Ôtô nhập khẩu chưa trọn vui đã vội lo

Một hàng rào mới nhiều khả năng sẽ sớm được dựng lên để hạn chế cuộc đổ bộ ào ạt của ôtô nhập khẩu nguyên chiếc...

Sau khi Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô (VTA) do Chính phủ Thái Lan và Indonesia cung cấp, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô coi như đã vượt qua được "hàng rào" Nghị định 116.

Rất nhanh chóng, ngay đầu tháng 3/2018, những lô xe hưởng thuế nhập khẩu 0% đầu tiên đã cập cảng để mở đầu cho một cuộc đổ bộ ào ạt của ôtô nguyên chiếc (CBU) mang xuất xứ các nước ASEAN.

Dự tính bắt đầu từ tháng 4/2018, các loại ôtô CBU nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia sẽ ào ạt về nước. Việc của người tiêu dùng lúc này chỉ là chuẩn bị sẵn tâm thế để ký hợp đồng mua những chiếc xe với giá bán lẻ thấp hơn trước đây.

Bõ công chờ đợi có lẽ là tâm lý phổ biến vào lúc này của cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô. Bởi lẽ, với thuế suất thuế nhập khẩu giảm từ 30% hồi năm 2017 xuống còn 0% vào năm nay, giá bán lẻ các loại ôtô có xuất xứ ASEAN sẽ giảm quanh tỷ lệ 20% so với trước đây.

Bõ công chờ đợi có lẽ là tâm lý phổ biến vào lúc này của cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô. Bởi lẽ, với thuế suất thuế nhập khẩu giảm từ 30% hồi năm 2017 xuống còn 0% vào năm nay, giá bán lẻ các loại ôtô có xuất xứ ASEAN sẽ giảm quanh tỷ lệ 20% so với trước đây.

Thế nhưng, khi những chiếc xe nhập khẩu miễn thuế chưa kịp đến tay số đông người tiêu dùng, thị trường ôtô nhập khẩu lại phải đối mặt với một nỗi lo mới.

Ngày 22/3/2018, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giao thông Vận tải.

Cụ thể, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giao thông Vận tải "phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam đối với xe ôtô nguyên chiếc nhập khẩu, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về tăng cường quản lý chất lượng xe nhập khẩu, đồng thời phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế".

Hiểu cơ bản, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn này sẽ giống như một hàng rào kỹ thuật mới mà qua đó, sẽ gây nên những khó khăn nhất định đối với các loại ôtô CBU trong tương lai.

Sau khi Thông tư 20 của Bộ Công Thương hết hiệu lực và các quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ đã được các doanh nghiệp "vượt qua", hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn mới sẽ ít nhiều nối tiếp nhiệm vụ chắt lọc ôtô nhập khẩu và phần nào hỗ trợ các loại ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Đây cũng là việc làm được xem là phù hợp để tạo thuận lợi cho mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô nội địa.

Một số ý kiến cho rằng, công nghiệp ôtô thế giới đã có lịch sử trăm năm phát triển, trình độ công nghệ cũng đang ở mức rất cao và thậm chí, nhiều quy định hay tiêu chuẩn của Việt Nam đã từng không theo kịp thế giới. Do vậy, những tiêu chuẩn và quy chuẩn mới sẽ khó lòng cản trở ôtô nhập khẩu nếu chỉ xét thuần túy về kỹ thuật.

Từ đó, đại diện một số doanh nghiệp nhận định, nhiều khả năng hàng rào mới đối với các loại ôtô nhập khẩu sẽ đi theo hướng tăng thêm các thủ tục và chứng nhận đối với những tiêu chuẩn kỹ thuật của ôtô CBU.

Dù còn khó hình dung hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn mới sau khi hoàn thiện và đưa vào áp dụng sẽ ra sao song ít nhất, giới kinh doanh vẫn lo lắng về những khó khăn mà thị trường ôtô nhập khẩu sẽ gặp phải.

Trong khi đó, ở thời điểm này, thị trường ôtô nhập khẩu vẫn chưa kịp bùng nổ với cuộc đổ bộ của xe miễn thuế từ các nước nội khối ASEAN.

Tin mới