PGS Văn Như Cương - chim hạc đã về trời

(Baonghean.vn) - Không chỉ trong tôi, mà trong trái tim nhiều thế hệ giáo viên, học sinh của nước ta, thì PGS Văn Như Cương là một con người tài hoa, đức độ hiếm gặp trên đời.

Nhiều câu nói của ông đã trở thành
Nhiều câu nói của ông đã trở thành "châm ngôn" cho các thế hệ học trò và nhà trường. Ảnh: Internet

Tuy là sinh viên Trường Đại học Vinh, nơi Thầy từng công tác, nhưng tôi không có duyên được học trực tiếp với Thầy. Năm 1976, khi tôi vào trường, Thầy vừa chuyển công tác ra Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bù lại, tôi được học gián tiếp qua cuốn giáo trình Hình học cao cấp mà Thầy biên soạn chung với thầy Kiều Huy Luân.

Đó là một cuốn giáo trình mang tính sư phạm cao, và so với thời ấy, được trình bày với một phong cách và ngôn ngữ khá hiện đại. Nhờ vậy cả ba lần thi Hình học cao cấp (hai lần hết phân môn và lần thi tốt nghiệp đại học) tôi đều đạt điểm mười.

Sau đó, theo yêu cầu của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy biên soạn lại có bổ sung thành hai cuốn: Hình học afin & Hình học Euclid và Hình học xạ ảnh. Mấy năm gần đây, tôi được một trường đại học phía Nam (Đại học Đồng Nai) mời dạy phân môn Hình học xạ ảnh, và cuốn sách của Thầy đã trở thành cẩm nang giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ khi "mang chuông đi đánh xứ người".

Cuộc đời Thầy gắn với một kho giai thoại và những câu nói của thầy về giáo dục, về cuộc đời đã trở thành châm ngôn của bao thế hệ. Tôi thiển nghĩ rằng, sau này có người sưu tầm biên soạn lại thành sách xuất bản, thì chắc chắn nó thuộc diện sách bán chạy nhất năm. Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ muốn nói thêm tài năng sư phạm đặc biệt của Thầy.

PGS Văn Như Cương nổi tiếng là người yêu thương học trò và có cách giáo dục các em rất đặc biệt. Ảnh: Internet
PGS Văn Như Cương nổi tiếng là người yêu thương học trò và có cách giáo dục các em rất đặc biệt. Ảnh: Internet

Sau gần mươi năm học tập và giảng dạy, tôi mới ngộ ra rằng thầy dạy giỏi không ít, nhưng thầy dạy hay cực hiếm. Nó như đặc ân trời ban mà thầy may mắn nhận được.

Khi còn học phổ thông, tôi thường nghe thầy Trần Đức Thịnh - một thầy giáo cũng rất tài hoa đã biến tôi từ một cậu bé sợ hình thành một học sinh say hình - kể cho tôi nghe sức hấp dẫn các giờ lên lớp của thầy Văn Như Cương như thế nào. Tôi quyết chí dự bằng được giờ dạy của Thầy.

Dịp may đã đến. Hai Sở giáo dục Nghệ An và Hà Tĩnh kết hợp mở Chuyên đề cho giáo viên trung học. Tôi xin vào nghe và khi Thầy vẽ hình tôi chợt nhận ra rằng: dù mình có luyện đến đâu thì may lắm cũng chỉ trở thành thợ dạy chứ không thể bắt chước được nét tài hoa trời phú nơi Thầy.

Luôn gần gũi, đồng điệu với học trò chính là ấn tượng mà người ta mãi nhớ về thầy Văn Như Cương. Ảnh: Interne
Luôn gần gũi, đồng điệu với học trò chính là ấn tượng mà người ta mãi nhớ về thầy Văn Như Cương. Ảnh: Internet

Là một người rụt rè, tôi rất ngại giao tiếp, nhất là với những người nổi tiếng. Nhưng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Đại học Vinh, Đài PT-TH Nghệ An mời thầy phỏng vấn và sau đó dự chiêu đãi, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Lộc nhờ tôi tháp tùng nên tôi không thể chối từ. Hóa ra Thầy cũng giản dị, cởi mở dễ gần như bao người bình thường.

Một người thầy dạy văn khả kính tâm sự với tôi rằng: khi nào chúng ta còn làm được thơ thì hãy vui mừng vì tâm hồn mình còn trong sáng. Là một người nhập thế, đảm trách một nhiệm vụ nặng nề: sáng lập, giữ vững và phát triển mô hình giáo dục dân lập đầu tiên ở Việt Nam, Thầy Văn Như Cương vẫn dành một góc tâm hồn cho thi ca.

 Nhiều người cho rằng thơ Thầy thiên về thể đường luật, bởi Thầy nổi tiếng với các bài:

 Toán và hoa:

 Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn

 Mong rằngToán học bớt khô khan

 Em ơi trong toán nhiều công thức

Đẹp cũng như hoa lại chẳng tàn

Mừng thầy Nguyễn Thúc Hào bảy mươi tuổi

Trăm năm tính mãi cuộc vuông tròn

Để lại danh gì với nước non?

Chẳng thiết mưu danh cùng kiếm lợi

Không cần trát phấn với bôi son

Xưa đà ngang dọc ngôi trường lớn

Nay vẫn tung hoành mảnh đất con

Còn sống còn xem thời với thế

Rồi đây ai tính cuộc vuông tròn.

Thầy Văn Như Cương đã sống một cuộc đời tận hiến và giản dị. Ảnh: Internet
Thầy Văn Như Cương đã sống một cuộc đời tận hiến và giản dị. Ảnh: Internet

Riêng tôi không nghĩ thế. Trong số thơ Thầy tự chọn in trong một tuyển thơ Xóm Điếm (NXB Hội Nhà Văn, 2.2012) của 5 tác giả gốc Quỳnh Đôi (Văn Như Cương, Dương Huy, Dương Danh Dũng, Lam Giang, Hồ Phi Phục), tỉ lệ thơ Đường luật khá khiêm tốn (chỉ là 20%). Xin chọn một số bài thơ của thầy để chứng minh nhận định đó:

CHIỀU TÍM                                     

Ngang trời một cánh chim bay

Gió đưa nhè nhẹ sao mây bồi hồi

Non xa khuất bóng mặt trời

Chiều buông chiều tím, mình tôi đứng buồn

PHỐ XƯA

Mình anh trở lại phố xưa

Cảnh đà thay đổi em giờ có hay

May còn sót lại gốc cây

Là nơi hồi ấy ai hay đứng chờ

CÕNG MẸ ĐẾN NHÀ THỜ HỌ VĂN

Con sáu ba cõng Mẹ chín tư

- Trời ơi, mẹ nhẹ thế này ư?

- Thôi con, đừng có lo cho mẹ

Mẹ sợ chân con lại mỏi nhừ.

                                                           Nhà thơ Lê Quốc Hán

(Nguyên Giảng viên Đại học Vinh)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới