Nuôi chạch sụn thương phẩm, triển vọng từ mô hình ở Quỳnh Lưu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Anh Hồ Trung Đức ở thôn 4, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu đã đưa giống chạch sụn ở phía Bắc về thả nuôi. Sau 3 tháng chăm sóc, chạch phát triển tốt, đã đến kỳ xuất bán.
Mô hình nuôi chạch sụn có diện tích 1.000 m2 của gia đình anh Hồ Trung Đức, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Ảnh: Hồng Diện

Mô hình nuôi chạch sụn có diện tích 1.000 m2 của gia đình anh Hồ Trung Đức, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Ảnh: Hồng Diện

Là Chủ tịch Hội nông dân xã Quỳnh Đôi nên anh Hồ Trung Đức luôn suy nghĩ phải năng động trong phát triển kinh tế. Qua tìm hiểu nhận thấy chạch sụn có thịt thơm ngon, xương mềm, giá trị dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ mạnh, giá cả ổn định. Hơn nữa, chạch thích ứng với đa dạng môi trường sống, rất dễ nuôi. Tuy nhiên, trong vùng chưa có hộ nào nuôi chạch sụn nên anh đã bàn bạc với gia đình đầu tư đối tượng mới này.

Nghĩ là làm, sau khi đi học hỏi kinh nghiệm từ các trại nuôi chạch sụn thành công ở Hải Dương, đầu tháng 3 năm 2022 anh Đức đã quyết định mua 30 vạn con giống về thả nuôi trên diện tích 1.000 m2 ao. Sau 3 tháng chăm sóc, hiện tại chạch của gia đình anh đã đạt kích cỡ 50 con/kg, dự kiến tổng sản lượng ước đạt 5 - 6 tấn. Sản phẩm sau thu hoạch sẽ được đơn vị cung ứng giống thu mua tại chỗ, với giá nhập 80 nghìn đồng/kg.

Sau 3 tháng thả nuôi, chạch sụn đạt trọng lượng 50 con/kg. Ảnh: Hồng Diện

Sau 3 tháng thả nuôi, chạch sụn đạt trọng lượng 50 con/kg. Ảnh: Hồng Diện

Chia sẻ về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi loài chạch sụn anh Đức trao đổi: Đầu tiên phải tuyển chọn những con giống đảm bảo chất lượng, có kích cỡ đồng đều, không bị bệnh. Trước khi thả giống xuống ao nuôi phải diệt hết các loại cá tạp, tránh tranh thức ăn của chạch. Khác với chạch ta thường sinh sống dưới bùn thì đặc điểm của loài chạch sụn lại sống ở tầng trên của mặt nước nên trong ao anh đã chế máng ăn tự động, hạn chế thức ăn bị rơi vãi. Mỗi ngày, anh cho vật nuôi ăn từ 3 - 4 lần và tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng để đảm bảo định lượng, khẩu phần ăn phù hợp.

Đồng thời, anh thả bèo tây tạo thành từng mảng dưới ao để vừa lọc nước, làm mát, tạo giá thể cho chạch cư trú. Ở phía trên mặt ao và xung quanh bờ được anh dùng các tấm lưới che chắn cẩn thận ngăn chim, cò sà xuống và các loại động vật khác xâm nhập.

Chạch sụn có thịt thơm ngon, xương mềm, giá trị dinh dưỡng cao. Ảnh: Hồng Diện

Chạch sụn có thịt thơm ngon, xương mềm, giá trị dinh dưỡng cao. Ảnh: Hồng Diện

Với lợi thế gần sông nên hàng ngày anh Đức đều cho nước ra vào liên tục và duy trì mực nước trên 1m trong ao. Hơn nữa chú trọng vệ sinh ao và phòng trừ các bệnh thường gặp như nấm, ký sinh do vi khuẩn trên loài chạch sụn. Ngoài ra, anh lắp đặt các máy sục khí tạo thành đài phun nước, có tác dụng lưu chuyển dòng nước, cung cấp ô xy cho chạch. Nhờ tuân thủ về quy trình kỹ thuật, các yếu tố cần thiết trong quá trình thả nuôi nên đàn chạch sụn phát triển nhanh, kích cỡ đồng đều và đạt về trọng lượng.

Được biết, hiện tại trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu thì đây là một trong hai mô hình nuôi chạch sụn bước đầu đã có triển vọng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân địa phương.

Dưới ao, anh Đức thả bèo tây tạo giá thể cho chạch cư trú. Ảnh: Hồng Diện

Dưới ao, anh Đức thả bèo tây tạo giá thể cho chạch cư trú. Ảnh: Hồng Diện

Ông Hồ Bảo Thông - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi, cho biết: Qua khảo sát tại mô hình nuôi chạch sụn của gia đình anh Hồ Trung Đức, nhận thấy con giống này phát triển tốt, phù hợp điều kiện đồng đất, dòng nước cũng như khí hậu của địa phương. Xã đang có kế hoạch sau khi mô hình anh Đức xuất bán cho kết quả, sản lượng cao như dự kiến thì địa phương sẽ tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho những hộ có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện để nhân rộng loại giống mới này./.

Tin mới