Nước Đức "làm phúc phải tội"

(Baonghean) - Từ một quốc gia chủ trương “mở rộng vòng tay” đối với người nhập cư, Đức đã bắt đầu thay đổi quan điểm trước làn sóng người nhập cư ngày càng tăng vào nước này, nhất là sau hàng loạt vụ tấn công, cướp và quấy rối phụ nữ trong đêm Giao thừa xảy ra tại thành phố Cologne được cho là có liên quan đến người nhập cư.

Những người biểu tình giương cao biểu ngữ chống bạo lực với phụ nữ  sau các vụ tấn công đêm Giao thừa ở Cologne. Ảnh: AFP.
Những người biểu tình giương cao biểu ngữ chống bạo lực với phụ nữ sau các vụ tấn công đêm Giao thừa ở Cologne. Ảnh: AFP.

Cuối cùng những gì người ta lo lắng về mặt trái của dòng người di cư ồ ạt tới châu Âu cũng đã xảy ra và đang làm đảo lộn xã hội ở châu lục này. Đức là nạn nhân của thực trạng đó. Các vụ tấn công và quấy rối phụ nữ gây chấn động vào đêm Giao thừa 2016 ở thành phố Cologne với quy mô lớn chưa từng có đã làm người dân Đức bị "sốc" trong bối cảnh những tranh cãi về vấn đề người di cư đang âm ỉ. Những kẻ tấn công đã được xác định là người di cư từ các nước Bắc Phi.

Sau vụ việc, làn sóng phản đối nhập cư bùng phát trở lại mà điển hình là phong trào “chống đạo Hồi Pegida” đã kêu gọi một cuộc tuần hành trong thành phố với khẩu hiệu "Có Pegida bảo vệ" dưới sự hỗ trợ của đảng cực hữu "Pro Köln (Cologne)". Lực lượng này đã kêu gọi người biểu tình mang theo các biểu ngữ phản đối chính sách tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel và kêu gọi bà từ chức. Biểu tình cũng biến thành các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh chính phủ.  

Rõ ràng, nước Đức đang phải gánh chịu hậu quả của việc “làm phúc phải tội”. Có thể thấy, kể từ khi làn sóng người di cư ồ ạt kéo đến châu Âu gây nên cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Đức là nước đi đầu ở lục địa già trong nỗ lực giải quyết bài toán người nhập cư.

Các nhóm biểu tình bên ngoài nhà thờ Cologne. Ảnh: BBC.
Các nhóm biểu tình bên ngoài nhà thờ Cologne. Ảnh: BBC.

Trong khi chính phủ các nước khác mạnh tay đóng cửa biên giới để ngăn dòng người di cư thì Đức lại tiên phong “mở cửa” chào đón họ. Chính phủ của Thủ tướng Merkel cũng sẵn sàng “mở hầu bao” để giải quyết vấn đề được xem là thách thức của cả châu Âu. Hồi tháng 9/2015, Chính phủ nước này đã quyết định chi thêm 6 tỷ euro (khoảng 6,7 tỷ USD) để hỗ trợ số người di cư và tị nạn cao kỷ lục tràn vào nước này và hỗ trợ các biện pháp đối phó với làn sóng di cư đang có khả năng tăng cao đột biến.

Chính phủ Đức mô tả quyết định trên là “làn sóng đoàn kết” mà người Đức đang thể hiện với những người di cư. Bộ Nội vụ Đức ca ngợi quyết định của Chính phủ là một ngoại lệ để giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Chính Thủ tướng Merkel cũng cho biết sẽ không có bất cứ sự khác biệt nào giữa người Hồi giáo, người Do Thái hay người Thiên Chúa giáo trong đất nước của bà. Và thế nên dòng người di cư ồ ạt đổ về Đức. Tính đến cuối năm 2015, Đức đã tiếp nhận số người tị nạn kỷ lục, lên đến 800.000 người, gấp 4 lần so với năm 2014.

Có nhà bình luận cho rằng, có thể người Đức đang xem đây là một dịp để giải thoát chính họ khỏi “bóng ma” của quá khứ, khi Đức quốc xã thực hiện cuộc diệt chủng tàn bạo đối với dân Do Thái. Bên cạnh đó, với tiềm lực kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức luôn cần người lao động nhập cư, nguồn lực vốn đã vận hành nền kinh tế nước này kể từ những năm 1960.

Đối với những người di cư, chính sách có phần nới lỏng của chính phủ Đức là một thuận lợi lớn cho họ. Hàng trăm nghìn người đã đánh cược sinh mạng của mình và của những người thân chỉ mong được một “tấm vé” vào Đức tị nạn.

Thủ tướng Merkel cam kết giảm dòng người tị nạn đang tiếp tục đổ tới châu Âu và nước này (Ảnh BBC)
Thủ tướng Merkel cam kết giảm dòng người tị nạn đang tiếp tục đổ tới châu Âu và nước này. Ảnh: BBC.

Suy cho cùng, họ là những nạn nhân vô tội và đáng thương, phải chịu cảnh tha hương khi mảnh đất quê hương họ bị chiến tranh tàn phá, khủng bố đe dọa. Không phải tất cả những người Hồi giáo đều cực đoan và bạo lực nhưng các cuộc tấn công và quấy rối phụ nữ ở Đức vừa qua rõ ràng càng làm gia tăng sự kỳ thị sắc tộc, dấy lên tư tưởng “bài Hồi giáo”, “chống nhập cư” vốn đã âm ỉ trong các xã hội châu Âu.

Và thực tế là diễn biến biểu tình tại Cologne đã buộc Chính phủ của Thủ tướng Merkel phải thay đổi quan điểm với chính sách mở cửa với người tị nạn. Trong một tuyên bố mới đây, bà Merkel cho biết những người nhập cư được xác định tham gia các hành vi phạm tội tại Cologne có thể mất quyền xin tị nạn tại Đức và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thủ tướng Merkel cũng cam kết giảm dòng người tị nạn khổng lồ đang tiếp tục đổ tới châu Âu và nước này.

Không chỉ ở Đức, hàng loạt vụ tấn công tình dục cũng đã xảy ra ở Áo, Thụy Điển, Phần Lan, và Thụy Sĩ, khiến giới chức các nước này đã đưa ra cảnh báo phụ nữ không ra ngoài một mình vào ban đêm. Các cơ quan an ninh cũng thêm lo lắng bởi số lượng các cuộc tấn công tình dục do các băng nhóm người di cư gây ra ngày càng tăng lên cũng như phạm vi đã mở rộng khắp châu Âu.

Rất có thể sau những nỗi lo sợ đó, nhiều quốc gia ở châu Âu sẽ ngày càng cứng rắn hơn với chính sách nhập cư khi họ không muốn cũng bị lâm vào cảnh “làm phúc phải tội” như Đức. Mới đây, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã tuyên bố sẽ không tiếp nhận người nhập cư đến từ các quốc gia đạo Hồi nhằm tránh các vụ việc tương tự như vụ tấn công khủng bố ở Paris (Pháp) hay vụ tấn công nhằm vào phụ nữ tại Đức.

Một khi nhiều nước châu Âu thắt chặt đường biên giới, dòng người di cư sẽ không còn nhiều đích đến ngoài Đức và áp lực sẽ tiếp tục đổ dồn lên quốc gia ở trung tâm lục địa già. Chính phủ Đức dự đoán số người tị nạn vào châu Âu trong năm 2016 có thể lên tới 1 triệu người, trong đó phần lớn người tị nạn tìm cách tới Đức.

Làm sao để dung hòa giữa chính sách người nhập cư với chính sách an ninh nội địa, làm thế nào để vừa hạn chế người nhập cư, vừa giải quyết được bài toán nhân đạo?… Tất cả đang chờ đợi những quyết định từ Berlin và đây chắc chắn là áp lực không nhỏ đối với chính phủ của Thủ tướng Merkel.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới