Phan Bội Châu - người thức tỉnh một thế hệ thanh niên Việt Nam

(Baonghean.vn) - Trong cuộc đời hoạt động yêu nước, chống Pháp sôi nổi của mình, Phan Bội Châu luôn chú trọng đến thanh niên, coi thanh niên là một lực lượng cách mạng đặc biệt quan trọng. Ngược lại thanh niên Việt Nam thủa đó cũng dành những tình cảm đặc biệt cho Phan Bội Châu.

Thanh niên Việt Nam đã tích cực ủng hộ, hưởng ứng và tham gia những hoạt động yêu nước, chống Pháp do Phan Bội Châu khởi xướng. Họ tin vào tấm lòng yêu nước trong sáng, tinh thần chống Pháp cứu nước sục sôi của Phan Bội Châu. Họ hết lòng theo Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du và tích cực gia nhập tổ chức Việt Nam Quang phục Hội. Mọi hoạt động yêu nước của Phan Bội Châu đều được thanh niên dõi theo, hưởng ứng và hâm mộ.

Khu Lưu niệm cụ Phan tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn. Ảnh: Thành Cường
Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn. Ảnh: Thành Cường

Trong cuộc đời của mình, Phan Bội Châu viết nhiều tác phẩm có tác động lớn với sĩ phu trong nước như “Việt Nam vong quốc sử”, “Đề tỉnh quốc dân hồn”,  “Hải ngoại huyết thư”…. Các tác phẩm của ông đã tạo nên một làn sóng mới thúc đẩy nhiều thanh niên yêu nước tham gia phong trào Đông Du, ra nước ngoài học tập để tìm đường chống Pháp.

Với sự dẫn dắt của Phan Bội Châu đã làm nên một làn sóng nô nức ra đi “tìm đường cứu nước” và chính họ là nòng cốt của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội sau này.

Hình ảnh cụ Phan Bội Châu cùng bạn bè bên cầu Hữu Biệt (nay là cầu Mượu thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn) năm 1905 trước khi sang Nhật. Ảnh: Thành Cường
Hình ảnh cụ Phan Bội Châu cùng bạn bè bên cầu Hữu Biệt (nay là cầu Mượu thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn) năm 1905 trước khi sang Nhật. Ảnh: Thành Cường

Năm 1907, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Cống hiến Hội, một phong trào với sự tham gia của hơn 100 học sinh du học ở Nhật. Việc này có ý nghĩa tượng trưng vì những học sinh có được cơ hội để cộng tác với nhau với tư cách là những người Việt, (không phải người Bắc Kỳ, Nam Kỳ hay Trung Kỳ mà người Pháp đã cố tình chia ra). Phong trào Đông Du đang diễn tiến tốt đẹp thì Pháp và Nhật Bản đã câu kết với nhau trục xuất các du học sinh Việt Nam về nước.

Năm 1908, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu trục xuất các du học sinh Việt Nam. Nhưng một số khá đông thanh niên đã không chịu về nước. Họ tìm mọi cách ở lại Nhật Bản, sẵn sàng chấp nhận khổ công học tập, ăn đói, mặc rét, trốn tránh sự truy lùng của cảnh sát Nhật Bản, kiên trì sát cánh cùng Phan Bội Châu.

Năm 1912, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông đã thành lập tổ chức yêu nước mới là Việt Nam Quang phục Hội. Biết tin này, nhiều thanh niên yêu nước rời Việt Nam đến Trung Quốc để gia nhập tổ chức. Phan Bội Châu trọng dụng những thanh niên từng tham gia phong trào Đông Du cử họ nắm giữ những chức vụ quan trọng trong tổ chức Việt Nam Quang phục Hội.

Nhà trưng bày các kỷ vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Phan Bội Châu tại Khu di tích lưu niệm ở Nam Đàn. Ảnh: Thành Cường
Nhà trưng bày các kỷ vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Phan Bội Châu tại Khu di tích lưu niệm ở Nam Đàn. Ảnh: Thành Cường

Ngày 30 tháng 6 năm 1925, ông bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải rồi bí mật đưa về nước để thủ tiêu nhưng trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi thả Phan Bội Châu, thực dân Pháp buộc phải tiến hành xét xử lại vụ án Phan Bội Châu nhằm xoa dịu tinh thần phản kháng của dân chúng.

Nhân cơ hội này, học sinh, sinh viên cả nước đã tích cực vận động nhân dân đấu tranh để gây áp lực với chính quyền, hàng nghìn người dân, trong đó đông đảo nhất là học sinh, sinh viên tới dự phiên tòa. Trước sự phản đối của quần chúng, thực dân Pháp đã giảm từ án tử hình xuống chung thân khổ sai. Như vậy là Phan Bội Châu đã thoát khỏi án tử nhờ có sự đấu tranh của nhân dân, mà công đầu thuộc về học sinh, sinh viên. Một lần nữa, để xoa dịu dư luận thực dân Pháp đã đưa Phan Bội Châu về an trí tại Huế.

Trong thời gian sống ở Huế, nhất là trong thời gian đầu, đông đảo học sinh, sinh viên đến thăm Phan Bội Châu, ủng hộ ông cả về tinh thần và vật chất. Phan Bội Châu tiếp tục truyền cảm hứng yêu nước cho thanh niên trong thời gian ông sống ở Huế. Đầu xuân 1927, học sinh trường Quốc học và trường Nhà dòng Huế đến mừng thọ 60 tuổi của Phan Bội Châu.

Trong lời đáp từ của nhà chí sĩ, có bài thơ "Bài ca chúc Tết thanh niên". Báo "Tân thế kỷ" số ra ngày 3/2/1927 đã giới thiệu toàn văn bài thơ viết theo thể hát nói đôi khổ, giọng thơ vừa bồi hồi tha thiết, vừa mạnh mẽ hùng hồn, bài ca đã động viên và khích lệ thanh niên lên đường cứu nước. “Bài ca chúc Tết thanh niên” là những lời tâm huyết của Phan Bội Châu gửi gắm đến thế hệ thanh niên, thanh niên phải “xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”. 

Mỗi năm có hàng trăm lượt học sinh đã đến với khu di tích này. Những dòng lưu bút thể hiện sự kính yêu, ngưỡng mộ trước nhân cách, tài trí và tấm lòng vì nước của cụ Phan.
 Những dòng lưu bút trong cuốn sổ đặt tại Nhà trưng bày Khu Di tích lưu niệm cụ Phan ở Nam Đàn thể hiện sự kính yêu, ngưỡng mộ của thế hệ trẻ trước nhân cách, tài trí và tấm lòng vì nước của cụ. Ảnh tư liệu

Nhìn chung, Phan Bội Châu là người biết phát huy sức mạnh của thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông luôn chăm sóc thanh niên, bồi đắp lòng yêu nước, chí căm thù ngoại xâm và quyết tâm đấu tranh xóa bỏ ách nô lệ cho dân tộc.

Ông là người có công thức tỉnh một thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước, chuẩn bị nguồn nhân lực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ngược lại, thanh niên Việt Nam tôn sùng ông là thần tượng. Họ hăng hái theo ông đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Họ luôn kề vai, sát cánh cùng ông trong những lúc ông gặp khó khăn và tiếp tục thắp lên ngọn lửa yêu nước mà ông đã trao truyền cho họ./.

                                                   Nguyễn Văn Bích

(Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới