Ông Tập Cận Bình cảnh báo Đài Loan sẽ nhận “hình phạt lịch sử” nếu ly khai

(Baonghean) - Tại kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 13, Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo Đài Loan sẽ phải nhận “hình phạt lịch sử” nếu hòn đảo này muốn tuyên bố độc lập. Tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh Đài Loan đang tăng cường mối quan hệ phi chính thức với Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 13 ngày 20/3. Ảnh: AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 13 ngày 20/3. Ảnh: AFP
Ngày 20/3, kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 13 đã kết thúc với sự có mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương và gần 3.000 đại biểu Quốc hội Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố muốn thúc đẩy “sự trở về trong hòa bình” của Đài Loan với đất mẹ. Đồng thời sẽ hành động để người Đài Loan có nhiều cơ hội hơn trong sự phát triển của Trung Quốc.

Bằng thái độ kiên quyết hơn bao giờ hết, ông Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh báo “lằn ranh giới đỏ”: “Tất cả các hành động cùng tất cả những mưu tính chia cắt Trung Quốc chắc chắn đều thất bại, sẽ phải chịu sự lên án của mọi người cũng như phải chịu sự trừng phạt lịch sử” và hứa sẽ chiến đấu chống lại tất cả những hành động đòi ly khai.

Trước Đại lễ đường Nhân dân, người đứng đầu Bắc Kinh không quên khẳng định người Trung Quốc sẽ bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc” và hướng đến “thống nhất hoàn toàn”.

Ông Tập Cận Bình cảnh báo rằng đất nước mình sẽ không bao giờ chấp nhận bị chia cắt dù chỉ là một inch lãnh thổ.

Những tiếng vỗ tay vang dội của gần 3.000 đại biểu đã vang lên trong Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh sau bài phát biểu của ông Tập.

Bắc Kinh, vốn dĩ chưa bao giờ cho phép tồn tại mối quan hệ ngoại giao giữa Đài Bắc và thủ đô các nước khác, đang rất bất bình trước một đạo luật được Mỹ thông qua cho phép khuyến khích các quan chức cấp cao của Mỹ sang thăm Đài Loan và ngược lại.

Năm 1979, Washington đã chấm dứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc. Song vẫn duy trì quan hệ thương mại, trong đó có cả việc buôn bán vũ khí với hòn đảo này bất chấp Trung Quốc nhiều lần lên tiếng phản đối.

Quay trở lại với đạo luật mới được Tổng thống Trump chấp thuận cho phép tăng cường du lịch giữa Mỹ và Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, đạo luật này của Mỹ  đã “vi phạm nghiêm trọng” nguyên tắc “một Trung Quốc” và đã gửi đi “tín hiệu rất xấu đến các lực lượng ủng hộ ly khai, độc lập” ở Đài Loan.

Trung Quốc mạnh mẽ phản đối điều này và yêu cầu phía Mỹ sửa sai lầm của mình, ngừng theo đuổi quan hệ chính thức với Đài Loan hoặc tăng cường quan hệ như thời điểm hiện tại với Đài Loan.

Bà Thái Anh Văn
Người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn tiếp tục đẩy mạnh phong trào độc lập thoát khỏi Trung Quốc
Đối với Trung Quốc thì Đài Loan - vùng đất mà Tưởng Giới Thạch rút ra sau thất bại ở Đại lục, là một phần không thể thiếu trong lãnh thổ của mình.

Trong khi đó, Đài Loan vẫn một mực tự nhận mình là một thực thể tách biệt với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa hai bên bắt đầu căng thẳng kể từ sau cuộc bầu cử vào đầu năm 2016 khi bà Thái Văn Anh, người đứng đầu Đảng Dân chủ Tiến bộ đắc cử làm người đứng đầu hòn đảo này.

Vốn là người kiên định với lập trường chống lại Bắc Kinh, bà Thái Văn Anh tiếp tục đẩy mạnh phong trào độc lập thoát khỏi Trung Quốc. Trước những động thái thời gian qua của Đài Loan, Trung Quốc nghi ngờ bà Thái Văn Anh muốn chính thức tuyên bố độc lập cho Đài Loan. Tuy nhiên, tuyên bố gần đây nhất mà Đài Loan đưa ra lại là muốn giữ nguyên hiện trạng.

Tin mới