Ở nơi học sinh mất hàng tháng mới đọc được một chữ cái

(Baonghean.vn) - Thầy giáo phải nhờ đến phiên dịch. Trò được cô giáo đến nhà đón vào mỗi buổi sáng. Phải mất hàng tháng trời để dạy các em viết được một chữ cái… Đó là chuyện thường ngày ở bản vùng biên Pà Khốm.

1.JPG
Pà Khốm là quần cư người Mông trên núi cao xã vùng biên Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An). Điểm trường tiểu học sở tại có 59 học sinh đang phải học tập trong những căn lán nhỏ hẹp, thưng bằng ván sa mu.
2.jpg
Những năm gần đây, sự quan tâm của các tổ chức xã hội, từ thiện đã mang lại ít nhiều thay đổi đời sống, học tập của học trò nơi đây. Các em đã có đồng phục mới, áo ấm đến lớp.
3.jpg
 Trong ảnh là các em học sinh bản Pà Khốm trong trang phục truyền thống xuống núi nhận quà từ thiện vào cuối tháng 9.
4.jpg
Tại một địa điểm cao nhất trong bản, có một ngôi trường tạm tồn tại đã hàng chục năm nay. Những phòng học rộng chỉ khoảng 20m2, mái và vách đều bằng ván gỗ sa mu. Năm học 2016 – 2017, điểm trường Pà Khốm có 3 thầy giáo, 2 cô giáo. Trong đó có 2 thầy giáo đã “cắm bản gần 20 năm nay.
5.jpg
 Một giáo viên công tác lâu năm tại xã biên giới Tri Lễ chia sẻ: Tại ngôi trường nhỏ và hẹp này, mỗi ngày thầy và trò thực sự đánh vật với từng con chữ. Nhiều học trò không quen cầm bút nên việc luyện viết cho các em là một nhiệm vụ gian nan. Để viết được một chữ cái chuẩn, có trò phải luyện mất một vài tuần. Tuy nhiên, việc phát âm của học trò còn khó khăn bội phần. Có em biết viết ra nhưng không thể phát âm chuẩn một số từ tiếng Việt.
6.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Lưu, điểm trường tiểu học bản Pà Khốm chia sẻ: Khó khăn nhất của thầy cô giáo nơi đây là sự bất đồng ngôn ngữ, thầy trò “không hiểu tiếng của nhau”. Điều này luôn đòi hỏi phải có một thầy giáo người Mông để “phiên dịch”.
7.jpg
Sự e ngại trong tiếp xúc của cộng đồng người Mông và cuộc sống mưu sinh hàng ngày khiến việc vận động học sinh đến lớp ở Pà Khốm gặp không ít khó khăn. Cô giáo Lưu chia sẻ: Để chuẩn bị cho mỗi buổi học, thầy cô phải dậy sớm đến nhà để đón các cháu đến trường. Vào mùa gặt lúa, mùa hái măng, nhiều trẻ theo cha mẹ lên núi, thầy cô lại phải băng đồi đi vận động trẻ đến lớp. Trong ảnh, bầy trẻ chờ cô giáo đến đón mới chịu lên lớp.
8.jpg
 Giờ ra chơi náo nhiệt hiếm thấy của bầy trẻ bản Pà Khốm khi có một tổ chức từ thiện ghé thăm. Dự kiến cuối năm 2016 này các em sẽ từ bỏ những lớp học chật hẹp chuyển đến một địa điểm khác, trong một ngôi trường mới được xây dựng từ nguồn vốn quyên góp của một tổ chức xã hội và chính quyền địa phương. Ngôi trường mới được kỳ vọng là sẽ tạo thuận lợi cho cả thầy và trò bản vùng biên này có được nơi giảng dạy, học tập thuận lợi hơn.

Hồ Phương – Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới