Ô tô cỡ nhỏ tại Việt Nam sẵn sàng vào cuộc chiến

Không còn là “lãnh địa” của xe Hàn, màn đổ bộ của những “tân binh” như Toyota Wigo, Suzuki Celerio đang mở ra cuộc cạnh tranh đầy hấp dẫn ở phân khúc ô tô cỡ nhỏ hạng A tại Việt Nam.

Phân khúc ô tô cỡ nhỏ hạng A tại Việt Nam ngày càng cạnh tranh
Phân khúc ô tô cỡ nhỏ hạng A tại Việt Nam ngày càng cạnh tranh

Được xem là một trong những dòng xe có giá bán thấp nhất thị trường, nhưng từ trước đến nay phân khúc ô tô cỡ nhỏ hạng A vốn không có nhiều lựa chọn dành cho người tiêu dùng Việt. Quanh đi quẩn lại KIA Morning hay Hyundai Grand i10 vẫn là hai lựa chọn sáng giá nhất cho những khách hàng có ý định “mua sắm” xe hơi với túi tiền dưới 500 triệu đồng.

Wigo - mẫu xe cỡ nhỏ của Toyota sẽ bán ra thị trường VN vào đầu năm 2018

Wigo - mẫu xe cỡ nhỏ của Toyota sẽ bán ra thị trường VN vào đầu năm 2018

Theo thời gian, trong những năm qua hai mẫu xe Hàn Quốc biến phân khúc xe hạng A trở thành “lãnh địa” riêng. Tuy nhiên thế độc tôn này đang có nguy cơ bị phá vỡ khi những tân binh như Toyota Wigo, Suzuki Celerio với lợi thế nhập khẩu từ ASEAN sẽ tràn về Việt Nam vào năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô giảm về 0%.

Lợi thế của tân binh

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, Toyota và Suzuki tỏ ra khá thận trọng trong việc mang những mẫu xe cỡ nhỏ như Wigo, Celerio tiếp cận thị trường Việt.

Hai hãng xe Nhật Bản lần lượt đưa Toyota Wigo, Suzuki Celerio trưng bày tại Triển lãm ô tô Việt Nam 2017, nhằm thăm dò ý kiến khách hàng, trước khi chính thức bán ra đầu năm 2018. Động thái này vừa giúp Toyota, Suzuki có thêm thời gian điều chỉnh sản phẩm đáp ứng kỳ vọng người tiêu dùng, vừa có thể theo dõi diễn biến thị trường trước khi niêm yết giá bán tại Việt Nam.

Không gian nội thất trên Toyota Wigo

Không gian nội thất trên Toyota Wigo

Ngoài kiểu dáng thời trang với những trang bị như đèn định vị, đèn hậu dạng LED, mâm xe 14 inch, Toyota Wigo sở hữu khoang nội thất khá đơn giản. Ghế ngồi bọc nỉ trong khi nhiều chi tiếp ốp nhựa cùng với điều hòa chỉnh cơ. Mẫu xe này chỉ được Toyota trang bị động cơ 1.0 lít, công suất 65 mã lực mô men xoắn 89 Nm. Trong khi đó, được định vị là dòng xe giá rẻ, Suzuki Celerio cũng có thiết kế đơn giản và trang bị tính năng chỉ dừng lại ở mức cơ bản.

Đặt lên bàn cân so sánh, Toyota Wigo, Suzuki Celerio tỏ ra “lép vế” hơn so với những gì mà Hyundai Grand i10, KIA Morning đang sở hữu. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dùng cùng với giá bán cạnh tranh để chiếm thị phần... mới là mục tiêu mà Toyota hướng tới khi gia nhập phân khúc xe cỡ nhỏ vốn đã bỏ ngõ hơn 20 năm qua tại Việt Nam.

Suzuki Celerio trình làng tại Triển lãm ô tô Việt Nam 2017

Suzuki Celerio trình làng tại Triển lãm ô tô Việt Nam 2017

Wigo được Toyota lắp ráp tại Indonesia, trong khi dây chuyền sản xuất Celerio đang được Suzuki vận hành tại Thái Lan. Cả hai quốc gia này đều có nền công nghiệp ô tô phát triển nhất nhì khu vực Đông Nam Á, sẽ tạo cơ sở để Toyota Wigo, Suzuki Celerio đạt hàm lượng nội địa hóa nội khối trên 40%. Qua đó, có thể hưởng mức thuế nhập khẩu 0% từ ASEAN vào Việt Nam từ năm 2018. Đây được xem là yếu tố quyết định để những tân binh này nắm lợi thế trong cuộc đua về giá bán so với hai đối thủ KIA Morning và Hyundai Grand i10.

Xe Hàn nghênh chiến

Hai mẫu xe Hàn Quốc tất nhiên không để những tân binh như Toyota Wigo, Suzuki Celerio dễ dàng tận dụng lợi thế về giá để lấn chiếm miếng bánh thị phần vốn rất “béo bở” ở phân khúc ô tô cỡ nhỏ.

Những động thái mới đây cho thấy, cả KIA Morning và Hyundai Grand i10 đều đã sẵn sàng nghênh chiến trước màn đổ bộ của các mẫu xe nhập khẩu. Trước đó, Grand i10 thế hệ mới được Hyundai Thành Công chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp tại nhà máy ở Ninh Bình. Đây được xem là động thái khá bất ngờ, bởi theo một số chuyên gia, hiện tại giá ô tô lắp ráp tại Việt Nam đang cao hơn giá xe nhập từ các nước trong khu vực ASEAN từ 10 - 20%. Hiện tại, tỉ lệ nội địa hóa của Grand i10 CKD cũng chỉ ở mức 10%. Tuy nhiên, đại diện Hyundai Thành Công cho rằng, đây là sự đầu tư về lâu dài của Hyundai tại Việt Nam. Không những thế đơn vị này cũng đã lên kế hoạch tăng tỉ lệ nội địa hóa của Grand i10 lên 40% trong 3 năm tới để xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực.

Hyundai Grand i10 lắp ráp tại nhà máy Hyundai Thành Công ở Ninh Bình, Việt Nam

Hyundai Grand i10 lắp ráp tại nhà máy Hyundai Thành Công ở Ninh Bình, Việt Nam

Đây rõ rằng là bước đi đầy toan tính của Hyundai Thành Công, trong bối cảnh chính sách, thị trường đang đứng trước những thay đổi lớn. Vào tháng 6.2017, Bộ Công Thương vừa có báo cáo về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô với nhiều đề xuất giải pháp phát triển ngành này. Trong đó, có đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước của ô tô. Nếu chính sách này được Chính phủ thông qua, sẽ tạo ra rất nhiều lợi thế cạnh tranh cho các mẫu xe lắp ráp, sản xuất trong nước như Hyundai Grand i10.

Trong khi đó, Trường Hải (THACO) không chỉ tiếp tục duy trì dây chuyền lắp ráp mà còn liên tục giảm giá bán cho KIA Morning tại Việt Nam. Sau khi giảm 5 triệu đồng vào tháng 7.2017, giá bán KIA Morning tiếp tục giảm thêm từ 1 - 2 triệu đồng cho từng phiên bản trong tháng 8.2017. Hiện tại, KIA Morning đang trở thành mẫu xe hấp dẫn nhất trong phân khúc xe cỡ nhỏ hạng A khi chỉ có giá bán từ 315 - 402 triệu đồng.

KIA Morning liên tiếp giảm giá bán tại Việt Nam

KIA Morning liên tiếp giảm giá bán tại Việt Nam

Xét về thực lực, Hyundai Grand i10 đang nắm lợi thế về chất lượng lắp ráp khi được đầu tư dây chuyền hiện đại, KIA Morning cho thấy sức cạnh tranh về giá bán. Trong khi đó, dù xuất hiện với danh phận “tân binh” nhưng Toyota Wigo, Suzuki Celerio đang nắm trong tay những lợi thế khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào Việt Nam giảm về 0%.

Mỗi bên một thế mạnh, nhưng rõ ràng màn chào sân của các “tân binh” đang mở ra cuộc cạnh tranh đầy hấp dẫn cho phân khúc xe cỡ nhỏ hạng A khi bước sang năm 2018. Qua đó, mang đến cho người tiêu dùng Việt nhiều lựa chọn mới với mức giá tốt hơn.

Theo TNO

TIN LIÊN QUAN

Tin mới