Phan Thanh Vân: Hành trình chuyên nghiệp từ cầu thủ 'phủi'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Không qua trường lớp đào tạo bài bản, trưởng thành từ bóng đá phong trào, trở thành cầu thủ chuyên nghiệp rồi lại quay về với bóng đá phong trào để thoả mãn đam mê. Sự nghiệp thể thao này đã góp phần làm nên những cá tính, quan điểm đặc biệt của cầu thủ Phan Thanh Vân.

Đi lên từ phủi, trở về với phủi

Tôi gặp anh Vân trong một buổi chiều tại quán cafe của anh trên đường Nguyễn Tiến Tài (TP. Vinh). Anh tiếp khách trong bộ quần áo bóng đá của câu lạc bộ mà anh đang chơi, phong thái giản dị như cái cách anh bài trí quán cafe của mình. Hai chiếc tivi lớn trong quán đang chiếu 1 trận bóng của giải U19 Đông Nam Á. Hầu hết họ đều là những khách quen có chung đam mê bóng đá, thậm chí rất nhiều người từng đá bóng với anh Vân từ cách đây gần 30 năm - khi anh còn là cậu bé lớp 7 đầu trần, chân đất mê mải đuổi theo trái bóng trên nền đất bụi tung mù của sân bóng Nhà Văn hoá Lao động tỉnh.

“Ở nhà tôi ai cũng yêu bóng đá, từ bố, mẹ đến 2 chị gái. Bố tôi còn là một cầu thủ của đội bóng Tỉnh đội, dù ông chỉ là một công nhân. Nhưng cũng chính vì yêu bóng đá, hiểu bóng đá nên ông bà không cho tôi đi theo con đường này. Chứng kiến nhiều câu chuyện tiêu cực bên ngoài sân cỏ, ông bà sợ tôi không đủ bản lĩnh để tránh” - anh Vân nhớ lại.

Thế là, dù được nhiều người khen là đá bóng hay nhưng cậu bé Vân chẳng bao giờ bước chân đến những lớp tuyển sinh hay lò đào tạo nào, chỉ lăn lộn tranh bóng với những đàn anh hơn mình cả chục tuổi ở các sân phong trào. Cứ thế cho đến khi Vân học lớp 11. Trong một lần theo chúng bạn trong xóm đi tuyển sinh ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An, Vân lọt vào mắt của các thầy và trở thành đứa duy nhất trong xóm trúng tuyển.

Anh Phan Thanh Vân những năm đầu ở đội bóng Quân khu 4. Ảnh: NVCC

Anh Phan Thanh Vân những năm đầu ở đội bóng Quân khu 4. Ảnh: NVCC

Kể đến đây, anh Vân bật cười khi nhớ lại những cảm xúc thời niên thiếu: “Tất nhiên là tôi rất vui và bất ngờ, nhưng trên cả là sự lo lắng. Vì tôi biết chắc, bố mẹ sẽ không bao giờ đồng ý cho tôi theo bóng đá chuyên nghiệp. Thế là tôi quyết định giấu nhẹm chuyện này và âm thầm trốn bố mẹ đi tập. Suốt 1 tháng trời sau đó, chiều nào tôi cũng nhét quần áo vào cặp rồi nói dối bố mẹ là đi học thêm. Đến trung tâm thì thay quần áo vào rồi tập với thầy và các bạn. Chiều tối tan lớp thì chạy ra sân phủi chơi với các anh em trong đội cho đến khi tối hẳn mới dám về. Về muộn là để tránh bố mẹ chú ý quần áo của mình. Quần áo mặc khi tập được tôi nhét xuống gầm giường hết. Chờ đến khi nào cả nhà đi ngủ thì mới lôi ra sau giếng giặt. Hôm nào trời nắng còn đỡ, hôm nào trời mưa thì vất vả hết nói”.

Chuỗi ngày bí mật này lặp đi lặp lại được khoảng 1 tháng, cho đến khi Vân bị bố mẹ phát hiện ra. Dù thầy giáo ở Trung tâm đã đến tận nhà xin phép nhưng bố mẹ anh vẫn kiên định với mong muốn cho Vân vào môi trường kỷ luật của quân đội để rèn luyện. “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ vào quân đội, hệt như cái cách bố mẹ tôi khẳng định rằng tôi không bao giờ được theo nghiệp cầu thủ. Ấy thế mà run rủi thế nào, 2 thái cực đó lại gặp nhau. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi trượt Trường Đại học Thể dục Thể thao Hà Nội. Tháng 8 năm 2000, đang lúc chưa biết làm gì thì thấy đội bóng đá phong trào Quân khu 4 tuyển người, thế là tôi đăng ký và bố mẹ tôi ủng hộ. Bất đắc dĩ tôi thành một anh bộ đội đá bóng” - anh Vân hóm hỉnh nói.

Dù từng thi đấu ở rất nhiều đội bóng nhưng đội bóng Quân khu 4 vẫn là đội tuyển mà anh Vân cảm thấy gắn bó nhất. Ảnh: NVCC

Dù từng thi đấu ở rất nhiều đội bóng nhưng đội bóng Quân khu 4 vẫn là đội tuyển mà anh Vân cảm thấy gắn bó nhất. Ảnh: NVCC

Anh Vân vào đá được 2 tháng thì đội bóng đá phong trào Quân khu 4 được lên hạng Ba. Đến cuối năm 2001, đội bóng từ hạng Ba được lên hạng Nhì. Năm 2006, đội lên hạng Nhất và đến cuối năm 2008 thì được công nhận là đội bóng đá chuyên nghiệp. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, đang hài lòng, viên mãn với một đội bóng chuyên nghiệp có tính “gia đình”, các cầu thủ gắn bó, đoàn kết với nhau cả trong sân cỏ lẫn ngoài đời thì cuối 2009, sau khi đội Quân khu 4 bị bán, anh Vân trở thành cầu thủ của Navibank Sài Gòn, ở vị trí đội trưởng.

Chặng đường 5 năm sau đó là hành trình đầy… long đong của anh Vân. Hết năm 2010, anh đá cho Hoà Phát Hà Nội. Sang năm 2011 lại được chuyển giao cho Hà Nội ACB. Năm 2013 lại về đá cho CLB Bóng đá Đồng Nai. Năm 2014 vừa về Quảng Nam thì sang năm 2015 đã vào Sài Gòn đá hạng Nhất rồi nghỉ hẳn không lâu sau đó. “Lúc đó tôi cũng đã 34, 35 tuổi rồi, đầu gối lại còn bị chấn thương. Hơn hết, thời điểm này, mẹ tôi mắc một cơn bạo bệnh. Hơn 1 năm chạy chữa cho bà, tôi đi đi về về Vinh - Sài Gòn liên tục và nhận ra, mình dành quá ít thời gian cho gia đình. Tôi từng mong mình sẽ dừng chuyên nghiệp để trở thành một ông thầy hay một huấn luyện viên, nhưng rồi sự ra đi của mẹ giúp tôi nhận ra, mình cần phải trở thành một ông bố, một người con, một người chồng tốt trong chính gia đình của mình cái đã” - anh Vân thổ lộ.

Anh Thanh Vân thời làm đội trưởng của đội Navibank Sài Gòn. Ảnh: NVCC

Anh Thanh Vân thời làm đội trưởng của đội Navibank Sài Gòn. Ảnh: NVCC

Những chiêm nghiệm rất khác

Toàn bộ vốn liếng tích cóp được, vợ chồng anh Vân dùng để mua một mảnh đất nhỏ và mở một quán cafe bóng đá vừa để thoả mãn đam mê vừa để trang trải cuộc sống. Trở về với gia đình, với đám bạn, với các đàn anh thủa thiếu thời, với sân “phủi”, anh Vân tìm thấy cho mình những niềm vui rất đỗi giản đơn mà bấy lâu nay anh vô tình bỏ lỡ.

Đội bóng của anh Vân từng nhiều lần đạt giải cao ở các giải "phủi". Ảnh: NVCC
Đội bóng của anh Vân từng nhiều lần đạt giải cao ở các giải "phủi". Ảnh: NVCC

Từ sự nghiệp bóng đá của mình, anh Vân có những quan điểm, nhìn nhận rất thú vị về bóng đá phủi và bóng đá chuyên nghiệp. Theo đó, cựu đội trưởng của Navibank Sài Gòn cho rằng, bóng đá “phủi” có những yếu tố mà trong bóng đá chuyên nghiệp không thể có. “Đi lên từ bóng đá đường phố, trưởng thành từ các giải phong trào, tôi cực kỳ thích cái sự “nhiệt” của môi trường bóng đá không chuyên này. Nó có thể thiếu bài bản, chỉnh chu nhưng nó là môi trường để các cầu thủ thể hiện cá tính, óc sáng tạo, sự nhạy bén của bản thân một cách rõ nhất. Ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng mà được tiếp xúc, rèn dũa trong môi trường này thì đến khi lên chuyên nghiệp, các em sẽ phát huy mình một cách tối đa. Ngược lại, nếu từ môi trường chuyên nghiệp bước sang “phủi” sẽ có sự “giữ chân” nhất định, khiến cầu thủ bị hạn chế "chất riêng" của mình” - anh Vân nói.

Chia sẻ về câu lạc bộ “phủi” mà mình đang chơi, anh Vân tự hào: “Đội thiếu niên xưa kia nay đã thành các bô lão U50, U60 rồi nhưng mọi người vẫn thân thiết và yêu quý nhau lắm. Từ bóng đá “phủi”, tôi có những người anh luôn chân thành bảo ban, góp ý, những người em luôn nhiệt tình, sôi nổi, vô tư. Gần đây, khi các giải bóng đá phong trào dần bị thương mại hoá, nặng về thành tích, quảng bá thương hiệu, thậm chí lạm dụng việc thuê cầu thủ ngoài, thì anh em chúng tôi không còn mặn mà đá giải nữa. Thích nhất vẫn là những trận đá giao lưu chỉ để thoả mãn đam mê với nhau thôi”.

Anh Thanh Vân (áo kẻ) cháy hết mình trong một trận đấu giải phong trào. Ảnh: Xuân Thuỷ

Anh Thanh Vân (áo kẻ) cháy hết mình trong một trận đấu giải phong trào. Ảnh: Xuân Thuỷ

Nhận xét về anh Phan Thanh Vân, ông Nguyễn Công Chất - khách quen của anh Vân, cũng là một cổ động viên nổi tiếng Sông Lam Nghệ An nói: "Vân đá bóng hay, có năng khiếu, có đam mê và có nghị lực vươn lên, nhưng điều tôi quý nhất ở nó là tư cách đạo đức. Chính vì tính cách chân thành, thẳng thắn, tử tế của Vân mà từ hồi nó mở quán, tôi không đi quán nào khác nữa".

Tin mới