Ông Nguyễn Đức Chung mất tất cả vì sa vào chủ nghĩa cá nhân

Ông Nguyễn Đức Chung đã đi theo vết xe đổ của một số cán bộ Trung ương biến chất khi sa vào chủ nghĩa cá nhân dẫn đến thân bại, danh liệt.
Cuối tuần qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong vụ án mua hóa chất Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm các hồ ở Hà Nội. Trước đó, ông Chung từng bị xử 5 năm tù giam về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước", bị khởi tố với nghi vấn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu liên quan Công ty Nhật Cường tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Chung trong một phiên tòa
Ông Nguyễn Đức Chung trong một phiên tòa.
Kết luận điều tra đã phơi bày những góc khuất mà dư luận bấy lâu băn khoăn, làm rõ những sai phạm của người từng đứng đầu thành phố hơn 8 triệu dân. Sự thật càng sáng tỏ thì càng thấy sự liều lĩnh, bất chấp pháp luật, bất chấp các nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu. Quyền lực bị lợi dụng, lạm dụng cho những ý đồ cá nhân. Doanh nghiệp sân trước, sân sau, doanh nghiệp người thân, người nhà đã trở thành mục tiêu chi phối các quyết định của người lãnh đạo. Quyền lợi của nhân dân, lợi ích của số đông được xếp ở vị trí thứ yếu. Dùng quyền để có được tiền bạc, rồi lại dùng tiền bạc để đánh bóng tên tuổi.

Những sai phạm mà cơ quan điều tra kết luận về ông Nguyễn Đức Chung, không thể định nghĩa chính xác hơn trong 4 chữ mà người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc tới. Đó là “chủ nghĩa cá nhân”. Chủ nghĩa cá nhân đã bào mòn nhân cách khiến con người ta sa ngã một lần thì tiếp tục “nhúng chàm” ở lần tiếp theo. Sai phạm nọ nối tiếp sai phạm kia, cuối cùng cũng chỉ chung quy hai chữ “quyền” và “tiền”.

Nhưng “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!". Hơn một lần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải nhắc đến tiền bạc và danh dự đối với người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo. Đặt trong trường hợp ông Nguyễn Đức Chung thì càng thấy thấm thía và chua xót.  

Từng là tiến sĩ luật, từng là cán bộ hình sự, được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang khi mới 37 tuổi, được phong tướng khi mới 46 tuổi, rồi lần lượt giữ các chức vụ lãnh đạo ở đơn vị bảo vệ trật tự an toàn cho thủ đô, ông Chung được kỳ vọng sẽ là một nhà lãnh đạo quyết liệt, xông xáo, dám nghĩ, dám làm… Nhưng hiện tượng đôi khi không phản ánh hết bản chất, đúng như Tổng Bí thư nói: Đừng thấy “đỏ” mà tưởng là “chín”.

Trước Đại hội XIII của Đảng, vấn đề nhân sự được thảo luận sôi nổi ở các ngành, các cấp. Đặc biệt ở cấp Trung ương, hai chữ “tài”, “đức” lại được đưa ra làm thước đo để lựa chọn cán bộ. Cả hai vế đều được coi trọng nhưng có lẽ, thực tế công cuộc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, suy thoái vừa qua cho thấy, “đức” phải là gốc, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các học trò của Người đã để lại tiếng thơm cho đời cũng chính bởi đề cao chữ “đức”, chữ “liêm”.

Không tham lam, không lóa mắt bởi đồng tiền, không dùng mọi thủ đoạn để đạt được địa vị; đề cao danh dự, đề cao phẩm chất đạo đức, đề cao sự liêm chính, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên lợi ích cá nhân thì có lẽ, đã bớt đi những cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Từng lãnh đạo “Thủ đô Anh hùng” - trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, giá ông Chung ý thức được trách nhiệm của mình, cùng đảng bộ và chính quyền thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân thay vì can thiệp vào những dự án cụ thể có bóng dáng của người nhà, người quen thì lịch sử thành phố ngày hôm nay đã không bị một vết hoen ố như thế.  

“Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói câu này trong một hội nghị kín, mang tính tâm tình, chia sẻ. Nhưng nay, nó đã chính thức đi vào bài diễn văn tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, đủ thấy ông trăn trở thế nào đối với danh dự của người cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ vị trí lãnh đạo.

Ông Nguyễn Đức Chung đã đi theo vết xe đổ của một số cán bộ Trung ương biến chất khi sa vào chủ nghĩa cá nhân dẫn đến thân bại danh liệt. “Kẻ làm quan mà cái gì cũng rắp tâm mưu đoạt, việc gì cũng bằng mọi thủ đoạn mà làm thì sao mà thiên hạ không đoản, quốc gia không mất” - người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở như vậy.

Tin mới