Phân bổ kịp thời, sử dụng hợp lý nguồn quỹ và ngân sách trong phòng chống thiên tai

(Baonghean.vn) - Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, đại diện một số sở, ngành ở Nghệ An cho rằng, cần quản lý, phân bổ nguồn quỹ và ngân sách nhà nước trong phòng, chống thiên tai một cách hiệu quả hơn; tránh phân tán quá nhiều đầu mối và thiếu tính kịp thời đối với các nhiệm vụ cấp bách.
Sáng 11/5,  Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 9. Các đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão chủ trì hội nghị.Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Ảnh: Thanh Quỳnh
Sáng 11/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 9. Các Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Ảnh: Thanh Quỳnh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Văn Mão khẳng định: Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản hướng dẫn được ban hành đã góp phần hoàn thiện đáng kể hành lang pháp lý trong công tác phòng, chống thiên tai góp phần thúc đẩy quản lý rủi ro thiên tai giảm thiểu thiệt hại, phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thực hiện trong điều kiện thiên tai diễn biến phức tạp đã phát sinh một số vấn đề còn bất cập liên quan đến: nguồn lực phòng chống thiên tai, các loại hình thiên tai và công trình phòng chống thiên tai; huy động nguồn lực phòng chống thiên tai; Ngân sách nhà nước trong phòng chống thiên tai; hoạt động nạo vét luồng lạch, việc sử dụng bãi nổi, cù lao; quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều…cần góp ý, sửa đổi. 

Quản lý, sử dụng hợp lý nguồn quỹ và ngân sách trong phòng, chống thiên tai
Đại biểu Phạm Hồng Thương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi đề nghị xem xét cho thành lập cơ quan quản lý quỹ phòng, chống thiên tai cấp huyện với hình thức kiêm nhiệm, không bổ sung biên chế. Bởi việc xây dựng kế hoạch, thu và nạp quỹ phòng, chống thiên tai hằng năm chủ yếu là ở cấp huyện thực hiện. Ngoài ra, cấp huyện còn quản lý 20% nguồn thu quỹ, vì vậy khi có thiên tai xảy ra sẽ giúp chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả.
Ảnh: Thanh Quỳnh
Đại biểu Phạm Hồng Thương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tham gia góp ý liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng nguồn quỹ và ngân sách nhà nước trong phòng chống thiên tai. Ảnh: Thanh Quỳnh

Bên cạnh đó, hiện nay ngân sách nhà nước dành cho phòng chống thiên tai còn phân tán tại nhiều đầu mối quản lý gây ảnh hưởng đến hoạt động phòng chống thiên tai. Do vậy, đề nghị bổ sung điều chỉnh cho phù hợp.

Đồng quan điểm, đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc - Trưởng Phòng kiểm tra và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp kiến nghị cần có quy định về khoản chi riêng trong mục lục ngân sách nhà nước để tập trung nguồn lực, tạo sự chủ động trong phòng chống thiên tai, tránh việc quy định mang tính chất chung chung gây nhầm lẫn trong quá trình thực hiện.

Hinh thành lực lượng chuyên trách, chuyên nhiệp trong PCTT
Nhiều ý kiến tại hội nghị phản ánh thực tế vướng mắc khi luật quy định việc phòng chống thiên tai là một lĩnh vực đa ngành, có sự tham gia quản lý và thực hiện của nhiều bộ, ngành, địa phương. Mỗi hoạt động lại có thể bao gồm nhiều nhiệm vụ và mỗi nhiệm vụ lại có thể cần sự tham gia chỉ đạo, điều hành và phối hợp thực hiện của nhiều cơ quan đơn vị. 
Tuy nhiên, việc xác định lực lượng nào, cơ quan đơn vị nào là chủ trì và chịu trách nhiệm trực tiếp thì chưa quy định rõ. Vì vậy, việc chịu trách nhiệm cụ thể đối với các nhiệm vụ thi hành còn chưa được rõ ràng, minh bạch. 
Ảnh tư liệu
Nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng phòng, chống thiên tai ở các cấp địa phương có thành phần khác nhau, chưa hình thành một lực lượng chuyên trách, chuyên nghiệp, đồng bộ. Ảnh tư liệu
Lực lượng phòng, chống thiên tai ở các cấp địa phương có thành phần khác nhau, chưa hình thành một lực lượng chuyên trách, chuyên nghiệp, đồng bộ, đảm bảo phối hợp đa ngành, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
Về cơ bản lực lượng cán bộ phòng, chống thiên tai vẫn nguyên hiện trạng bộ máy phòng chống lụt bão trước đây, do vậy chưa đảm bảo quy mô, kinh nghiệm trong tham mưu, chưa bao quát được toàn bộ trên 19 loại hình thiên tai, cũng như các nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai được quy định trong Luật Phòng, chống thiên tai.
Vì vậy kiến nghị cần xây dựng, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ của lực lượng phụ trách công tác này. 
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến: đào tạo, huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách hỗ trợ cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; Xác định quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi... cũng được các đại biểu đề cập tại hội nghị.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, các đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội ghi nhận, tổng hợp ý kiến của các đại biểu tham gia xây dựng dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.

Tin mới