Nước sông Lam xuống thấp, nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ Xuân

(Baonghean.vn) - Mặc dù đã bước vào thời điểm đổ ải để chuẩn bị gieo cấy, thế nhưng do mực nước sông Lam gần đây xuống thấp, khiến cho nhiều trạm bơm dọc con sông này đã bị cạn kiệt. Kéo theo đó nhiều diện tích ruộng vẫn chưa có nước để sản xuất vụ Xuân.

Các trạm bơm dọc sông Lam, đoạn phía dưới bara Đô Lương thời gian gần đây luôn gặp tình trạng bị thiếu nước không thể bơm tưới được. Trước đó, dù các đơn vị, địa phương quản lý các trạm bơm đã tiến hành nạo vét luồng, rãnh lấy nước sau mỗi mùa mưa lũ bị bồi lấp nhưng tình trạng này vẫn không được cải thiện nhiều.

Xã Đại Đồng (Thanh Chương) vốn sáp nhập từ 3 xã Thanh Văn, Thanh Hưng, Thanh Tường, mùa này kế hoạch gieo cấy 600ha nhưng trên nhiều cánh đồng của xã hiện vẫn chưa có nước để đổ ải. Để phục vụ cho diện tích gieo cấy của địa phương, có 5 trạm bơm được được xây dựng để phục vụ việc bơm tưới.

Trạm bơm Thanh Văn (Thanh Chương), bị khô cạn buộc phải nạo vét để dẫn nước vào vòi bơm. Ảnh: Tiến Đông
Trạm bơm Thanh Văn (Thanh Chương) bị khô cạn buộc phải nạo vét để dẫn nước vào vòi bơm. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Như Thiện - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thanh Văn cho biết: Những ngày vừa qua lượng nước sông Lam lên xuống thất thường nên việc bơm nước, phục vụ cho sản xuất vụ xuân gặp không ít khó khăn. Ngoài những diện tích ruộng thấp, hiện có những xứ đồng cao hơn vẫn chưa có nước để cày ải. Hiện tại HTX nông nghiệp Thanh Văn có 200ha ruộng, riêng trạm bơm Văn Long do UBND xã quản lý thì phục vụ bơm tưới cho 56,4ha.

Trạm bơm Văn Long của UBND xã Đại Đồng (Thanh Chương), đã nhiều lần bị bồi lấp. Ảnh: Tiến Đông
Trạm bơm Văn Long của UBND xã Đại Đồng (Thanh Chương) đã nhiều lần bị bồi lấp. Ảnh: Tiến Đông

Không chỉ xã Đại Đồng mà một số xã như Đồng Văn, Thanh Phong cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ Xuân nếu như mực nước sông Lam bị xuống thấp như mấy ngày gần đây. Theo số liệu tổng hợp từ Phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương, vụ Xuân năm nay, địa phương này gieo cấy 8.600ha. Trong đó, riêng Công ty TNHH Thủy lợi Thanh Chương phụ trách việc tưới tiêu cho 1.500ha, với 7 trạm bơm dọc sông Lam. Tuy nhiên, do mực nước sông Lam lên xuống thất thường, nhiều thời điểm các trạm bơm thuộc đơn vị này quản lý đã không thể thực hiện nhiệm vụ.  

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Để đảm bảo đủ nước tưới cho vụ Xuân, huyện cũng đã chỉ đạo tất cả các xã có kế hoạch điều tiết và tiết kiệm nguồn nước từ các hồ đập. Yêu cầu Công ty TNHH Thủy lợi Thanh Chương khẩn trương nạo vét, nối thêm ống bơm để hút được nước, đồng thời đề nghị tỉnh chỉ đạo Thủy điện Bản Vẽ điều tiết, xả nước để phục vụ cho việc sản xuất vụ Xuân. 

Nhiều cánh đồng ở Thanh Chương, người dân đã bỏ phân nhưng chưa thể có nước để cày ải. Ảnh: Tiến Đông
Nhiều cánh đồng ở Thanh Chương, người dân đã bỏ phân nhưng chưa thể có nước để cày ải. Ảnh: Tiến Đông

Tại Nam Đàn, vụ Xuân năm nay sản xuất 6.811ha lúa, hiện tại đã gieo thẳng được 910ha và 45ha mạ đang trong quá trình ươm gieo. Trong đó, phần lớn nước phục vụ sản xuất cho địa phương này được lấy qua bara Nam Đàn. Tuy nhiên, ghi nhận tại bara Nam Đàn, điểm lấy nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho các địa phương Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TX.Cửa Lò và TP.Vinh thì thời gian gần đây mực nước sông Lam xuống thấp thấy rõ. Đỉnh nước cao nhất chỉ đạt 1,7m và mức nước thấp nhất đo được vào 19h ngày 31/12/2021 là -0,3m. 

Hiện nay, nhiều trạm bơm dọc sông Lam đã được xây dựng từ lâu nên khi mực nước sông Lam xuống thấp, do đã nhiều lần phải nối ống nên ảnh hưởng đến công suất bơm hút. Ảnh: Tiến Đông
Hiện nay, nhiều trạm bơm dọc sông Lam đã được xây dựng từ lâu nên khi mực nước sông Lam xuống thấp, do đã nhiều lần phải nối ống nên ảnh hưởng đến công suất bơm hút. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Duy Thông - Trạm phó Trạm quản lý Bara Nam Đàn cho biết: Những năm gần đây mực nước sông Lam xuống rất thấp, nhất là từ tháng 11 năm nay đến tháng 7, tháng 8 năm sau, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cấp nước cho việc sản xuất nông nghiệp. Để có nước sản xuất, các trạm bơm, gần như phải trông chờ vào việc xả nước của các nhà máy thủy điện trên sông Lam, của bara Đô Lương và chờ triều cường lên mới có thể mở cửa lấy nước. 

Theo ý kiến của một số địa phương, đơn vị, việc nước sông Lam xuống thấp nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất lúa vụ Xuân, bởi ngoài việc cần nước trong giai đoạn đổ ải, vụ Xuân còn cần nước để phục vụ khi gieo cấy, dưỡng sức cho cây lúa các giai đoạn về sau. Với áp lực phải có nước tưới phục vụ cho vụ Xuân, lâu nay các địa phương, đơn vị đã phải tiến hành nạo vét bể hút, nối thêm ống khiến cho chi phí bị tăng lên. Chưa kể, việc nối thêm ống hút đã khiến cho công suất máy bị quá tải, bởi hầu hết các trạm bơm đều đã được xây dựng từ 20 năm trở lên nên khó đáp ứng được việc hút nước.

Biểu đồ đỉnh lũ và mực nước thấp nhất qua các năm tại cống Nam Đàn cho thấy 4 năm lại đây, mực nước sông Lam đã nhiều lần bị xuống thấp tới mức báo động. Ảnh: Tiến Đông
Biểu đồ đỉnh lũ và mực nước thấp nhất qua các năm tại cống Nam Đàn cho thấy 4 năm lại đây, mực nước sông Lam đã nhiều lần bị xuống thấp tới mức báo động. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: Để đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ Xuân, đơn vị đã phối hợp, làm việc với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê để đảm bảo lưu lượng xả nước đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho các vùng hạ du. Bên cạnh đó, chi cục cũng yêu cầu các đơn vị quản lý vận hành cần quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả. 

“Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để ưu tiên sản xuất vụ Xuân. Phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, bể hút các trạm bơm tưới đảm bảo dẫn nước, thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất” - ông Thành nhấn mạnh.

Tin mới