Ở nơi ngày nào cũng có lợn chết vì dịch tả châu Phi

(Baonghean.vn) - Suốt 1 tháng qua, hầu hết ngày nào xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) cũng có mẫu xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Địa phương này đang lo đàn lợn của xã sẽ bị xóa sổ, bởi tình trạng lợn ốm chết vẫn đang diễn ra hàng ngày.
Ngày nào cũng có người báo lợn ốm
Xóm 3 là địa bàn hiện có số hộ chăn nuôi có dịch tả lợn châu Phi nhiều nhất xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) hiện nay. Bởi vậy, khi nói đến dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Bá Hà - Xóm trưởng lo lắng: Cả tháng nay, hầu như ngày nào xóm cũng phải đi tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch, giờ mỗi khi nghe bà con báo có lợn ốm là ớn.
Gia đình ông Cù Hiện ở xóm 3, xã Quỳnh Thanh vừa phải tiêu hủy 7 con lợn do nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng
Gia đình ông Cù Hiện ở xóm 3, xã Quỳnh Thanh vừa phải tiêu hủy 7 con lợn do nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng

Xóm có 240 hộ thì có 100 hộ nuôi lợn, chủ yếu là lợn nái, cuộc sống phụ thuộc vào thu nhập từ chăn nuôi lợn nhưng đợt dịch tả lợn châu Phi này đã khiến 20 hộ phải tiêu hủy lợn, với tổng số 40 con.

Điều đáng lo ngại là, hiện vẫn còn một số đàn lợn bị ốm, nghi dịch tả lợn châu Phi, nếu cứ đà này, không lâu nữa đàn lợn của xóm sẽ bị xóa sổ.

Ông Nguyễn Bá Hà - Xóm trưởng xóm 3, xã Quỳnh Thanh

Gia đình ông Trần Văn Long ở xóm 3, xã Quỳnh Thanh hiện có 4 con lợn đang bị ốm, trong đó có 1 con bị chết trong sáng 8/7, nhưng cán bộ thú y huyện chưa lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy. Ảnh: Xuân Hoàng
Gia đình ông Trần Văn Long ở xóm 3, xã Quỳnh Thanh hiện có 4 con lợn đang bị ốm, trong đó có 1 con bị chết trong sáng 8/7, nhưng cán bộ thú y huyện chưa lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy. Ảnh: Xuân Hoàng

Gia đình ông Cù Hiện có 7 con lợn (2 nái, 5 lợn thịt) vừa bị tiêu hủy ngày 5/7. Ông Hiện cho hay: Gia đình nuôi lợn nái từ nhiều năm trước, mỗi năm thu nhập trên dưới 10 triệu đồng từ bán lợn giống. Do vậy, khi lợn của gia đình bị dịch, phải tiêu hủy, đồng nghĩa gia đình mất đi nguồn thu chính, giờ chấp nhận "treo" chuồng.

Nguyên nhân dịch bùng phát
Ông Hồ Xuân Xuyên - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh cho biết: Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn xã từ ngày 4/6, nhưng đến ngày 5/7 dịch đã lây lan ra 72 hộ, với 155 con lợn đã bị tiêu hủy (82 lợn nái, 49 con theo mẹ, còn lại là lợn thịt). 
Lực lượng trực chốt chặn dịch trên địa bàn xã Quỳnh Thanh rất vất vả phòng chống dịch trong những ngày nắng nóng. Ảnh: Xuân Hoàng
Lực lượng trực chốt chặn dịch trên địa bàn xã Quỳnh Thanh rất vất vả phòng chống dịch trong những ngày nắng nóng. Ảnh: Xuân Hoàng

Quỳnh Thanh là địa phương thuần nông, chăn nuôi chiếm 50% tỷ trọng nông nghiệp, vì vậy trước ngày 4/6, địa phương có 1.800 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn 2.300 con. Khi xảy ra ổ dịch đầu tiên trên địa bàn xã, chính quyền địa phương đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo quy định của cơ quan thú y.

Đến ngày 5/7, huyện đã cấp cho xã 153 lít hóa chất và 2,6 tấn vôi bột, ngoài ra xã còn mua thêm 50 lít hóa chất và 7 tấn vôi bột, lập 6 chốt kiểm dịch tạm thời, huy động toàn bộ lực lượng đoàn thanh niên, công an, quân sự trực chốt... nhưng dịch vẫn lây lan rộng, có những ngày địa phương tiếp nhận 3 - 4 mẫu bệnh phẩm dương tính dịch tả lợn châu Phi. 

Ông Hồ Xuân Xuyên - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh cho biết

Theo ông Xuyên, nguyên nhân chính khiến dịch bùng phát mạnh trên địa bàn xã: Thứ nhất, người dân trong xã chăn nuôi lợn chủ yếu nhỏ lẻ, trong khi đó ý thức của người dân còn lơ là, chủ quan với dịch. Thứ hai, trên địa bàn xã có nhiều điểm cuối của sông, kênh đổ về, khiến mầm bệnh dễ phát sinh. Thứ ba, xã có chợ họp cả ngày, thu hút người dân các xã lân cận đến kinh doanh, buôn bán, rất khó kiểm soát dịch bệnh...
Ông Xuyên cũng thừa nhận, công tác chỉ đạo, giám sát phòng chống dịch của chính quyền địa phương có lúc chưa sát sao.
Một chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn xã Quỳnh Thanh. Ảnh: Xuân Hoàng
Một chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn xã Quỳnh Thanh. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định: Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) hiện là địa phương có dịch tả lợn châu Phi bùng phát nhiều điểm nhất tỉnh. Giải pháp phòng chống, khống chế dịch đối với địa phương là tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu, có biện pháp phòng bệnh được tốt hơn, đồng thời thường xuyên phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi lợn, làm tốt công tác kiểm soát vận chuyển lợn, khống chế mầm bệnh.

Tin mới