hồ sơ hạt nhân.

Không lâu trước khi từ chối lời đàm phán của Mỹ, Iran còn đưa ra “tối hậu thư” sẽ nối lại chương trình hạt nhân nếu các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 không có các biện pháp bảo đảm quyền lợi của Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Những động thái này của Tổng thống Iran Hashan Rouhani xuất phát từ những áp lực trong nước. Trước đây, thời điểm ông Rouhani ký kết thỏa thuận này, trong nội bộ Iran đã có không ít ý kiến phản đối của những nhân vật theo đường lối cứng rắn.

Và khi ông Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận, lực lượng này càng có cơ sở để gây sức ép để ông Rouhani không bước vào đàm phán với Mỹ lần thứ hai. Thậm chí một số đồng minh ôn hòa trước kia cũng đã “bỏ rơi” ông Rouhani.

Phía Iran nhìn nhận Mỹ không phải là đối tác đáng tin cậy, bởi không có gì đảm bảo ông Donald Trump không hủy bỏ những điều đã đàm phán một lần nữa. Không chỉ trong chính giới, người dân Iran cũng ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn với Mỹ.

Cuối tuần qua, hàng ngàn người Iran đã tham gia các cuộc tuần hành để ủng hộ quyết định của chính phủ trong việc thu hẹp cam kết trong bản thỏa thuận với nhóm P5+1 cũng như sẵn sàng đối diện với các lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Phía Mỹ cũng không thể không nhận thấy sự thay đổi chiến lược của Iran. Việc Mỹ rầm rộ điều binh tới Vịnh Ba Tư cũng xuất phát từ nhận định cho rằng Iran đã chấm dứt chiến lược “chờ thời”, thay vào đó là chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự có thể xảy ra vào lực lượng Mỹ đồn trú tại khu vực.

Trước đây, Mỹ vẫn nhận định rằng Iran sẽ cố gắng cầm cự trước các đòn trừng  phạt của Mỹ trong khoảng thời gian khoảng 20 tháng tới với hy vọng ông Donald Trump sẽ bị thay thế bởi một Tổng thống có quan điểm ôn hòa hơn.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhưng những thông tin tình báo trong tuần trước đã giúp Mỹ xác nhận rằng người Iran sẵn sàng tái thiết lập chiến lược của mình ngay tại thời điểm này, hoặc do lệnh trừng phạt của Mỹ đã siết chặt đến mức Iran không thể chờ đợi tới tháng 1/2021, hoặc do không có dấu hiệu chắc chắn nào cho thấy ông Donald Trump sẽ thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tới.

Tướng hải quân Frank McKenzie, lãnh đạo Bộ Chỉ huy trung tâm quân đội Mỹ cũng tuyên bố “sự tích tụ bấy lâu của Iran đã dẫn tới một số chỉ báo về khả năng leo thang rắc rối đối với Mỹ”, và điều này buộc Mỹ phải có sự chuẩn bị phù hợp trước bất cứ nguy cơ bùng nổ xung đột nào.

Lo ngại lớn nhất từ phía Mỹ là một cuộc tấn công của Iran nhằm vào 5.000 binh sĩ Mỹ hiện đang đồn trú tại Iraq với nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho quốc gia này. 

Trước những động thái của cả Mỹ và Iran, giới phân tích cho rằng không thể loại trừ khả năng bùng nổ cuộc đối đầu quân sự, cho dù đây là kịch bản mà không bên nào mong muốn.

Thế nhưng, khi cả hai bên đều muốn sử dụng chiến thuật “gây sức ép”, nếu như một trong hai bên không tính toán cẩn trọng về “giới hạn chịu đựng” của bên kia, chỉ một “nước cờ” sai lầm có thể đẩy cả “ván cờ” vào kết cục nguy hiểm.

Chính vì vậy, châu Âu - bên đứng giữa cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang hết sức kêu gọi các bên tiếp tục tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, lời kêu gọi này có được đáp ứng hay không còn tùy thuộc khả năng kiềm chế của những “cái đầu nóng” ở cả hai bên. 

Tin mới