Giáo dục cần tiến tới sự “sòng phẳng” giữa người dạy và người học

P.V: Thưa PGS.TS Cao Cự Giác, năm học 2021 – 2022 là năm đầu tiên các trường học trên cả nước thực hiện thay sách giáo khoa lớp 6 theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Tôi cũng được biết, sau hơn 3 năm chuẩn bị, bộ sách Khoa học tự nhiên 6 do ông làm Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên của NXB Giáo dục Việt Nam đã có 38/63 tỉnh, thành lựa chọn làm sách giáo khoa, trong đó có tỉnh Nghệ An. “Cơ duyên” nào đưa ông đến với vai trò này?

PGS.TS.NGƯT Cao Cự Giác: Chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK)” đã đi vào nghị quyết của Quốc hội từ năm 2014, theo tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”.

Ngay sau khi Nghị quyết 88 ra đời, từ năm 2015, tôi đã bắt đầu có ý định viết sách giáo khoa nhưng phải đến năm 2018 khi Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua thì Nhà xuất bản giáo dục mới chính thức “đặt hàng” cho tôi và một nhóm giáo viên ở miền Trung viết sách. Dự kiến của Nhà xuất bản Giáo dục sẽ viết hai bộ sách giáo khoa cho khu vực miền Bắc và miền Nam và chúng tôi được đưa vào nhóm viết sách cho các tỉnh phía Nam nhưng hiện nay, sách được dùng chung cho cả nước.

Vì sao tôi lại viết sách giáo khoa cho học trò, có lẽ là bởi “cơ duyên” đưa tôi đến với trường sư phạm. Bởi lẽ, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đã từng có một năm học tại Trường Đại học Kinh tế kế hoạch (Đại học Kinh tế Quốc dân hiện nay) nhưng sau đó tôi thấy mình không phù hợp (tôi là người thường đi mua một cái gì đó thì dù là rẻ nhất cũng mua đắt hơn người khác) và tôi đã thi lại vào Khoa Sư phạm Hóa – Trường Đại học Sư phạm Vinh. Tốt nghiệp, tôi được giữ lại trường làm giảng viên, tham gia công tác giảng dạy ở trường và một giai đoạn tham gia luyện thi khối A. Đó cũng là lý do sau này tôi đã viết một loạt sách tham khảo về Hóa học và kinh nghiệm về sách của tôi cũng khá nhiều với trên 100 cuốn, trong đó có khá nhiều cuốn sách do Nhà xuất bản giáo dục phát hành. Khi được giao nhiệm vụ tổng chủ biên, tôi vừa mừng, vừa vui nhưng cũng không tránh khỏi những áp lực bởi như chúng ta đã biết, hầu hết tổ chủ biên các đầu sách của các bộ sách giáo khoa mới đều là những người đầu ngành, có tên tuổi và tôi dường như là người trẻ nhất.

P.V: Ông đã viết rất nhiều bộ sách, trong đó có cả những bộ sách viết bằng Tiếng Anh. Tuy nhiên, để viết sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa mới thì không đơn giản. Vậy khi bắt tay vào thực hiện, ông và các công sự đã bắt đầu như thế nào?

PGS.TS.NGƯT Cao Cự Giác: Khi bắt đầu được giao làm tổng chủ biên, ý tưởng đầu tiên của tôi là quy tập một nhóm những người làm giảng viên giỏi nhất ở Trường Đại học Vinh tham gia. Sau này, cuốn sách không còn tính chất vùng miền và sách được dùng cho cả nước thì nhóm tác giả đã được mở rộng với nhiều giảng viên đại học ở trong Nam, ngoài Bắc.

Để xây dựng được bộ sách này, trước tiên chúng tôi phải xây dựng được triết lý của bộ sách và phương pháp tiếp cận. Như chúng ta đã biết, nội dung của các cuốn sách giáo khoa có thể giống nhau là vì cùng một chương trình. Nhưng cách tiếp cận sẽ khác. Như với bộ sách của chúng tôi, việc tiếp cận được thực hiện theo phương thức từ các hoạt động trải nghiệm thực tế và sau đó, sẽ tiếp tục xây dựng lý thuyết học tập. Bằng cách này, học sinh từ việc vận dụng những điều trong thực tế để áp dụng trong sách giáo khoa theo hướng tiếp cận khoa học, sau đó sẽ quay trở lại vận dụng vào trong cuộc sống.

Điều này cũng đúng với định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 là phát triển phẩm chất năng lực học sinh, dù rằng điều này để làm được cực kỳ khó. Lâu nay thầy cô chỉ đơn thuần dạy nội dung nhưng hiện nay điều đó không quan trọng. Ví như, bây giờ chúng ta không dạy tác phẩm nào, tác giả là ai theo một cách liệt kê vì học sinh có thể lên mạng để tự tìm hiểu. Thay vào đó, chúng ta phải dạy cho học sinh vì sao lại có có các tác phẩm và học sinh phải phân tích được năng lực, tố chất của mỗi tác giả và những ảnh hưởng của tác giả đến học trò là như thế nào…

Ngay như bộ sách lớp 10 mà tôi đang viết cũng được xây dựng theo một kiểu riêng. Nghĩa là kiến thức không được đưa ra ngay từ đầu mà nó được hình thành qua một chuỗi các câu hỏi và học sinh sẽ từng bước đi tìm câu trả lời. Với cách bố trí bài học như thế này, sẽ khác rất nhiều với sách giáo khoa trước kia. Trước đây việc trình bày một bài học thường sẽ gắn với rất nhiều văn bản, định nghĩa và giải thích rất chi tiết. Nay công việc đó, lại để cho học trò tự tìm hiểu nhưng giáo viên sẽ đặt câu hỏi để có thể cảm nhận được bài học, tự so sánh giữa các phần trong bài học…

Một trong những điểm khác trong cuốn sách do chúng tôi biên soạn là có mục tiêu bài học. Đây cũng chính là những yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới và chúng tôi biến nó thành mục tiêu. Mục tiêu cũng chính là cam kết của người dạy và người học, nghĩa là người học đọc xong bài sẽ phân tích được, nêu được, giải thích được. Tôi vẫn nói vui rằng, giáo viên hiện nay phải nỗ lực khi giảng bài bởi nếu dạy không đúng phụ huynh có thể “kiện” vì con chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Và giáo dục cũng cần phải tiến tới điều đó, nghĩa là cần phải “sòng phẳng” với nhau. Người làm sách phải cam kết, học sinh học xong sẽ đạt được điều đó và thầy cô cũng phải dạy cho tốt. Cách dạy này có thể lúc đầu sẽ khó nhưng sau quen sẽ thấy dễ và học sinh hứng thú…

P.V: Qua những điều ông đã trao đổi, có thể thấy ông và các tác giả đã đặt rất nhiều tâm huyết vào bộ sách giáo khoa Khoa học tự nhiên của mình. Tuy nhiên, cái mới để thuyết phục được Hội đồng chuyên môn chắc chắn sẽ không dễ dàng?

PGS.TS.NGƯT Cao Cự Giác: Quả thật là vậy, bởi cuốn sách có rất nhiều cái mới và để được thẩm định thực sự rất khó khăn, từ những ngày bắt đầu “xây nhà, thiết kế”. Nhưng trong quá trình triển khai, tôi và các đồng nghiệp luôn tin rằng chúng tôi sẽ thành công bởi chúng tôi đã đi đúng hướng. Đây cũng là một bước tiến của nhà nước ta khi đã quyết định thực hiện chủ trương “nhiều chương trình một bộ sách giáo khoa” từ đó chúng tôi có cơ hội được thể hiện quan điểm và khả năng của chính mình. Bản thân tôi cũng đã đi dạy nhiều năm với nhiều đối tượng từ học sinh, sinh viên nên cuốn sách được viết từ những trải nghiệm ở trong thực tế, từ thực tế đúc rút từ chính kinh nghiệm giảng dạy. Rất nhiều bài học, trước khi lên sách được chúng tôi giảng đi giảng lại nhiều lần và sau đó được thảo luận, rút kinh nghiệm.

P.V: Một trong những nét mới của bộ sách Khoa học tự nhiên là tích hợp ba môn Vật lý – Hóa học – Sinh học. Cá nhân ông chuyên về ngành Hóa học thì phải nỗ lực như thế nào để làm tốt vai trò của người tổng chủ biên? Đây cũng là lần đầu tiên giáo dục Việt Nam thực hiện một bộ sách “tích hợp” cho nhiều bộ môn. Vậy trong quá trình viết các ông đã tính toán tới những điều kiện để triển khai thực hiện dưới nhà trường?

PGS.TS.NGƯT Cao Cự Giác: Trước khi làm sách tôi phải làm học trò và phải đọc lại toàn bộ chương trình Vật lý – Sinh học. Điều này, đối với người thiên về khối A không quá khó. Hơn nữa chúng ta cũng thấy rằng tất cả các hiện tượng trong tự nhiên đều được tích hợp dưới dạng ứng dụng với nhiều bộ môn khác nhau. Và nếu liên hệ tốt thì điều này sẽ rất thú vị.

Về việc đưa vào sử dụng ở các nhà trường chúng tôi không lo lắng lắm vì điều kiện cơ sở vật chất đã được ngành giáo dục và các nhà trường trang bị nhiều năm nay và có thể vận dụng được các thiết bị đã có. Số thiết bị phải bổ sung không nhiều và không đáng lo ngại.

Vấn đề ngại nhất chính việc tổ chức dạy học trong điều kiện mới. Bởi lẽ, khi tập huấn chúng tôi chủ yếu tập huấn sẽ dạy bằng hình thức trực tiếp nhưng bây giờ dịch kéo dài nên nhiều địa phương vẫn phải tổ chức dạy trực tuyến, nên chắc chắn sẽ kéo đến những bất cập trong quá trình triển khai. Một khó khăn khác là dù giáo viên cao đẳng trước đây đã học và dạy song môn như Địa – Sử, Hóa – Sinh… nhưng việc dạy ba môn thì chưa. Trước đó, trong quá trình tập huấn chúng tôi cũng đã gợi ý sách được viết với một triết lý nghiên cứu các quy luật tự nhiên và cái này chung cho tất cả các môn khoa học. Vì vậy, giáo viên cần bám vào điều này để triển khai những vấn đề cụ thể thì sẽ thấy việc dạy nhẹ nhàng, tránh việc học sách tích hợp nhưng lại dạy đơn môn như một số trường hiện nay. Hiện chúng tôi cũng đã có 2 phương án để hỗ trợ các nhà trường trong quá trình tổ chức dạy và học.

P.V: Đến thời điểm này, ông đã có trên 25 năm đứng trên bục giảng và gắn bó với sự nghiệp trồng người. Vậy bây giờ nhìn lại, điều ông thấy giá trị nhất của nghề dạy học?

PGS.TS.NGƯT Cao Cự Giác: Cốt lõi nhất của những người làm nghề giáo là được truyền nhiệt huyết, truyền thi thức cho học trò bằng chính cảm hứng của mình. Có lẽ vì thế nên dù dạy Hóa học – một môn khá khô khan nhưng tôi cố gắng tìm những phương pháp phù hợp, kích hoạt trí não để học sinh, sinh viên tiếp thu một cách tốt nhất.

P.V: Xin cảm ơn PGS.TS Cao Cự Giác về cuộc trò chuyện!