Phà Bến Thuỷ – chứng tích lịch sử bất tử

Có ai đó đã nói rằng, nếu lấy cầu Bến Thủy 1 làm tâm, vẽ một vòng tròn với chu vi tầm 4 – 5 km, có thể đếm được hàng chục đơn vị và cá nhân anh hùng trong đó. Trong quần thể dày dặn chứng tích anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ ấy, riêng trọng điểm phà Bến Thủy vinh dự 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhiều ghi chép lịch sử về phà Bến Thuỷ những năm chống Mỹ còn in đậm số liệu kinh hoàng: Từ năm 1965 – 1968, trong 2.912 trận oanh kích của máy bay và pháo biển, phà Bến Thuỷ đã phải hứng chịu 11.377 quả rocket, bom, pháo các loại… Đặc biệt, trong 9 tháng năm 1972, đã có 13.253 quả bom, pháo… dội vào.

Phà Bến Thuỷ bấy giờ còn có tên gọi khác là “Yết hầu lửa”. Tên gọi xuất phát từ vị trí chiến lược của phà, là điểm trung chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam trên “mạch máu” giao thông nối hậu phương lớn miền Bắc. Trung bình mỗi đêm có từ vài trăm đến gần ngàn xe di chuyển qua phà, chở theo vũ khí, lương thực, thực phẩm, quân trang… vào Nam. Vì vị trí chiến lược ấy, tháng 11/1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định chuyển nhiệm vụ vượt sông tại phà Bến Thuỷ từ Bộ Giao thông Vận tải sang cho Quân đội đảm nhiệm. Đơn vị công binh phụ trách phà Bến Thuỷ thời kỳ đó thực chất là cán bộ, chiến sĩ 3 đại đội hợp thành: Đại đội pháo binh Hoàng Mai, Đại đội pháo binh Nam Đàn và Đại đội công binh Bến Thuỷ. Tập thể kiên cường này đã chống chọi qua hàng ngàn trận bom Mỹ, đảm bảo cho những chuyến phà thông suốt. Đến cuối năm 1968, phà Bến Thuỷ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Máy bay Mỹ ném bom đánh phá thành phố Vinh.
Máy bay Mỹ ném bom đánh phá thành phố Vinh.

Cũng thời điểm này, cuộc chiến tranh chống Mỹ có những chuyển biến, đòi hỏi sự thay đổi trong chiến lược giao thông vận tải. Phà Bến Thuỷ lại được giao về cho ngành Giao thông phụ trách, trên cơ sở lực lượng sẵn có với hơn 300 người, chia làm 2 kíp vận hành phà liên tục từ 19h đêm đến 5h sáng. Một tổng đài được đặt trong hang núi Quyết, kết nối thẳng với Bộ Giao thông Vận tải và các ban, ngành của tỉnh, thành phố. Đặc biệt, trong những năm tháng ác liệt nhất (1968 – 1972), từ tổng đài này, chỉ huy phà Bến Thuỷ có thể liên lạc trực tiếp với Trung đoàn Pháo cao xạ 233, thông báo khẩn những nội dung về khu vực có bom nổ chậm, bom từ trường, yêu cầu chi viện…

Tình hình cuộc chiến ngày càng ác liệt, giặc Mỹ điên cuồng ném bom lên từng tấc đất, mạch sông, có ngày 3 – 4 trận bom dội vào “yết hầu” trọng điểm này. Vượt qua mưa bom, anh em trực phà không chỉ đảm bảo cho những chuyến xe qua, mà còn không ngừng sáng tạo, cải tiến phương thức vận chuyển theo phương châm an toàn, nhanh chóng. Nếu như trước đây, một chuyến phà sang sông trong con nước bình lặng cũng phải mất 1 tiếng đồng hồ, thì càng ngày thời gian càng được rút ngắn: 9 người đảm bảo 1 chuyến phà qua sông mất 40 phút, rồi giảm xuống còn 6 người với thời gian 10 – 15 phút… Cao điểm năm 1972, một chuyến phà qua sông rộng 600m, đi và về 2 chiều chậm nhất chỉ mất 12 phút. 1 phà chở được 6 xe vận tải nặng, có đêm huy động 4 ca nô, kéo 2 phà ghép lại với nhau chở được 12 xe. Cứ như vậy, một đêm có khoảng 500, 700 đến gần 1.000 xe qua phà.

Cầu Bến Thủy hiện nay.
Cầu Bến Thủy hiện nay.

Những cán bộ, chiến sỹ anh hùng của tập thể 2 lần đạt danh hiệu Anh hùng ấy, nay người còn, người mất. Trong số những người may mắn bước ra từ cuộc chiến có ông Nguyễn Đăng Chế – người trưởng phà Bến Thuỷ trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nguyễn Đăng Chế không phải là nhân vật xa lạ với báo chí. Dễ có hàng trăm bài báo đã viết về ông, đã tri ân và ngợi ca người Anh hùng LLVTND của ngành giao thông vận tải “lúc nào cũng đeo băng đỏ có dòng chữ Trưởng phà Bến Thủy nơi cánh tay, cao to, vững chãi như nhà chỉ huy quân sự” (trích Bút ký lịch sử của nhà văn Đào Thắng). Ấy nhưng hôm nay, trong căn hộ chung cư yên tĩnh giữa lòng thành Vinh, lại là một Nguyễn Đăng Chế thật khác, tĩnh lặng, thâm trầm, và muôn nỗi xúc động chực trào nơi khoé mắt, khi ông nhớ về con phà năm xưa, về những anh em, đồng đội gắn bó máu thịt, về những người vĩnh viễn nằm lại…

Nguyễn Đăng Chế lãnh vai trưởng phà Bến Thuỷ vào đầu năm 1969, năm đó vừa 27 tuổi, là đảng viên trẻ từng có vài năm kinh nghiệm trên cương vị cán bộ khảo sát giao thông, rồi đội trưởng đội rà phá bom mìn trên sông Lam. Hiểu rằng lãnh vai trưởng phà đồng nghĩa với việc xông vào tuyến đầu sinh tử, “lo thì rất lo, nhưng là đảng viên nhẽ nào lùi bước. Cả một tập thể kiên cường như thế đã chống chọi qua hàng ngàn trận bom Mỹ, giờ mình về, phải làm thế nào cho xứng đáng…” – ông Nguyễn Đăng Chế nói.

Anh hùng Nguyễn Đăng Chế bên bến phà năm xưa.
Anh hùng Nguyễn Đăng Chế bên bến phà năm xưa.

Và thế là, suốt 8 năm bám trụ thông phà, người trưởng phà ấy đã không một phút giây nào làm người đứng sau, mà luôn là “mũi tên” xông pha trong mọi trận tuyến. Đêm dầm mình trên ca-nô, dẫn hàng trăm, hàng nghìn chuyến xe qua sông an toàn, mờ sáng, ông cùng anh em trở về “căn cứ” núi Quyết, ngả vội tấm ván gỗ nghỉ ngơi cho lại sức, rồi bật dậy vắt mì chống đói, trăn trở cách thức làm sao để phà đi nhanh hơn, xe di chuyển được nhiều hơn, tránh bom từ trường của giặc Mỹ hiệu quả hơn…

Phà Bến Thuỷ cũng là địa điểm nhiều lần diễn ra lễ truy điệu sống cho những người làm nhiệm vụ. “Có những thời điểm ác liệt đến nỗi, chỉ cần anh em bước xuống phà rời bến thôi đã là anh hùng rồi. Bom Mỹ thả liên tục, dày đặc, cái chết rập rình từng giây, từng phút… Chính tay tôi đây, đã có lúc cùng đội mai táng 8 anh em hy sinh. Vừa đắp mộ xong, bom lại hất tung lên…” – người trưởng phà năm xưa rưng rưng nhớ lại.

Nguyễn Đăng Chế cũng chính là người trở về từ cõi chết sau một chuyến phà cảm tử vào tháng 11/1972. Thời điểm đó, giặc Mỹ ném bom nổ chậm và bom từ trường thế hệ mới, gây nhiều khó khăn trong lưu thông đường thủy. Sau nhiều đêm suy nghĩ, trưởng phà Nguyễn Đăng Chế nêu sáng kiến dùng phà lớn, tốc độ nhanh lướt trên bom với kích từ mạnh để kích nổ, mở đường cho những chuyến phà sau. Ông trực tiếp dẫn phà đi chuyến ấy, rà trên sông đến vòng thứ 3 thì kích nổ 2 quả bom từ trường, đồng thời gây nổ dây chuyền một loạt bom khác. Những tiếng nổ dữ dội vang lên, những cột nước ầm ào trùm lên tất thảy, hất tung phà và ca-nô lên trời. Nguyễn Đăng Chế bị sức ép nặng, hôn mê sâu đến mức đơn vị đã báo tử về cho gia đình, song ý chí thép của người “đứng mũi chịu sào” dường như đã là động lực đưa ông trở về với người thân, đồng đội, tiếp tục gắn bó với bến phà sinh tử.

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông luôn nhắc đi nhắc lại rằng những người anh em, đồng đội của mình nơi phà Bến Thuỷ năm xưa, bám trụ qua giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, đều xứng đáng là những anh hùng. Những người anh hùng lặng thầm ấy, vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí ông, và trong những dòng thơ viết vội trong bao đêm không ngủ: “Những người kéo phà đi sơ tán/ Để lại dấu chân/ Hoàng hôn ra đi, trở về mờ sáng/ Dấu chân/ Dấu chân/ Dấu chân/ Bùn đen máu lẫn/ Khắc vào đất niềm tin và lòng bất khuất…”

Quang cảnh cầu Bến Thủy.
Quang cảnh cầu Bến Thủy.