Ông Hồ Xuân Hùng: Nghệ An nên phát triển nông nghiệp “sạch - an toàn - công nghệ cao”

(Baonghean.vn) - Đây là ý kiến của ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tại Hội thảo khoa học: Phát triển khoa học và công nghệ Nghệ An đến năm 2030” do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sáng 14/8.
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thành Duy
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thành Duy
Đăng đàn phát biểu với nội dung: Định hướng nghiên cứu cần ứng dụng KH&CN nhằm thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp Nghệ An, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng định hướng nền nông nghiệp Nghệ An cần chuyển tư duy theo hướng lợi thế so sánh phù hợp, thích ứng với kinh tế thị trường, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã được xác định và các sản phẩm mới sắp tới sẽ được bổ sung.

“Tập trung vào hướng này, nếu không thì đầu tư dàn trải không có hiệu quả lớn” - ông Hùng nói; đồng thời nhấn mạnh cần xóa bỏ tư duy phát triển nông nghiệp toàn diện do có lợi thế đa dạng về sản phẩm. 

Tiếp đó, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam cho rằng, cũng cần định hướng nền nông nghiệp Nghệ An đi theo hướng: sạch - an toàn - công nghệ cao. “Nếu không định hướng rõ thì các nhà khoa học lúng túng trong nghiên cứu” - ông Hồ Xuân Hùng nói và đề nghị tỉnh phải chốt được những nốt này.

Mặt khác, theo ông Hồ Xuân Hùng, quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh cũng cần hướng nâng cao chất lượng, đất đai, lao động, sản phẩm. “Chúng ta đang nặng về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng cây gì nhiều, giảm cây gì, tăng cây gì, giảm con gì, tăng con gì?” - ông nói.

Theo đó, trong tái tổ chức sản xuất thì điều quan trọng nhất là tái cơ cấu lại lao động để có hướng đào tạo nhân lực, tái cơ cấu quỹ đất, sản phẩm và tái cơ cấu đầu tư. 

“Bây giờ nhất giống, nhì phân, tam cần, tứ nước thay tư duy “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ ra thực tế và cho rằng, tiếp cận với tư duy này để có hướng tái cơ cấu đầu tư thích hợp, trong đó khâu giống là quan trọng nhất. 

Góp ý cho quá trình ứng dụng KH&CN vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, song ông Hồ Xuân Hùng cũng lưu ý, quá trình này phải gắn với tái cơ cấu kinh tế nông thôn và nhấn mạnh “tái cơ cấu kinh tế nông thôn phải quan tâm hết sức đến vấn đề văn hóa - xã hội nông thôn”. 

Một bước đi nữa mà các nhà khoa học nên tập trung trong tái cơ cấu nền nông nghiệp, theo ông Hồ Xuân Hùng là cần nghiên cứu tổ chức sản xuất và gắn với tổ chức thị trường để khắc phục tình cảnh “được mùa, mất giá”.

Khép lại phần tham luận, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam gợi mở hướng thu hút nguồn lực KH&CN. “Cái khoa học khôn ngoan là biến không thành có” - ông Hùng nêu lên định hướng và phân tích cách làm này. 

Theo đó, tỉnh cần có chính sách thu hút được doanh nghiệp, tạo môi trường cho doanh nghiệp hiện có trong tỉnh phát triển để tạo niềm tin cho doanh nghiệp mới vào.

Khi có các doanh nghiệp thì họ sẽ đưa công nghệ mới vào như mô hình nuôi bò sữa ở Nghĩa Đàn đã có công nghệ Israel, hay trồng chanh leo ở Quế Phong đã ứng dụng được công nghệ của Đài Loan… Đây là những ví dụ điển hình trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, tỉnh chỉ cần có chính sách thu hút và doanh nghiệp sẽ mang công nghệ vào.

Ông Hồ Xuân Hùng cũng khuyến nghị tỉnh nên có chính sách thu hút các nhà khoa học trong tỉnh phát huy được trí tuệ sáng tạo của mình và các nhà khoa học quê Nghệ An, cả nước tham gia với tỉnh; tạo sự hợp lực của nhiều nhà khoa học trong một chương trình, nhất là chương trình lớn; hỗ trợ kết quả nghiên cứu, ứng dụng cuối cùng cho các cá nhân và doanh nghiệp để động viên, khuyến khích và có chính sách riêng để khuyến khích các nhà khoa học gắn kết quả cuối cùng của mình với sản phẩm cuối cùng của người nông dân.

Tin mới