Pháp thông qua luật lao động gây tranh cãi

(Baonghean.vn) - Ngày 5/7, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã sử dụng điều 49-3 trong hiến pháp để thông qua Luật lao động mới gây tranh cãi mà không cần phải trải qua bỏ phiếu ở quốc hội.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls phát biểu trước Quốc hội tại Paris, Pháp ngày 28/6. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls phát biểu trước Quốc hội tại Paris, Pháp ngày 28/6. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Valls phát biểu trước quốc hội rằng ông hành động vì "lợi ích chung" của nhân dân Pháp.

Các nghị sĩ Pháp có 24 giờ để quyết định liệu có yêu cầu cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Valls hay không - điều mà phe đối lập cánh hữu đã loại bỏ.

Đây là lần thứ 2 Chính phủ Pháp sử dụng điều 49-3 cho gói cải cách này vì không thể trông đợi vào lá phiếu của cánh tả trong Đảng Xã hội ở quốc hội.

Điều 49-3 trong hiến pháp Pháp quy định một chính phủ cầm quyền được phép thông qua một dự luật mà không cần bỏ phiếu tại quốc hội. Điều khoản này được coi là một “ngoại lệ” nhằm tránh tình trạng bị đóng băng của một dự thảo luật khi có tranh chấp giữa 2 nhánh hành pháp và lập pháp.

Tuy nhiên, trong trường hợp chính phủ viện tới điều khoản này thì quốc hội lại có quyền yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ. Nếu đa số bất tín nhiệm, chính phủ đương nhiệm sẽ bị giải tán để thành lập một chính phủ mới.

Dự luật cải cách lao động trên bị chỉ trích vì đã có những điều chỉnh có lợi cho giới chủ. Trong khi đó, phía Chính phủ thì giải thích việc “cởi trói” cho thị trường lao động, cho phép giới chủ lao động dễ sa thải hơn, linh hoạt hơn về giờ giấc làm việc và các điều kiện lao động… sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho giới chủ để họ dễ dàng tuyển dụng nhân viên hơn.

Chính phủ muốn khuyến khích các doanh nghiệp tăng tuyển dụng người lao động khi họ ít bị ràng buộc hơn bởi các khoản đóng góp và bồi thường cho người lao động.

Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn đã phản ứng lại và cho rằng, các quy định cho phép doanh nghiệp dễ dàng sa thải nhân công là làm phương hại đến lợi ích của người lao động.

Lan Hạ

(Theo Reuters)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới