Phá hoa Tết vì không bán hết: Đừng vội trách người bán

(Baonghean.vn) - Mấy hôm nay thấy thật ồn ào chuyện một số người kinh doanh hoa ở TP Hồ Chí Minh đập phá hoa sau khi không bán được hết hàng,mà ngạc nhiên quá. Nhất là khi đọc được bài báo có tiêu đề “Hành động đập nát hoa chiều 30 Tết là sự hằn học “Không ăn được thì đạp đổ” (Zing.vn).

Thứ nhất, xin khẳng định rằng: Mình không không phải là người bán hoa hay bênh vực những người bán hoa. Do đó việc xót thương hay không xót thương họ không bị chi phối bởi cảm tính. Vì rằng khi dấn thân vào kinh doanh họ phải lường trước các tình huống, hậu quả và họ chịu trách nhiệm về quyết định của mình: lãi thì họ hưởng, lỗ thì họ phải chịu.

Mình cũng không phải là người mua hoa chỉ chờ vào thời điểm cuối cùng để “ép” người kinh doanh phải bán thật rẻ và khi không được như vậy thì rồi trách cứ,chê bai,hằn học họ.
Mình cũng không phải là người theo quan điểm từ thiện, rằng không bán được thì hãy cho, tặng ai đó là những người khốn khổ trong cuộc sống như bài báo dưới đây nói.
Thứ hai, mình thấy cách ứng xử và thể hiện tâm lý của nhiều người Việt chúng ta rất không nhất quán, không sòng phẳng. Đất nước chúng ta đang trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường. Nghĩa là các quan hệ mua - bán, sự lên -xuống của giá cả hàng hóa, dịch vụ... hoàn toàn diễn ra theo quy luật khách quan của thị trường trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện của các bên tham gia miễn là không trái pháp luật.

Người bán không thể ép người mua phải sử dụng hàng hóa,dịch vụ của mình theo giá mà mình mong muốn,ngược lại người mua cũng không có quyền đòi hỏi và ép người bán phải bán cho mình với giá thật thấp theo yêu cầu. Vì vậy đừng trách ai cả: không trách người mua là tại sao cứ chờ đến phút cuối cùng của buổi chợ mới mua hàng (để có giá thấp hơn)?

Cũng không được trách người bán là tại sao không bán thật rẻ hoặc cho người ta để khỏi lãng phí?

Hoa không bán được đã bị người bán phá hỏng tại TP Hồ Chí Minh chiều 30 Tết. Ảnh: Internet.
Hoa không bán được đã bị người bán phá hỏng tại TP Hồ Chí Minh chiều 30 Tết. Ảnh: Internet.

Thứ ba, có ý kiến cho rằng,nếu không bán rẻ hoặc không cho người mua được thì tại sao những người bán hoa không tặng lại số hoa đó cho các cơ sở Bảo trợ xã hội để họ tặng cho những người có hoàn cảnh đặc biệt ở đây.

Có đơn giản vậy không?

Câu trả lời là không, bởi đến phút cuối cùng họ mới phải dỡ hàng thì sao có thể tin tưởng rằng ai đó có thể làm thay họ với mục đích từ thiện được.
Xin thưa: Những suy nghĩ rằng việc phá hoa của những người kinh doanh hoa là “không ăn được thì đạp đổ”,”là sự phí phạm của cải”,”là sự hằn học”... hoàn toàn chỉ là theo cảm xúc thuần túy.

Chính những suy nghĩ như thế mới là thể hiện của sự không công bằng, xa rời thực tiễn. Họ - những người kinh doanh hoa rất hiểu rằng việc làm ăn của họ không phải chỉ một lần, mà phải tiếp tục lần sau nữa, năm sau nữa...

Công nhân môi trường đưa hoa lên xe rác. Ảnh: Internet.
Công nhân môi trường đưa hoa lên xe rác. Ảnh: Internet.

Nếu họ bán hàng theo “cảm xúc” như một số người yêu cầu thì chắc chắn rằng lần sau, năm sau họ hãy cứ ngồi mà ôm hàng đến phút giao thừa để rồi sạt nghiệp và phá sản! Trước khi chờ ai đó cứu giúp thì họ phải tự cứu mình. Những người kinh doanh hiểu rất đúng quy luật thị trường và cũng là quy luật cuộc sống.

Họ không làm ai khác bị thiệt hại và đừng bắt họ phải làm từ thiện theo kiểu để tự giết mình.

Vậy nên đừng vội trách họ!

Tin mới