Nuôi 'tằm tươi' đặc sản, nông dân Nghệ An thu lãi cao

(Baonghean.vn) - Thay vì trồng dâu nuôi tằm lấy kén dệt vải, nông dân xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương nuôi "tằm tươi” - loại tằm dùng để chế biến các món ăn đặc sản.

Dòng sông Lam gần như ôm trọn lấy xã Lưu Sơn, có đến 4/5 diện tích của xã tiếp giáp với sông Lam. Với lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Lưu Sơn có diện tích đất bãi trải dài ngút ngắt. Phù sa màu mỡ của dòng sông đã giúp cho cây trồng nơi đây phát triển xanh tốt.

Riêng diện tích cây dâu, toàn xã có 11,7 ha. Khác với nhiều địa phương trồng dâu, nuôi tằm để lấy kén ươm tơ, bà con nông dân Lưu Sơn lại trồng dâu, nuôi “tằm tươi” để bán. “Tằm tươi” là tằm nuôi được 15 ngày, loại tằm này được bán để người tiêu dùng chế biến làm món ăn vừa “khoái khẩu”, vừa bổ dưỡng.

Bà Thái Thị Dương, xóm Phú Thọ xã Lưu Sơn đang chăm sóc lứa “tằm tươi”. Ảnh: Ngọc Phương
Bà Thái Thị Dương, xóm Phú Thọ xã Lưu Sơn đang chăm sóc “tằm tươi”. Ảnh: Ngọc Phương
Hiện tại, toàn xã Lưu Sơn có 50 hộ nuôi tằm, tập trung chủ yếu ở 2 xóm Hồng Phong và Phú Thọ. Bà con nuôi tằm mua 1 vòng trứng giá 90 ngàn, khi tằm phát triển được 15 ngày sẽ trải đều ra 6 nong. Sản lượng đạt 30 đến 35 kg. Với giá bán 60 ngàn đồng/kg, nuôi 1 vòng trứng bà con thu về gần 2 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng bà con nuôi 2 vòng trứng, đạt 3,6 đến 4,2 triệu đồng/tháng.

Lợi nhuận nuôi tằm hơn nuôi lợn và trâu bò, hơn cả làm rau màu. Gia đình cứ nuôi hết vòng này lại nuôi tiếp vòng khác. 

Bà Thái Thị Dương - xóm Phú Thọ, xã Lưu Sơn

Giống tằm mà bà con lựa chọn nuôi là tằm kén vàng Việt Nam. Loại giống này được mua từ Thái Bình. Khi cho ra thành phẩm để làm thức ăn có chất lượng cao hơn nhiều so với giống tằm kén trắng đang phổ biến trên thị trường. Tằm rất nhạy cảm với môi trường, chỉ cần ngửi mùi thuốc xịt muỗi, kiến, thuốc bảo vệ thực vật, tằm sẽ bị chết. Vậy nên “tằm tươi” là thực phẩm rất sạch.
Giống tằm nuôi để bán làm thức ăn đặc sản là giống tằm kén vàng Thái Bình. Ảnh: Ngọc Phương.
Giống tằm nuôi để bán làm thức ăn đặc sản là giống tằm kén vàng Thái Bình. Ảnh: Ngọc Phương.
Khi chế biến, tằm được luộc sôi bằng nước có pha chút ít muối, vớt ra để ráo nước, rang vàng cho đến khi săn lại, thêm gia vị cùng hành, lá chanh sẽ trở thành món ăn hấp dẫn. Nhờ vị béo, thơm và hàm lượng chất dinh dưỡng cao của tằm nên rất nhiều người mua. Thương lái săn tìm sản phẩm ngày càng đông.

Trước lợi ích của nuôi tằm thương phẩm, xã Lưu Sơn rất quan tâm đến việc phát triển mô hình này.

“Xác định nghề nuôi tằm thương phẩm là một thế mạnh và cho thu nhập hiệu quả rất cao, xã tiếp tục chỉ đạo nhân dân duy trì tốt 11,7 ha dâu. Chỉ tính riêng trong vòng 3 tháng gần đây, từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5 này, theo số liệu tổng hợp bà con nuôi tằm đã thu lãi ròng hơn 200 triệu đồng. Trong thời gian tới xã chúng tôi có thể mở rộng thêm để phát huy hiệu quả mô hình nuôi tằm thương phẩm này”.

Ông Trần Danh Trung - Phó bí thư Đảng bộ xã Lưu Sơn

Tằm được tư thương bán ngay tại chợ với giá 75 ngàn đồng/kg. Ảnh: Ngọc Phương
Tằm được tư thương bán ngay tại chợ với giá 75 ngàn đồng/kg. Ảnh: Ngọc Phương
Việc nuôi “tằm tươi” đặc sản để bán mà không qua giai đoạn chờ tằm đóng tổ tạo kén đã rút ngắn được thời gian quay vòng sản xuất. Tránh bị tư thương ép giá khi bán kén, bán tơ. Cùng với đó, nhờ nguồn đầu tư thấp, chỉ bỏ ra 90 ngàn trong vòng 15 ngày đã thu về 1,8 đến 2,1 triệu đồng, bà con rất phấn khởi. Bên cạnh đó, nuôi “tằm tươi” tận dụng được lao động dôi dư nên đã trở thành một hướng đi kinh tế hộ phù hợp ở xã Lưu Sơn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
Nuôi tằm còn có lợi thế nữa đó là tận dụng được hết các sản phẩm phụ. Cồi của các nhánh dâu sau khi tằm ăn còn thừa được dùng làm thức ăn cho trâu bò. Phân tằm sử dụng để bón cho cây rau màu, cây sẽ phát triển xanh tốt nhanh chóng. Nếu bà con không trồng rau sẽ bán với giá 40 ngàn đồng/10 kg.
Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng

Tin mới