Kinh nghiệm xử lý khi ôtô ngập nước

Kinh nghiệm nằm lòng đối với tài xế là tuyệt đối không ép động cơ hoạt động lại khi xe chết máy để tránh làm thanh truyền cong, gãy, chọc thủng thành xi-lanh.

Nước không chỉ ảnh hưởng xấu đến hệ thống điện, làm bẩn nội thất mà nghiêm trọng hơn còn gây hư hỏng động cơ khi xâm nhập vào buồng đốt. Xảy ra hiện tượng nén nước hay còn gọi thủy kích.

Động cơ, hệ thống điện, nhớt máy dễ bị ảnh hưởng xấu khi ôtô di chuyển qua vùng ngập nước.
Động cơ, hệ thống điện, nhớt máy dễ bị ảnh hưởng xấu khi ôtô di chuyển qua vùng ngập nước.

Dưới đây là những bộ phận dễ bị ảnh hưởng nhất khi ôtô ngập nước và cách xử lý cơ bản:

Động cơ

Tài xế tuyệt đối không cố gắng đề máy để khởi động xe trở lại, tắt hệ thống điện và nếu có thể, đẩy xe đến vùng đất cao có chiều nghiêng. Việc làm này vừa tránh nước theo họng nạp khí đi vào buồng đốt vừa cho nước thoát ra ống pô.

Gọi cứu hộ đến kiểm tra mức độ xâm nhập của nước vào động cơ. Nếu nhẹ, ôtô có thể di chuyển chậm về garage để kiểm tra thêm khi mức nước trên đường cho phép. Trường hợp nặng hơn, ôtô gặp nạn cần nhờ đến xe chuyên dụng để chở hoặc kéo về garage.

Chủ nhân chiếc Mercedes E-Class ép xe khởi động sau khi chết máy do ngập nước làm cong thanh truyền trong động cơ.
Chủ nhân chiếc Mercedes E-Class ép xe khởi động sau khi chết máy do ngập nước làm cong thanh truyền trong động cơ.

Việc cố gắng đề máy cho xe khởi động trở lại chỉ khiến động cơ hư hỏng nặng thêm. Tính chất không chịu nén của nước là nguyên nhân làm cong thanh truyền (tay biên) trong buồng đốt do hoạt động tịnh tiến của piston.

Nguy hại hơn khi ép xe khởi động nhiều lần có thể khiến thanh truyền cong, gãy, chọc thủng thành xi-lanh (vỡ lốc máy). Động cơ vì thế phải sửa chữa, thay thế với chi phí cao tùy mỗi loại xe.

Thanh truyền gãy, chọc thủng thành xi-lanh trong động cơ ôtô.
Thanh truyền gãy, chọc thủng thành xi-lanh trong động cơ ôtô.

Theo các chuyên viên kỹ thuật ngành ôtô, ngay cả khi xe về garage, việc khởi động động cơ cũng cần tiến hành thận trọng. Trước tiên cần quay máy bằng tay để kiểm tra động cơ liệu có bị kẹt bởi vật lạ. Sau đó tiếp tục đo áp suất nén của động cơ bằng công cụ chuyên dụng.

Nếu áp suất nén còn đủ, nghĩa là nước chưa xâm nhập vào buồng đốt, động cơ còn tốt. Lúc này có thể khởi động xe trở lại nhưng không quên kiểm tra các bộ phận khác để sửa chữa nếu có dấu hiệu hư hỏng.

Nếu áp suất nén của động cơ không đủ, nghĩa là động cơ hư hại. Tiến hành tháo rời động cơ để kiểm tra các bộ phận bên trong như xi-lanh, piston, thanh truyền, trục khuỷu. Tùy vào mức độ nặng, nhẹ mà sửa chữa hoặc thay mới.

Hệ thống điện

Tương tự động cơ, hệ thống điện cũng nhạy cảm với nước. Sự cố do chập mạch, hỏng hệ thống điều khiển trên xe xảy ra khi nước xâm nhập từ gầm lên sàn xe. Dẫn đến hiện tượng báo lỗi các bộ phận hoặc nhiều chức năng của ôtô có thể hoạt động sai. Xe càng ngập sâu và ngâm lâu trong nước, hệ thống điện càng dễ hư hỏng.

Thông thường, hệ thống điện của ôtô ngập nước cần kiểm tra chi tiết thông qua hỗ trợ của máy tính để sửa chữa. Những giắc nối được sấy khô và phun hóa chất chuyên dụng giúp ngăn quá trình oxy hóa.

Dầu nhớt

Ôtô qua vùng ngập nước hay ngập nước sâu, việc đầu tiên và cần làm sau khi tắt động cơ là kiểm tra nhớt máy. Khi nhớt ngả màu trắng đục do hòa lẫn nước, cần xả hết nhớt cũ và thay mới. Nhớt động cơ riêng, nhớt hộp số riêng.

Không như xe máy, ôtô với hộp số tự động và hộp số sàn dùng nhớt có độ đậm đặc khác nhau. Tùy loại xe hoặc hãng sản xuất với những quy chuẩn kỹ thuật riêng, dùng nhớt cho ôtô cần cân nhắc và thực hiện bởi những garage uy tín.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới