Nuôi mầm ví, giặm

(Baonghean) - Để phát huy, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: dân ca, ví, giặm trong dòng chảy của văn hóa dân gian Việt Nam. Một trong những hướng đi mà Nghệ An đang triển khai đó là làm thế nào để dân ca lan tỏa trong cộng đồng. Trở thành món ăn tinh thần gắn bó với đời sống hàng ngày của người dân lao động. Dân ca phải đi vào cuộc sống.

Bền sâu bám rễ

Chúng tôi đến Câu lạc bộ Dân ca Hồng Sơn đúng dịp tất cả các thành viên trong CLB đang sinh hoạt ở nhà văn hóa xóm 11, xã Quỳnh Hậu. Hơn 1 tháng nữa mới đến Tết nguyên đán 2016, nhưng tất cả mọi thành viên đã lên kế hoạch để chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, làn điệu dân ca phục vụ bà con trong dịp mừng Đảng, mừng Xuân.

Được thành lập và kế thừa từ Đội văn nghệ của 3 xã Quỳ Hồng, Quỳnh Hậu, Quỳnh Thạch. Từ những năm chiến tranh, với tinh thần “tiếng hát át tiếng bom” Đội văn nghệ đã đi phục vụ từ dân công hỏa tuyến đến bà con các vùng trong huyện để động viên, khuyến khích tinh thần quên hết mệc nhọc hăng say lao động. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Đội văn nghệ hoạt động cầm chừng. Trước tình hình đó, bác Nguyễn Yết Niêm – Đội trưởng đội văn nghệ đã đạp xe đi đến từng nhà hội viên, vận động bà con dù khó khăn đến mấy cũng phải duy trì. Thế rồi ngày Tết, ngày lễ, hay ngày hội làng, các thành viên lại có dịp biểu diễn những tiết mục tự biên, tự diễn để phục vụ nhân dân. Điều lạ là những tiết mục ấy luôn được sự đón nhận nồng nhiệt của người dân lao động. Có những tiết mục được bà con yêu cầu biểu diễn lại. Ngày đó, Đội văn nghệ đã xây dựng được những tiểu phẩm dân ca, ví, giặm như “Anh Ba chủ nhiệm”, “Chị Diện đội trưởng”…

Chính sức sống bền bỉ, chính niềm đam mê văn nghệ quần chúng của các thành viên trong Đội văn nghệ đã thôi thúc những người như bác Nguyễn Yết Niêm trăn trở: phải có trách nhiệm để duy trì hoạt động, bởi Đội văn nghệ đang là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân lao động. Và năm 2003, CLB dân ca Hồng Sơn đã chính thức thành lập trong niềm phấn khởi của các hội viên và nhân dân địa phương. Sự ra đời của CLB không chỉ đánh dấu bước phát triển của hoạt động văn nghệ quần chúng mà còn là một trong những giải pháp để người dân bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm xứ Nghệ.

Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có còn trường tồn dài lâu trong thời hiện đại, nếu như không có sự quan tâm gìn giữ bào tồn của xã hội.
Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có còn trường tồn dài lâu trong thời hiện đại, nếu như không có sự quan tâm gìn giữ bào tồn của xã hội.

Ông Hồ Lịch (75 tuổi, hội viên CLB) chia sẻ: “ Với tôi, được tham gia CLB không chỉ là niềm vui, mà đó còn là trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Mặc dù tuổi cao, đi lại khó khăn nhưng mỗi tuần không được nghe hát, không được đánh đàn là thấy buồn, thấy nhớ”.

Điều đáng ghi nhận ở CLB dân ca Hồng Sơn đó là để duy trì, ngoài sự nỗ lực của các thành viên, Ban chủ nhiệm CLB đã rất năng động, linh hoạt trong tìm tòi nội dung sinh hoạt vừa để bảo tồn, vừa có thể phát huy hết khả năng của từng thành viên. Đó là mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên phải sáng tác được một ca khúc lời mới và sưu tầm một ca khúc lời cổ, và mỗi tháng CLB phải tập luyện một tiết mục mới. Với cách thức hoạt động như thế đã tạo động lực, sự háo hức mong chờ đến ngày được sinh hoạt của các hội viên. Hiện nay, CLB Hồng Sơn là một trong những CLB có đầy đủ nhạc cụ nhất trong những CLB đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ta. Đa số đều do các thành viên tự đóng góp.

Hiện nay, ngoài tập luyện các tiết mục văn nghệ, CLB thường chia theo nhóm và xuống tới các thôn, xóm của 3 xã (Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu, Quỳnh Thạch) để truyền dạy hát dân ca cho các chi hội như: hội phụ nữ, hội nông dân, các cháu thiếu nhi… Với mong muốn dân ca ví, giặm dần được lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

Hát ví giặm trên sông Vinh, CLB dân ca phường Vinh Tân. Tác giả: Trường Sinh.
Hát ví giặm trên sông Vinh, CLB dân ca phường Vinh Tân. Tác giả: Trường Sinh.

Mới đây, chúng tôi đã về Xuân Hòa, thăm CLB dân ca, ví phường vải do bác Đinh Xuân Tình – chủ tịch Hội Người cao tuổi xã kiêm chủ nhiệm CLB.

Được đánh giá là một trong những CLB hoạt động hiệu quả nhất của Nam Đàn, thế mạnh của CLB dân ca Xuân Hòa là có nhiều nghệ nhân cao tuổi nên công tác sưu tầm lời cổ rất tốt. Đến nay, hầu như các lời cổ như “Thập ân phụ mẫu”, “Phụ tử tình thâm” … đã được các hội viên hát nhuần nhuyễn.

Cụ bà Hồ Thị Mão (xấp xỉ 70 tuổi) cho biết: Đến với CLB là để thỏa lòng đam mê dân ca, để được hát dân ca mỗi ngày. Ngày xưa, lúc còn nhỏ, bà thường theo mẹ ra sân đình nghe hát ví phường vải, ví đò đưa… mê lắm, mê đến nỗi tối nào cũng đi. Rồi dân ca thấm dần, thấm dần. Nay tuổi cao, niềm ước mong có CLB để sinh hoạt, vừa góp phần bảo tồn dân ca, vừa tạo cho tinh thần thêm lạc quan.

CLB UNESCO dân ca ví giặm trình diễn ở Hồ Tây (Hà Nội).	 Ảnh: Lê thanh phong
CLB UNESCO dân ca ví giặm trình diễn ở Hồ Tây (Hà Nội). Ảnh: Lê Thanh Phong

Từ ngày CLB dân ca của xã hoạt động, không khí văn hóa – văn nghệ dường như sôi nổi hơn. Bởi bất kỳ ngày lễ, ngày Tết, hay ngày hội của xã, đều có sự tham gia của CLB. Có thể nói, những tiết mục của CLB tuy là “cây nhà lá vườn” nhưng đã tạo nên một sức sống mới cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân lao động. Bởi khi họ lên sân khấu, được khoác trên mình tấm áo tứ thân, được hát những làn điệu ngọt ngào, sâu lắng để phục vụ chính hàng xóm mình, chính con cháu mình, có cảm giác rất lạ…

Lan tỏa cội nguồn

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 100 câu lạc bộ dân ca hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Các tiết mục, chương trình văn nghệ của các CLB trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân. Từ hoạt động của các CLB, dân ca đã được nuôi dưỡng bằng chính niềm đam mê cháy bỏng của những người dân lao động chân chất. Ở đó, chúng ta bắt gặp các cụ bà, cụ ông mái đầu bạc trắng vẫn ngày đêm truyền dạy cho con cháu những lời ca cổ. Tuy giọng hát không còn trong trẻo, mượt mà nhưng chính các cụ là người đã truyền lửa dân ca cho lớp trẻ hôm nay. Chị Thanh Hải (33 tuổi) thành viên CLB dân ca xã Cát Văn – Thanh Chương cho biết: “Bản thân em rất yêu thích những làn điệu dân ca, sau những ngày lao động mệt nhọc, tối đến sắp xếp xong việc nhà, em thường hát những bài dân ca mộc mạc cho chồng và các con nghe. Chính chồng em là người động viên, tạo điều kiện thuận lợi để em có thể tham gia các buổi sinh hoạt CLB”.

Một buổi luyện tập của CLB Dân ca Diễn Bình (Diễn Châu).
Một buổi luyện tập của CLB Dân ca Diễn Bình (Diễn Châu).

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca xứ Nghệ, thời gian qua tỉnh ta cũng đã có rất nhiều động thái: cụ thể: ngày 25/6 vừa qua, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 370 KH/UBND về việc triển khai Chương trình MTQG năm 2015 về hỗ trợ CLB dân ca trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm tại địa phương. Đưa dân ca ví, giặm vào phục vụ khách du lịch ở Cửa Lò, Khu di tích Kim Liên. Kịp thời vinh danh các nghệ nhân dân gian trong đó có dân ca. Một số địa phương trên địa bàn tỉnh như Nam Đàn triển khai đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị hát ví phường vải”, Diễn Châu hỗ trợ mỗi CLB dân ca mới thành lập 5 triệu đồng…

Ông Phạm Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở VHTT và DL khẳng định: Có thể thấy rằng, những năm gần đây, đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Nghệ đã ngày càng đổi thay. Cùng với xây dựng đời sống văn hóa mới, con người mới nhưng những giá trị văn hóa tinh thần của cha ông để lại vẫn được người dân hết sức gìn giữ. Chính sự ra đời của các CLB dân ca là nền tảng, là cái hồn cho phong trào văn nghệ quần chúng cơ sở ngày càng phát triển làm cho nhà nhà đều hát dân ca, ngành ngành, người người đều hát dân ca./.

Thanh Thủy – Việt Hùng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới