Nước cờ táo bạo của Thủ tướng New Zealand

(Baonghean.vn) - Nửa tháng sau chiến thắng bầu cử vang dội của đảng Lao động, Thủ tướng Jacinda Ardern đầu tuần đã công bố danh sách nội các mới của mình, được đánh giá là đa dạng hơn nhiều so với trước, thậm chí có thể xem là “xưa nay hiếm” tại New Zealand. Bằng động thái cải tổ hàng ngũ bộ trưởng để khởi động nhiệm kỳ thứ hai, nhà lãnh đạo nữ thực sự đã lưu dấu ấn cá nhân đậm nét trên chính trường nước này.

NAY ĐÃ KHÁC XƯA

Theo hé lộ của trang Newsroom, sau khi công bố tân nội các cùng các vị trí điều hành “vòng ngoài”, Thủ tướng Jacinda Ardern đã nhận được lời đề nghị dùng một từ để miêu tả ê kíp của mình. Bà đã chọn từ “thú vị” - nhưng với nhiều người thì thế là khá khiêm tốn bởi đây được đánh giá là một cuộc đại tu gây ngạc nhiên, sửng sốt vượt xa dự đoán của họ.

Nhớ lại, trong nhiệm kỳ trước, bà Ardern đã rất khó có thể “cộp mác” dấu ấn cá nhân của mình lên bộ máy điều hành đất nước. Khi ấy, gần 1/4 vị trí bộ trưởng về căn bản đã vuột khỏi tầm kiểm soát của bà, mà nguyên nhân là xuất phát từ các thỏa thuận liên minh với đảng New Zealand. Trước tiên là đảng Xanh, cùng với chiến thắng ngoài mong đợi của đảng Lao động đã khiến bà đứng trong hoàn cảnh không có sẵn nhiều sự lựa chọn nhân tài để chủ động đưa vào nội các.

Thủ tướng New Zealand vừa công bố nội các mới. Ảnh: Getty
Thủ tướng New Zealand vừa công bố nội các mới. Ảnh: Getty

Những hạn chế này đã là dĩ vãng trong lần thứ hai đắc cử, khi mà giờ đây chỉ còn 2 bộ trưởng không xuất thân từ đảng Lao động, còn đảng này cũng đã trải qua thêm 3 năm đủ để hiểu rằng, nhiệm kỳ thứ hai là thứ trong tầm với và kéo theo đó là họ hoàn toàn có thể chiêu mộ nhân lực theo ý mình. Và kết quả là lần cải tổ nội các này của bà Ardern không hề thiếu vắng những quyết định lựa chọn hết sức táo bạo, đơn cử như việc có tới 5 nhân vật lần đầu gánh trọng trách bộ trưởng. Thậm chí, 1 trong 5 trường hợp trên là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Ayesha Verrall còn cho thấy sự tái sắp xếp, phân bổ đáng chú ý đối với những chiếc ghế bộ trưởng trong số những cá nhân từng phụng sự ở nhiệm kỳ trước.

Trong nội các mới của bà Ardern, 40% là phụ nữ, 25% là người Maori (2 trong số 5 người là nữ giới), 15% Pasifika (2 trong số 3 người là nữ giới) và 15% thuộc cộng đồng LGBTQI - một trong số đó là Phó Thủ tướng Grant Robertson.

CHIẾN THẮNG CỦA NGƯỜI MAORI

Nhiều ý kiến bình luận cho rằng, lưỡi rìu cũng đã bổ xuống những vị trí làm việc yếu kém, những người được đánh giá là đã trụ lại quá lâu trong nhiệm kỳ vừa qua của bà Ardern. Đó là những cái tên như Phil Twyford - người bị loại khỏi nội các, mất các vai trò phụ trách vấn đề vận tải, phát triển đô thị và phát triển kinh tế, nhưng vẫn được trao vị trí bộ trưởng phụ trách giải giáp và kiểm soát vũ khí; hay Jenny Salesa - hoàn toàn mất ghế bộ trưởng, và thay vào đó lĩnh “giải an ủi” là ứng viên cho vị trí phó chủ tịch hạ viện.

Thủ tướng Jacinda Ardern và tân Ngoại trưởng Nanaia Mahuta. Ảnh: AFP
Thủ tướng Jacinda Ardern và tân Ngoại trưởng Nanaia Mahuta. Ảnh: AFP

Một trong những tình thế tiến thoái lưỡng nan hơn trong con mắt bà Ardern đó là nên chọn ai để bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng. Nhưng thật may khi Phó Chủ tịch đảng Lao động Kelvin Davis đã quyết định công khai rút khỏi vòng đua và để cho Bộ trưởng Tài chính Grant Robertson rộng đường tiến tới nhận nhiệm vụ này. Về phần mình, David đã kiên quyết khẳng định đó là lựa chọn riêng của mình, song nếu vẫn còn đôi chút dư âm khó chịu trong đông đảo người dân New Zealand, thì ắt hẳn điều đó cũng đã được xoa dịu nhờ những chiến thắng vang dội của nhóm người Maori trong đảng Lao động.

Cộng đồng này đã có được 5 đại diện ngồi vào chiếc bàn tròn nội các, tăng so với con số 2 người vào nhiệm kỳ trước. Nhưng có lẽ gây ngạc nhiên hơn cả là việc bổ nhiệm bà Nanaia Mahuta làm Bộ trưởng Ngoại giao. Mahuta đã đảm nhiệm vai thứ trưởng thương mại trong nhiệm kỳ trước của nữ Thủ tướng, và lần này bà Ardern đã nhắc đến khả năng nhanh chóng tạo dựng các mối quan hệ của bà Mahuta là một trong những lý do khiến việc bổ nhiệm bà trở thành một “quyết định đương nhiên”. Và như vậy, đây là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ cương vị ngoại trưởng New Zealand, một “lần đầu tiên” hết sức quan trọng và đáng chú ý tại quốc gia này.

CÂN BẰNG CŨ - MỚI

Và nếu sự thăng chức của Mahuta lên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao là một điều gì đó gây kinh ngạc cho nhiều người, thì như đã nói, việc bà Ayesha Verrall tiến thẳng vào ban nội các cũng gây chấn động không hề kém cạnh. Lý giải cho lựa chọn của mình, đương kim Thủ tướng New Zealand đã viện dẫn tiền lệ của thời những người tiền nhiệm, khi đưa thẳng các tân nghị sỹ vào nhóm nội các ngay tắp lự, đơn cử như Margaret Wilson của đảng Lao động dưới thời Thủ tướng Helen Clark và Steven Joyce dưới thời John Key.

Bà Ardern khẳng định các thành viên trong nội các "xứng đáng và tài năng", đồng thời "đại diện cho những người New Zealand bầu ra họ". Ảnh: Getty
Bà Ardern khẳng định các thành viên trong nội các "xứng đáng và tài năng", đồng thời "đại diện cho những người New Zealand bầu ra họ". Ảnh: Getty

Dĩ nhiên, dư luận New Zealand không phủ nhận chiều sâu kiến thức của bà Verrall trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, thứ vô giá với chính phủ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành hiện nay. Nhưng có lẽ đâu đó cũng có những băn khoăn, rằng việc chuyển đổi từ một bác sỹ sang một chính khách liệu rằng có khiến bà Verrall gặp khó, khi mà kéo theo đó là mớ “bòng bong” công việc của một bộ trưởng, khác biệt khá nhiều so với chuyên môn trước đó của bà.

Dẫu nhìn chung cuộc tái cải tổ nội các của bà Ardern được nhiều người ví như một cuộc cách mạng, “thay máu” thực thụ, nhưng xét cho cùng cái lõi trung tâm của “bộ sậu” vẫn là những gương mặt cũ, những bộ trưởng đáng tin cậy từng kề vai sát cánh với nữ Thủ tướng vượt qua vô vàn khó khăn trong nhiệm kỳ trước. Có thể kể đến những cái tên nổi bật trong số này như Bộ trưởng Tài chính Robertson, hay Megan Woods trong lĩnh vực nhà ở, Chris Hipkins trong giáo dục… Đây vẫn sẽ là những nhân vật trụ cột, bên cạnh những nét mới vừa được tung ra, cùng hợp sức để quyết định thành bại cho nhiệm kỳ thứ hai của bà Ardern.

Tin mới