Ốc bươu vàng tràn ngập trên nhiều cánh đồng lúa xuân ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Sau một thời gian gieo cấy, rất nhiều diện tích lúa xuân trên địa bàn Nghệ An tràn ngập ốc bươu vàng phá hoại, khiến cho bà con nông dân phải vất vả diệt trừ.
Vụ lúa xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 90.700 ha, trong đó có 31.600 ha gieo sạ. Thời điểm sau khi gieo cấy, bà con nông dân phải đối mặt với nạn ốc bươu vàng phá hoại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Người nông dân phải xách xô đi lùng bắt ốc bươu vàng trên ruộng. Ảnh: Tiến Đông
Người nông dân xách xô đi bắt ốc bươu vàng trên ruộng. Ảnh: Tiến Đông

Mặc dù người dân đã chủ động phun các loại thuốc, bỏ bã để dẫn dụ ốc bươu vàng về 1 góc ruộng để bắt, thế nhưng, với đặc tính sống dai, sinh trưởng và phát triển mạnh nên chỉ một thời gian ngắn, ốc bươu vàng đã tràn ngập trên khắp các mặt ruộng.

Bà Xuân ở xóm 1, xã Hưng Nghĩa (Hưng Nguyên) cho biết, gia đình bà gieo cấy hơn 5 sào lúa, năm nay ốc bươu vàng phát triển rất nhanh, vừa phun vừa bắt nhưng chỉ mấy hôm lại đầy ruộng. Thậm chí, trứng ốc vẫn còn bám trên thân lúa, thân cỏ và các tấm bạt ni lông giăng xung quanh bờ.

Hiện tại do việc phun thuốc diệt ốc không hiệu quả nên người dân đang phải dùng phương pháp thủ công, đi bắt ốc, sau đó đem giết bỏ, hoặc đem về làm thức ăn cho ngan, vịt. Ảnh: TL
Do ốc bươu vàng phát triển mạnh nên chỉ một góc ruộng, người dân đã bắt được hàng chục con. Ảnh: Tiến Đông
Ông Phan Quang Mão - Chủ tịch UBND xã Hưng Nghĩa cho biết, vụ xuân năm nay, kế hoạch của toàn xã là gieo cấy hơn 450 ha lúa. Ngoài các loại sâu, bệnh thối thân, thối bẹ, thì ốc bươu vàng cũng là một vấn nạn khiến người dân đau đầu.
Đặc biệt, phần diện tích gieo sạ bị ốc bươu vàng phá hoại rất nhiều. Ngay sau khi gieo sạ, người dân cũng đã được khuyến cáo phun thuốc, bỏ bã diệt ốc, nhưng cũng chỉ hạn chế phần nào chứ không diệt trừ tận gốc được.
Ở nhiều cánh đồng, từng lớp ốc bươu vàng mới nở rải đầy khắp mặt ruộng như hạt sạn. Do chưa thể thả vịt bắt ốc, nên người dân đành phải dùng phương pháp thủ công, vừa tốn sức, vừa tốn thời gian. Ảnh: TL
Có những đám ruộng, ốc bươu vàng xuất hiện dày đặc. Ảnh: Tiến Đông
Ở các cánh đồng thuộc địa bàn xã Hưng Chính (TP. Vinh), từng lớp ốc bươu vàng mới nở rải đầy khắp mặt ruộng như hạt sạn. Do phải đi bắt nên vừa tốn sức, lại tốn thời gian.
Anh Thuận, một hộ dân tại xã Hưng Chính cho biết: Gia đình anh làm gần 1 mẫu ruộng, vì không có thời gian nên chủ yếu gieo thẳng. Từ sau khi gieo đến nay, gia đình đã tiến hành đi bắt ốc bươu vàng nhiều lần nhưng không xuể. Sau khi kiểm đếm thì có những thửa ruộng mật độ ốc bươu vàng lên đến 150 con/m2.
Theo ông Hoàng Nghĩa Ân - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hưng Nguyên thì năm nay toàn huyện gieo thẳng khoảng 2.500 ha trên tổng số 5.300 ha. Hiện nay, song song với việc phòng trừ sâu bệnh, địa phương cũng đã tích cực thông báo cho bà con nông dân dùng nhiều biện pháp để diệt trừ ốc bươu vàng, nhằm giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh.
Tại Thanh Chương, vụ lúa xuân năm nay, địa phương này gieo cấy hơn 8.600ha lúa, tuy nhiên, thời điểm sau Tết, khi người dân đi thăm đồng thì phát hiện rất nhiều ốc bươu vàng phá hoại. Chính vì thế, chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân tích cực đi kiểm tra, nếu khu vực nào có nhiều ốc bươu vàng thì phải có biện pháp xử lý. Ảnh: TL
Ốc bươu vàng phá hoại cây lúa bằng cách ăn rễ và gốc lúa còn non, khiến cho cây lúa bị mất sức, kém phát triển, thậm chí là bị chết. Ảnh: Tiến Đông
Tại huyện Thanh Chương, vụ lúa xuân năm nay, địa phương này gieo cấy hơn 8.600 ha lúa, trong đó có khoảng 50% là gieo thẳng. Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Sau thời gian nghỉ Tết, huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức kiểm tra, kịp thời thông báo cho người dân tình hình dịch bệnh và các loại con vật phá hoại trên lúa xuân. Đối với ốc bươu vàng thì kêu gọi người dân chủ động phòng trừ bằng cách phun thuốc và đi bắt thủ công bằng tay.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV, thời điểm sau khi gieo cấy, diện tích lúa xuân trên địa bàn tỉnh xuất hiện ốc bươu vàng có mật độ dày lên đến 387 ha. Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục Trưởng, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Nghệ An chia sẻ, sau khi cây lúa đã phát triển ổn định và cứng thân, đối với những diện tích còn xuất hiện ốc bươu vàng, người dân có thể thả vịt vào ruộng để vừa diệt trừ ốc, vừa giúp sục bùn làm tơi thoáng đất, giúp cho cây lúa phát triển tốt hơn.

Tin mới