Pervez Musharraf - từ Tổng thống đến tội danh phản quốc

(Baonghean) - Vụ án phản quốc nhằm vào cựu Tổng thống và quân đội Pakistan, Tướng Pervez Musharraf đã bị đình trệ quá lâu đến nỗi nhiều người tin rằng sẽ không bao giờ có bản án. Tuy nhiên, 6 năm sau khi truy tố, một Tòa án đặc biệt ở Islamabad cuối cùng đã đưa ra phán quyết và kết án tử hình cựu Tổng thống Pervez Musharraf vì tội phản quốc.

Sự nghiệp thăng trầm

Pervez Musharraf sinh tại New Delhi (Ấn Độ) năm 1943 trước khi Tiểu lục địa Ấn Độ bị tách thành Ấn Độ và Pakistan ngày nay. Không lâu sau, cha mẹ ông quyết định rời New Delhi đến Karachi (Pakistan) cùng thời điểm hàng triệu người đã rời miền Bắc Ấn Độ để tới Pakistan - quốc gia mới được thành lập với chủ yếu dân số theo đạo Hồi. Là con trai của một nhà ngoại giao, nhưng ông Musharraf không theo con đường của cha mình. Ông gia nhập quân đội Pakistan năm 1964 và tham gia các cuộc chiến tranh năm 1965 và 1971 với Ấn Độ.

Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf. Ảnh CNN
Ảnh: CNN

Ông nhanh chóng được thăng cấp bậc, và vào năm 1998, được bổ nhiệm làm chỉ huy quân đội dưới quyền Thủ tướng Pakistan lúc bấy giờ là Nawaz Sharif. Cùng thời gian đó, Pakistan có tên trên “bản đồ hạt nhân” thế giới khi ông Musharraf và Thủ tướng Sharif chủ trì các vụ thử hạt nhân vào tháng 5 năm 1998. Tuy nhiên, 1 năm sau đó, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này trở nên căng thẳng. Báo chí địa phương đưa tin, ông Sharif đã tìm cách sa thải tướng Musharraf khi ông đang trên đường trở về từ chuyến thăm chính thức Sri Lanka.

Và phản ứng nhanh chóng của Musharraf sau đó đã làm thay đổi tình hình chính trị Pakistan nhiều năm về sau. Ông ra lệnh cho quân đội kiểm soát các tổ chức nhà nước và tuyên bố tình trạng khẩn cấp với tư cách là “lãnh đạo điều hành” Pakistan ngay khi ông hạ cánh và giữ cương vị này đến năm 2002 khi một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức.

 Musharraf bắt tay các sĩ quan quân đội năm 2001. Ảnh CNN
Musharraf bắt tay các sĩ quan quân đội năm 2001. Ảnh: CNN

Khi ông Sharif bị lật đổ năm 1999, nhiều người Pakistan đã ăn mừng vì sự kết thúc của một chính quyền bị cho là đã gây suy kiệt nền kinh tế. Thế nhưng, việc tước bỏ quyền lực của Thủ tướng Nawaz Sharif vẫn bị coi là một hành động “phản dân chủ”.

Năm 2002, ông Musharraf trở thành tổng thống với nhiệm kỳ 5 năm sau cuộc bầu cử. Thời điểm đó, Musharraf trở thành cái tên quyền lực trên chính trường quốc gia Nam Á này. Ban đầu ông kiêm nhiệm chức Tư lệnh quân đội - vị quyền lực nhất trên chính trường Pakistan sau đó ông bổ nhiệm một người thân tín vào vị trí này. Thành tựu của ông trên cương vị lãnh đạo đất nước cũng được ghi nhận. Musharraf không chỉ đưa nền kinh tế đất nước ổn định và tăng trưởng trở lại, mà còn giành được sự ngợi khen của quốc tế trong cuộc chiến chống Taliban và Al-Qaeda, trở thành cánh tay phải của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ông Pervez Musharraf (trái) đứng cạnh Tổng thống Mỹ Geoge W.Bush và Tổng thống Afghanistan Hamid Kazai tại Vườn Hồng, Nhà Trắng năm 2006. Ảnh: CNN
Ông Pervez Musharraf (trái) đứng cạnh Tổng thống Mỹ Geoge W.Bush và Tổng thống Afghanistan Hamid Kazai tại Vườn Hồng, Nhà Trắng năm 2006. Ảnh: CNN

Phải nói rằng, trong nhiệm kỳ năm 5 đó, ông Musharraf không gặp phải thách thức nghiêm trọng nào cho đến khi ông sa thải Chánh án tối cao và nhiều lãnh đạo đối lập vào tháng 3 năm 2007, làm dấy lên các cuộc biểu tình trên toàn quốc và nhiều tháng hỗn loạn. Để đối phó với tình trạng này, Musharraf đã đình chỉ Hiến pháp, thực hiện thiết quân luật - đây là nguyên nhân chính khiến ông bị buộc tội vi hiến và phản quốc sau đó. Kết quả là ông Musharraf và đảng của ông thất bại trong một cuộc bầu cử tự do tháng 2 năm 2008. Tháng 8 năm đó, ông buộc phải từ chức khi đối mặt với các thủ tục luận tội của liên minh cầm quyền mới. Musharraf phải sống lưu vong và trở về quê hương năm 2013 với hy vọng tìm lại ảnh hưởng.

Tuy nhiên, sự trở về của ông không được chào đón, thậm chí phải đối mặt một loạt các vụ án hình sự, cao nhất là tội danh phản quốc. Năm 2013, ông Nawaz Sharif trở thành Thủ tướng Pakistan và từ đây quá trình tố tụng ông Musharraf vì tội phản quốc bắt đầu diễn ra.

Với phán quyết vào ngày 17/12, ông Musharraf là cựu lãnh đạo quân đội đầu tiên trong lịch sử Pakistan bị tuyên án tử hình vì chiếm quyền lực trái phép.

Ông Musharraf được các binh sĩ hộ tống khi bị triệu tập đến tòa án chống khủng bố năm 2013. Ảnh: CNN
Ông Musharraf được các binh sĩ hộ tống khi bị triệu tập đến tòa án chống khủng bố năm 2013. Ảnh: CNN

Tầm ảnh hưởng ở Pakistan

Mặc dù đối mặt với tội danh phản quốc và bản án tử hình cho một tướng lĩnh quân đội, ông Musharraf dường như vẫn có một chỗ đứng quan trọng trong xã hội, đặc biệt với giới quân đội Pakistan. Cơ quan báo chí của lực lượng quân đội khẳng định ông Musharraf “chắc chắn không bao giờ là một kẻ phản bội”. Hôm 18/12, hàng loạt cuộc biểu tình xảy ra trên khắp đất nước Pakistan nhằm phản đối bản án tử hình đối với ông Pervez Musharraf.

Tại Lahore, Ban giám hiệu Đại học Punjab, giáo viên và sinh viên đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn để bày tỏ tình đoàn kết với Quân đội Pakistan. Những người tham gia đã mang theo các biểu ngữ để vinh danh sự hy sinh của lực lượng quân đội. Những người ủng hộ ông Musharraf đều tin rằng, với một người lính phục vụ quê hương suốt 40 năm không thể là một “kẻ phản quốc”.

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Pervez Musharraf phản đối việc ông bị tuyên án tử hình ngày 18/12/2019. Ảnh: EPA-EFE
Những người ủng hộ cựu Tổng thống Pervez Musharraf phản đối việc ông bị tuyên án tử hình ngày 18/12/2019. Ảnh: EPA-EFE

Về lý thuyết, Tòa án Tối cao có thể cân nhắc xem liệu một tướng quân đội có được miễn trừ bản án đã đưa ra hay không. Nếu vì một vài “lỗ hổng” nào đó khiến ông Musharraf được miễn trừ, chẳng khác nào tòa án sẽ tự giới hạn quyền lực của chính họ - một động thái có khả năng châm ngòi cho các cuộc biểu tình hơn nữa. Nhưng nếu tòa án giữ nguyên phán quyết, quân đội rất có thể thực hiện một số hành động cưỡng chế trong tương lai chống lại ngành tư pháp.

Không thể phủ nhận, cựu Tổng thống Musharraf có những người ủng hộ ở Pakistan nhưng cũng không ít người tỏ ra phẫn nộ với những gì họ coi là sự “quỵ lụy”quá mức của Tướng Musharraf với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Musharraf từng đối mặt với tối hậu thư từ Washington “hoặc làm bạn hoặc chống lại chúng tôi”. Cuối cùng, Pakistan dưới thời Musharraf chọn “làm bạn” với nước Mỹ, trở thành đồng minh của Washington trong cuộc chiến chống lại Taliban, al Qaeda và nhiều nhóm khủng bố khác. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng biến Pakistan trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công khủng bố trong nhiều năm qua.

Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf (Ảnh chụp ngày 23/03/2013 tại Dubai). Ảnh: Reuters
Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf (Ảnh chụp ngày 23/03/2013 tại Dubai). Ảnh: Reuters

Giới quan sát cho rằng, bản án tử hình đối với vị tướng này gần như sẽ không được thực thi bởi ông khó có thể trở lại Pakistan. Tuy nhiên, bản án lại mang ý nghĩa biểu tượng lớn khi lần đầu tiên một tướng lĩnh quân đội bị kết án tử hình - điều chưa từng xảy ra ở một quốc gia nơi quân đội nắm nhiều  quyền hành. Vì vậy, rất có thể bản án của tòa án đặc biệt có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu giữa ngành tư pháp và quân đội của Pakistan.

Tin mới