Ông chủ trẻ đất Cừa

Một ngày cuối năm, ngồi trong căn nhà của Đặng Xuân Sỹ có kiến trúc mới mẻ, đồ sồ bậc nhất ở đất "Cừa" xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ), được nghe anh kể những thăng trầm trong suốt 17 năm ấp ủ giấc mộng trở thành ông chủ.

Từ "cầm vô lăng" thuê

Lần đầu gặp Sỹ, trông anh có vẻ dày dạn với cuộc sống, nhanh nhẹn, nói năng dứt khoát, trên khuôn mặt chữ điền thỉnh thoảng mở nụ cười tươi, dễ gây cảm tình lòng người. Sinh năm 1974, trong một gia đình nông dân đặc sệt, trên mảnh đất có thương hiệu "ngói Cừa", Đặng Xuân Sỹ tốt nghiệp THPT rồi thi đậu vào Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An (năm 1992). Cầm được giấy báo nhập học, đối với các bạn trẻ khác thì đây là niềm mơ ước lớn của cả cuộc đời. Nhưng với Sỹ thì đây là một trăn trở, cần phải cân nhắc trước ngưỡng cửa của cuộc đời.

Sỹ thành thật, không phải vì không thích nghề dạy học, nhưng thú thực lúc bấy giờ đồng lương của người giáo viên không đảm bảo cuộc sống! Vậy là Sỹ quyết định đi theo nghề khác, đó là đi học lái xe. Cha mẹ anh biết chuyện, ngày đêm khuyên anh nên theo nghề sư phạm, nhưng anh vẫn một hai theo con đường mình tâm đắc, mặc dù nghề đó vất vả và có khi nguy hiểm. Năm 1993, Sỹ bắt đầu làm nghề "vặn vô lăng" thuê, chuyên vận chuyển hàng hóa đi Hà Nội, Sài Gòn... Sỹ tâm sự: Làm nghề lái xe nay đây mai đó cũng thú vị, thời điểm đó nghề lái xe có giá, chủ xe ăn nên làm ra nên trả tiền công cũng hậu. Chính vì thế, mỗi lúc nằm nghĩ, giấc mơ làm giàu cứ thôi thúc mình.

"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", Sỹ học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh vận tải, sớm nhạy bén với sự phát triển của kinh tế thị trường, Sỹ bàn với cha mẹ mua một chiếc xe để làm chủ. Lúc đó, cha anh đang làm nghề sản xuất gạch ngói cũng rất cần phương tiện để vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. Năm 1995, cha mẹ hùn vốn và vay mượn thêm mua một chiếc xe tải, giao cho Sỹ làm chủ. Hàng ngày, Sỹ nhận vận chuyển gạch, ngói đến các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Khi "ngói Cừa" có uy tín trên thị trường thì người tiêu dùng tìm đến tận nơi đặt hàng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Anh là một trong những người góp phần xây dựng nên thương hiệu "ngói Cừa" sau này.

... đến ông chủ

Năm 1996, Đặng Xuân Sỹ lập gia đình, được cha mẹ dựng cho căn nhà nhỏ vợ chồng ra ở riêng. Sỹ thêm 4 năm cầm vô lăng, nhen nhóm thêm ít vốn mong muốn là xây dựng một cơ sở sản xuất ngói. Thời điểm đó, để xây dựng một cơ sở sản xuất ngói phải có ít nhất 200 triệu đồng, số tiền như thế là rất lớn đối với vợ chồng trẻ. Đến năm 2001, được sự hỗ trợ của cha mẹ, cùng với lời động viên của bạn bè, trong đó có một câu nói của một thầy giáo dạy lái xe mà Sỹ nhớ mãi là "không nơi mô sướng bằng quê em, vùng đất được thiên phú cho mỏ đất dùng để sản xuất gạch, ngói rất tốt, nếu con người biết đầu tư thì rất dễ làm giàu". Vậy là Sỹ quyết định chuyển sang nghề sản xuất ngói Cừa từ đầu năm 2001.

 Đặng Xuân Sỹ giới thiệu sản phẩm ngói của mình có ký hiệu riêng SP

 Đặng Xuân Sỹ giới thiệu sản phẩm ngói của mình có ký hiệu riêng SP

So với HTX sản xuất kinh doanh- Dịch vụ Làng nghề ngói Cừa thì vợ chồng Sỹ là xã viên gia nhập muộn nhất, nên HTX bố trí cho anh vùng đất ngoài cùng, không mấy thuận lợi. Thật oái oăm, cơ sở sản xuất ngói của vợ chồng vừa cho ra sản phẩm mẻ thứ hai thì giá thành rớt thê thảm, thu không đủ chi, khiến vợ chồng Sỹ từ gia tài hàng trăm triệu đồng trở thành tay trắng. Sỹ cười, lúc đó giấc mơ làm giàu ngay tại quê hương tan biến. Nhiều hôm, vợ chồng bàn bạc bỏ quê để ra nước ngoài lao động kiếm sống. Biết ý định của Sỹ, cha mẹ và các anh, chị một mực phản đối và luôn động viên anh "làm kinh tế sự suy - thịnh là chuyện thường" ở nhà bám lấy nghề, biết đâu sang năm lại "trúng".

Nghe lời cha, vợ chồng Sỹ quyết định vay thêm vốn đầu tư mạnh vào sản xuất ngói. Không ngờ, sang năm 2002, ngói Cừa được giá, vợ chồng Sỹ thắng đậm, có tiền trả hết số nợ do thua lỗ năm trước. ăn nên làm ra, đến cuối năm 2004 vợ chồng mở thêm một cơ sở sản xuất ngói nữa và đến năm 2006 mở thêm một sơ sở sản xuất gạch.

Như vậy đến thời điểm này vợ chồng Sỹ có trong tay 3 sơ sở sản xuất gạch, ngói Cừa. Mỗi năm cơ sở của anh cho ra lò từ 40 - 45 vạn viên ngói và trên 100 vạn viên gạch. Ngoài ra, vợ chồng Sỹ còn đầu tư mua một máy múc, một xe vận tải dùng để kinh doanh. Tính cả 3 cơ sở sản xuất gạch ngói thì hiện tại tổng tài sản kinh doanh của vợ chồng Sỹ trên 3 tỷ đồng. Tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động và khoảng 40 lao động thời vụ. Mỗi năm ông chủ trẻ thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng, đóng góp ngân sách trên dưới 40 triệu đồng/năm.

Ngồi trên chiếc xe hơi hạng sang của vợ chồng Sỹ vừa mới mua có giá trên một tỷ đồng đến cơ sở gạch ngói của anh, thấy hàng chục lao động làm việc như thoi đưa trong dây chuyền. Mỗi người một phần việc, phục vụ cho 2 chiếc máy là máy nghiền đất và máy dập ngói. Sỹ cho biết: Mặc dù đang sử dụng máy thủ công nhưng để cho sản phẩm đẹp thì mình phải tìm thợ có kỹ thuật cao ở tận Thanh Hóa, Hà Tây (Hà Nội). Vì vậy phần lớn công việc kỹ thuật ở đây là người ngoài Bắc, họ làm nhiệt tình và có trách nhiệm cao. Nguyễn Văn Thành - tổ trưởng tổ sản xuất ngói, có vóc người nhỏ, nhưng cơ bắp cuộn tròn, nước da đen bóng, trò chuyện: "Quê tôi ở Thanh Hóa, vào đây làm cho vợ chồng Sỹ được 4 năm, làm nghề này khá vất vả, mình là tổ trưởng phải biết bố trí công việc cho từng người hợp lý thì năng suất mới cao. Mỗi tháng Sỹ trả lương 3 triệu đồng, năm hết Tết đến ông chủ còn gửi quà về cho gia đình ăn Tết, thanh toán tiền tàu xe cho anh em nên ai cũng yên tâm làm việc".

 Ông chủ trẻ đất Cừa ảnh 2
Với Sỹ, để có sản phẩm đẹp, người trực tiếp sản xuất phải là công nhân có tay nghề

 Ông chủ trẻ đất Cừa ảnh 3
Anh Sỹ tạo việc làm cho hàng chục lao động.

Những lúc xếp gạch vào lò, ra lò phải thuê 30 lao động tư do, mỗi tháng anh chi từ 70 - 80 triệu đồng trả lương cho người lao động. Thời điểm cuối năm, ngói Cừa "cháy hàng" nên máy móc phải đảm bảo và động viên anh em lao động để phục vụ khách hàng. Riêng sản phẩm ngói của Sỹ có ký hiệu riêng, ngoài chữ "ngói Cừa" chung của HTX Làng nghề thì mặt kia của viên ngói còn in chữ SP (ký hiệu riêng của vợ chồng Sỹ - Phương). Trước đây làm nhà để phơi ngói chưa nung thường lợp bằng mái tranh, hoặc tấm lợp prô xi măng rất tốn công lao động và nhiều lúc không đảm bảo. Bây giờ đầu tư thay thế tấm lợp bằng chất nhựa sáng. Khi trời mưa không phải che chắn như trước, hơn nữa tấm nhựa sáng lấy được ánh sáng của mặt trời nên không phải mất thời gian đảo ngói mà ngói nhanh khô hơn, tiết kiệm được thời gian. Hiện nay HTX đang xây dựng lò ngói theo mô hình "ống khói cao" để hạn chế ô nhiễm môi trường, do vậy các xã viên sẽ đồng loạt đầu tư xây dựng theo mô hình.

Sau mười mấy năm làm kinh tế, Sỹ rút ra được điều gì? Lặng trong chốc lát, Sỹ nói: Điều cơ bản nhất là mình làm nghề gì thì phải tìm hiểu sâu sản phẩm của mình làm ra. Để có sản phẩm "ngói Cừa" của mình ngày càng đẹp và tốt bản thân tôi đã nhiều lần đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương học hỏi cách làm của họ, đặc biệt là phương pháp đốt lò và sử dựng chất đốt như thế nào cho ngói có màu đẹp và không rạn nứt. Nếu sử dụng chất đốt có chứa chất dầu, như: cây thông, cây cao su... nếu không biết cách thì ngói sẽ bị "hoa lửa". Do vậy, những lúc đốt lò Sỹ đều trực tiếp chỉ đạo.

Hiện nay, Sỹ đang đầu tư xây dựng trang trại rộng 4 mẫu đất anh vừa nhận thầu của xã. Vùng này vốn là ao hồ do HTX Làng nghề ngói Cừa khai thác đất để sản xuất. Sỹ đã đầu tư múc đất, đắp bờ, thành hồ nuôi cá. Kế hoạch của Sỹ là sang năm 2011 sẽ thuê thêm lao động để nuôi thả cá, làm nơi thư giãn.

Ông Hà Văn Biển - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn, nhận xét: Sỹ là một thanh niên nhạy bén, biết vận dụng thời cơ để khẳng định mình trong xã hội. So với nhiều "triệu phú" trẻ tuổi ở đất Nghĩa Hoàn thì Sỹ là điển hình. Ghi nhận những thành tích của anh, những năm qua, bản thân anh được Hội Liên hiệp thanh niên xã cử đi báo cáo thành tích trong Cuộc vận động thanh niên "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở huyện; UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2006 - 2010; Trung ương Hội Nông dân cũng tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, giai đoạn 2005 - 2010 và mới đây nhất, anh vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ./.

Xuân Hoàng

Tin mới