Ông Trump muốn dàn hòa với Nga?, Nga quyết định trở thành “đối thủ chiến lược” của Mỹ?

(Baonghean.vn) - Nga đã quyết định trở thành "đối thủ chiến lược" của Mỹ?; Gọi điện chúc mừng Tổng thống Putin, ông Trump muốn dàn hòa với Nga?; Mark Zuckerberg bị đề nghị từ chức, Facebook họp khẩn cấp; Tổng thống Myanmar Htin Kyaw bất ngờ từ chức;... là những tin tức quốc tế nổi bật 24h qua.

1. Gọi điện chúc mừng Tổng thống Putin, ông Trump muốn dàn hòa với Nga? 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần gặp. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần gặp. Ảnh: Reuters.
Sau một thời gian ngắn im hơi lặng tiếng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ gọi điện chúc mừng Tổng thống Nga Putin chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hôm 18/3 vừa qua. Động thái này của Tổng thống Donald Trump được đánh giá là một “cử chỉ thiện chí”, song cũng vấp phải không ít sự chỉ trích từ một số nghị sỹ trong Quốc hội Mỹ.

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Donald Trump cho biết, hai bên sẽ sớm gặp nhau để thảo luận về quan hệ song phương và những vấn đề cả Nga, Mỹ cùng quan tâm: “Tôi đã có cuộc gặp Tổng thống Nga Putin và chúc mừng ông chiến thắng trong cuộc bầu cử. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có thể gặp nhau để thảo luận về vấn đề chạy đua vũ trang, tình hình Ukraine, Syria và Triều Tiên…”.

2. Nga đã quyết định trở thành "đối thủ chiến lược" của Mỹ?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis
Ria Novosti dẫn tuyên bố của người đứng đầu Lầu Năm Góc James Mattis cho rằng Nga đã quyết định trở thành "kẻ thù chiến lược" của Hoa Kỳ.

Phát biểu trước báo giới, ông Mattis cho biết: “Chúng tôi luôn muốn hợp tác với Nga nếu có thể. Song tiếc rằng, họ (Nga) đã quyết định trở thành đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ. Điều này được chứng minh bằng những gì đã xảy ra ở Anh (vụ điệp viên hai mang Skripal bị đầu độc), ở Ukraine, ở Bán đảo Crimea,… và ở một số nơi khác trên thế giới.

Theo ông Mattis, Mỹ vẫn luôn "cởi mở", muốn đối thoại với Nga. "Chúng tôi muốn sự ổn định và hòa bình, đồng thời chúng tôi sẽ bảo vệ nền dân chủ của chúng tôi", ông chủ Ngũ Giác Đài nhấn mạnh.

Trước đó, một phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ Sarah Sanders cho biết Tổng thống Trump sẽ "tiếp tục làm việc" với Moscow về một số vấn đề. Đồng thời, bà lưu ý rằng chính quyền Mỹ có ý định "sẽ cứng rắn khi cần thiết".

3. Hàn Quốc có thể dự hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Mỹ và Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Financial Times.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Financial Times.
Ngày 21/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa ra khả năng về một hội nghị thượng đỉnh 3 bên, gồm Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ.

Tổng thống Moon nói: “Việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh Hàn-Triều là một sự kiện lịch sử. Tùy theo kết quả, các hội nghị đó có thể dẫn tới một hội nghị thượng đỉnh 3 bên giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ”.

Phát biểu trên được ông Moon đưa ra tại văn phòng Tổng thống (Cheong Wa Dae) khi dự cuộc họp của ủy ban chuẩn bị cho đối thoại liên Triều sắp tới. Theo Nhà Xanh, ông Moon cho biết thêm: “Chúng ta phải hoàn toàn quyết tâm giải quyết các vấn đề về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập nền hòa bình thông qua các cuộc đàm phán sắp tới này và cuộc họp tiếp theo”.

4. Mark Zuckerberg bị đề nghị từ chức, Facebook họp khẩn cấp

Facebook đang liên tục vướng vào những scandal liên quan tới thông tin người dùng và đánh mất niềm tin.
Facebook đang liên tục vướng vào những scandal liên quan tới thông tin người dùng và đánh mất niềm tin.
Sau vụ bê bối làm rò rỉ thông tin 50 triệu tài khoản, Facebook đã lên kế hoạch tổ chức một buổi họp khẩn để nhân viên có thể đặt câu hỏi và giải đáp thắc mắc về khai thác, sử dụng trái phép thông tin người dùng. Trong khi đó, CEO Mark Zuckerberg bị đề nghị từ chức.

"Đây không phải là những cuộc họp bất thường", đại diện Facebook cho biết. "Chúng tôi làm vậy ít nhất mỗi tuần một lần, hoặc đôi khi 2 lần/tuần để bàn về những sự kiện nóng hổi."

Tuy nhiên, theo hé lộ từ nội bộ, người dẫn dắt cuộc họp sẽ là Paul Grewal, người đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng tham mưu của công ty. Trong khi đó, báo giới được cho là vẫn đang chờ đợi những phản hồi của cá nhân Mark Zuckerberg từ sau khi xảy ra scandal đình đám.

5. Phiến quân Syria lần đầu tiên đồng ý hạ vũ khí, rút khỏi Đông Ghouta

Người dân Đông Ghouta đang nhanh chóng được sơ tán khỏi vùng chiến sự.
Người dân Đông Ghouta đang nhanh chóng được sơ tán khỏi vùng chiến sự.
Ngày 21/3, hai nguồn tin của lực lượng đối lập Syria cho hay, các tay súng nổi dậy Ahrar al Sham từng nắm quyền kiểm soát ở thị trấn Harasta tại Đông Ghouta đã đồng thuận hạ vũ khí để sơ tán tới các khu vực phía tây bắc.

Theo Reuters, đây là lần đầu tiên một nhóm nổi dậy ở Đông Ghouta chấp nhận thỏa thuận do Nga đề xuất nhằm mở lối an toàn cho các tay súng đối lập tới những khu vực khác do quân nổi dậy kiểm soát.

Hiện tại quân đội Syria và các đồng minh đã chiếm được hơn 70% diện tích Đông Ghouta, khu vực từng bị quân nổi dậy chiếm quyền kiểm soát trong suốt nhiều năm qua. Hoạt động cứu trợ nhân đạo cũng như sơ tán người dân ở Đông Ghouta cũng đang diễn ra nhanh chóng với hàng chục ngàn dân thường được sơ tán tới những điểm an toàn do quân chính phủ Syria kiểm soát.

6. Tổng thống Myanmar Htin Kyaw bất ngờ từ chức

Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Myanmar U Htin Kyaw. Ảnh: Reuters.
Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Myanmar U Htin Kyaw. Ảnh: Reuters.

Ông Htin Kyaw, cánh tay phải của bà Aung San Suu Kyi, vừa từ chức sau hai năm nắm quyền. 

"Tổng thống Myanmar U Htin Kyaw đã từ chức ngày 21/3/2018", AFP dẫn thông báo trên trang Facebook chính thức của Tổng thống. Ông từ chức để nghỉ ngơi, thôi giữ những trách nhiệm và nghĩa vụ hiện nay, văn phòng tổng thống thông báo. Một lãnh đạo mới sẽ được chọn ra "trong vòng 7 ngày làm việc", theo quy định của hiến pháp.

Phó Tổng thống Myint Swe sẽ là quyền tổng thống cho tới khi quốc hội chọn được người thay thế.  Ông Htin Kyaw được cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, lãnh đạo thực quyền, đính thân lựa chọn giữ chức tổng thống bởi hiến pháp do chế độ quân sự cũ soạn thảo cấm bà nắm quyền. Chức vụ của ông chủ yếu mang tính nghi thức.

7. Đánh bom liều chết tại thủ đô Kabul làm 26 người chết

Hiện trường vụ đánh bom tại thủ đô Kabul. Nguồn: AFP/TTXVN
Hiện trường vụ đánh bom tại thủ đô Kabul. Nguồn: AFP/TTXVN
Ít nhất 26 người đã thiệt mạng và 18 người khác bị thương trong vụ nổ rung chuyển thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 21/3 khi người dân đang tổ chức lễ hội mùa Xuân Nawroz. 
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết một đối tượng đã thực hiện đánh bom liều chết gần một đền thờ Hồi giáo dòng Shi'ite ở phía Tây Kabul.  Những người bị thương đã được đưa tới bệnh viện để cứu chữa. 
Trong khi đó, truyền thông địa phương đưa tin vụ đánh bom liều chết xảy ra tại trường Đại học Kabul.

8. Tướng Mỹ thừa nhận không thể đánh chặn vũ khí siêu vượt âm Nga

Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ John Hyten. Ảnh: USAF.
Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ John Hyten. Ảnh: USAF.
Tư lệnh Mỹ cho rằng các lá chắn phòng thủ của nước này sẽ bất lực trước đầu đạn tốc độ siêu cao mà Nga đang phát triển.

"Chúng tôi không có biện pháp phòng thủ nào có thể chống lại đợt tấn công bằng vũ khí siêu vượt âm. Điều này có nghĩa là Mỹ chỉ có thể dựa vào khả năng răn đe để đối phó với loại vũ khí này", Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ John Hyten phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 20/3, theo CNBC.

Tướng Hyten cho biết cả Nga và Trung Quốc đều đang tích cực nâng cao năng lực trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington đã quan sát rất kỹ những cuộc thử nghiệm gần đây của Moscow và Bắc Kinh.

Tin mới