Nuôi "con đặc sản" giống hoang dã: Người giàu có, kẻ nợ đầm đìa

Nuôi động vật hoang đã trở thành nghề “hái” ra tiền cho một số hộ dân. Song cũng từ chính nghề này nhiều hộ gặp không ít khó khăn vì mắc nợ.

Mô hình nuôi hươu của anh Quan Văn Tiệp, tổ 3, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Tiệp cho biết, năm 2009, anh đầu tư chuồng trại nuôi 40 con hươu nái, nhờ chăm sóc tốt, mỗi năm 1 hươu mẹ sinh sản 1 hươu con, chăm nuôi khoảng 6 tháng hươu con có giá 10 triệu đồng/con.

Tháng 9 vừa qua, anh Tiệp đã xuất bán 50 con thu về 500 triệu đồng. Ngoài bán hươu giống, đàn hươu còn cho khai thác nhung. Mỗi năm, gia đình anh Tiệp thu hoạch khoảng 6 kg nhung hươu, giá bán nhung bình quân 20 triệu đồng/kg. Lợi nhuận đem lại giúp anh Tiệp mở rộng quy mô từ cơ sở chăn nuôi lên trang trại.

Mô hình chăn nuôi hươu sinh sản và hươu lấy nhung của gia đình anh Quan Văn Tiệp, tổ 3, phường Tân Hà, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Trái ngược với chăn nuôi hươu, những mô hình nuôi nhím đang rơi vào cảnh khốn đốn khi giá của những con đặc sản này ngày một giảm. Từng một thời chạy đua theo phong trào nuôi nhím, ông Nguyễn Văn Tới, tổ 10, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) hiểu hơn ai hết về những gian truân, vất vả của nghề nuôi nhốt động vật hoang dã.

Ông Tới chia sẻ, đầu năm 2012 ông đầu tư 120 triệu đồng làm chuồng trại và mua 7 con nhím giống về nuôi. Sau 3 năm chăn nuôi vất vả đàn nhím của gia đình đã tăng lên đến 15 con. Tưởng rằng khi bán sẽ lãi lớn, ai ngờ giá nhím sụt giảm chưa từng có, nhím giống giá chỉ còn 2 triệu đồng/1 con, nhím thương phẩm phải bán theo kg. Bán cả đàn nhím ông Tới thu về đúng 12 triệu đồng.

Cùng cảnh với ông Tới, ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn Tân Quang, xã Thái Bình (Yên Sơn) cũng khốn đốn về nhím. Theo ông Hùng, lúc đỉnh điểm, một đôi nhím giống chưa đầy 3 tháng tuổi có giá lên đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, giá nhím bất ngờ lao dốc chỉ còn 1,5 triệu đến 1,7 triệu đồng/đôi khiến nhiều gia đình chăn nuôi như ông bị thua lỗ nặng nề.

Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang chỉ còn 66 cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã với trên 10 nghìn cá thể, so với năm 2014 con số này đã giảm gần một nửa số cơ sở và số cá thể. Ông Lương Xuân Trọng, kiểm lâm viên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, sở dĩ các cơ sở giảm là do thời gian đầu người dân đầu tư nuôi theo phong trào mà không nghiên cứu thị trường. Bởi thế khi ồ ạt nuôi con đặc sản bỗng nhiên mất giá, trở thành “của nợ” của nhiều hộ gia đình.

Tin mới